Trịnh Hòa sống lại, cũng sẽ mắng đám hậu sinh không khả úy !

Lịch sử đã ghi nhận suốt 7 cuộc thám hiểm kết hợp đi sứ, Trịnh Hòa không tự gây chiến, không dựng pháo đài, không chiếm một mảnh đất hay vùng biển đảo nào.

Trịnh Hòa là một nhà thám hiểm, một đô đốc hạm đội, một nhà ngoại giao người Hồi (chứ không phải người Hán) của Trung Quốc.

Những thập niên đầu thế kỉ 15, ông đã chỉ huy 7 cuộc thám hiểm vượt biển Đông đến Nam Á, Đông Nam Á, Đông Phi và Trung Đông.

Các quốc gia in dấu ấn bước chân ông là Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Yemen, Keyna và Saudia Arabia...

Hạm đội do Trịnh Hòa chỉ huy mỗi chuyến “Vạn lý hải dương” có tới 300 chiến thuyền, gần 30 ngàn người, lớn gấp 300 lần quy mô thám hiểm của Christopher Columbus.

Trịnh Hòa được ghi nhận là nhà thám hiểm đặc biệt lừng danh của nhân loại, là niềm tự hào của nhân dân Trung Quốc và thế giới.

Lịch sử đã ghi nhận, suốt 7 cuộc thám hiểm kết hợp đi sứ, có những cuộc thời gian kéo dài hơn 2 năm, Trịnh Hòa không tự gây chiến, không dựng pháo đài, không chiếm một mảnh đất nào.

Hầu như, ông đi đến đâu cũng cho nhiều hơn nhận và được đón chào hân hoan, trân trọng.

Nhà giàn DK 1 hiên ngang trên thềm lục địa, xác định chủ quyền biển đảo Việt Nam. Ảnh: TTXVN.

Xuyên tạc Lịch sử

Vậy mà, báo Nhân dân Giải phóng quân cuẩ Trung Quốc lại khẳng định: “... trong chuyến đi sứ thứ tư đến Tây Dương (1413-1415), Đô đốc Thái giám Trịnh Hòa đã đánh chiếm Chiêm Thành trên lục địa và các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông vào năm 1413.

Trung Quốc coi đó là những chứng cứ chứng minh rằng hai quần đảo này từ thời nhà Minh đã thuộc chủ quyền của Trung quốc”.

Sự thật là: Trịnh Hòa được Minh Thành Tổ giao nhiệm vụ chỉ huy hạm đội Tây Dương chủ yếu nhằm mục đích: Khuếch trương thanh thế uy quyền của nhà Minh ở khu vực Đông Nam Á và Trung Á.

Biểu dương sức mạnh để các nước phải thuần phục, triều cống. Qua đó, để nâng cao uy tín của Trung Quốc, của Minh Thành Tổ với lân bang. Chứ hoàn toàn không đi chiếm đất, hay cắm mốc, khoanh bản đồ xác định chủ quyền.

Theo cuốn Vũ Bị Chí do Mao Nguyên Nghi soạn năm 1621 ghi rằng: Suốt bảy lần xiển dương sức mạnh, đi sứ Tây Dương, nhà thám hiểm Trịnh Hòa chỉ sử dụng vũ lực có ba lần.

Lần một, bắt sống Trần Tổ Nghĩa là tên hải tặc ở cảng biển cổ Palembang, Indonesia.

Lần hai, bắt sống quốc vương của Tích Lan (Sri-lanka ngày nay) vì vị quốc vương này định cướp đoàn thuyền của Trịnh Hòa.

Lần ba, tấn công Tô Can Lạt - em trai quốc vương nước Sumudra (Indonesia) vì ông ta xua hàng vạn quân tấn công hạm đội của Trịnh Hòa.

Vậy thì, Hạm đội của Trịnh Hòa đánh chiếm vương quốc Chiêm Thành và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào lúc nào?

Người hiện đại Trung Quốc sao lại dựng điêu câu chuyện ông cha sử dụng vũ lực chiếm và xác lập chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa như thế?

Chiếm rồi sao không cho quân đồn trú? Sao không đánh dấu xác định chủ quyền? Sao không đưa dân binh khai thác? Sao không ghi vào sử sách?

Sao Bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” Nhà xuất bản Thượng Hải in năm 1904 (Địa dư toàn đồ Trung Quốc lập trong thời nhà Thanh) ghi rõ cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, và không ghi Hoàng Sa, Trường Sa?

Cần phải nhấn mạnh rằng: Đi sau Trịnh Hòa gần trăm năm, nhà thám hiểm lừng danh mọi thời đại Christopher Columbus cũng thám hiểm tìm ra nhiều vùng đất mới.

Nhưng, khác Trịnh Hòa ở chỗ: Columbus đi đến đâu, phát hiện ra vùng địa lý mới nào cũng đồng nghĩa với việc mở đường cho các nước Tây Âu xâm chiếm thuộc địa.

Các cuộc di dân của người da trắng Anh, Pháp, Tây ban nha, Bồ đào nha... với chủ nghĩa thực dân được thiết lập ngay trên các vùng địa lý Columbus khám phá.

Còn Trịnh Hòa thì không, các cuộc xâm lăng của người Hoa Hạ cũng chỉ trên đất liền.

Bởi Trung Quốc khi đó vẫn “mặn rừng nhạt biển”, tư tưởng giữ đất liền quá kiên cố nên không hướng ra đại dương.

Nếu có mở ra biển thì cũng chỉ là “Thọ tựa Nam Sơn, phúc như Đông Hải” (biển Hoa Đông) như lời người Trung Quốc cổ thường chúc nhau.

Chứ người Hoa Hạ chưa có văn hóa biển Nam Hải (biển Đông). Cuối cùng, Trung Quốc cụ thể là nhà Thanh hủ lậu là mục tiêu chinh phạt của thực dân da trắng, phải chịu thua, đầu hàng trước tàu sắt, đạn đồng tấn công từ hướng biển.

Có thể nói Trung Quốc bỏ ngỏ, bỏ quên, chẳng nghĩ ra, không với tới... biển Nam Hải (biển Đông).

Nhà triết học cổ đại Khổng Tử nói rằng: “Hậu sinh khả úy” (Người thế hệ sau có thể vượt cha ông, đáng được khen ngợi và tôn trọng).

Hậu duệ Trịnh Hòa vượt ông có lẽ ở khoản dựng điêu, nói dối và dùng vũ lực xâm chiếm lân bang. Còn cái sự ôn hòa nhân bản, nhân văn thì thua xa ông.

Nhà thám hiểm Trịnh Hòa – một thân phận quan Thái giám, nhưng kiên cường với tầm nhìn và quyền uy của một nhà thám hiểm, một đô đốc hạm đội, là một người Trung Hoa đặc biệt khác hẳn với hầu hết phần còn lại của quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Ông không chiếm cứ chỗ đất hoang nào, không xác lập chủ quyền quốc gia ở hòn đảo, quần đảo hoang vu nào khác. Ông là nhà ngoại giao làm tròn thân phận với triều đình.

Những chuyến Tây Dương của Trịnh Hòa vừa nhằm mục đích thám hiểm, vừa mang đậm màu sắc tạo thanh thế, diễu võ dương oai, khiến các quốc gia thuần phục và triều cống Trung Quốc.

Mục địch chỉ đến thế, chứ không phải chiếm đất chiếm biển, xác lập chủ quyền.

Tàu ngầm tấn công lớp Kilo của Hải quân Việt Nam với vũ khí hiện đại sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: TTXVN.

Người đời sau của nước Trung Hoa hơn ông ở chỗ: khoác thêm cho ông chiếc áo giáp chiến trận, ghi công cho ông chiếm đảo hoang chỗ nọ, chiếm đất vắng chủ chỗ kia, mà ông chẳng bao giờ nghĩ đến, không bao giờ làm.

Than ôi! Nếu đội mồ sống lại, ông cũng không dám nhận “chiến công vang dội” vượt trùng dương cắm mốc, mà hậu duệ đã gán cho ông.

Trịnh Hòa mà sống lại, ông sẽ quát mắng hậu duệ rằng: Các người có biết thời cổ đại, người Trung Quốc quay lưng ra biển.

Con đường tơ lụa phát triển rực rỡ cũng từ tầm nhìn bám giữ lấy đất liền, ngoảnh lưng ra đại dương.

Nếu có tầm nhìn đại dương và cái đầu thực dân như các quốc gia Tây Âu: Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha...

Thời ấy, thì Ấn độ và các nước Nam Á, các quần đảo ngoài khơi Nam Hải, Ấn độ dương... mà Trịnh Hòa đi qua đã thành miền đất mới, thành thuộc địa của Minh Thành Tổ từ 600 năm trước rồi.

Xã hội Trung Quốc phong kiến chỉ nghĩ đến đất liền, thôi các hậu duệ ạ.

Nếu linh hồn là có thật, thì Trịnh Hòa cũng đã biết: Hiện nay, Trung Quốc có 27 tuyến vận tải, thì 17 tuyến nằm trên biển Đông.

Biển Đông đang kết nối Trung Hoa lục địa với 125 nước trên thế giới và có tới 3/4 số lượng dầu nhập khẩu đi qua các tuyến vận tải biển Đông vào Trung Quốc.

Biển Đông tiềm tàng tài nguyên, dầu khí, hải sản không kể xiết. Thì việc hậu duệ của ông nhòm ngó, nhận vơ, vẽ tam toạng đường chữ U (Đường chín đoạn) và tranh đoạt đến 80% biển Đông là... lòng tham không đáy.

Thời Trịnh Hòa làm mưa làm gió đi về biển Đổng, Ấn độ dương... như chỗ không người mà còn không đặt mốc chủ quyền.

Cớ làm sao hậu duệ của ông lại chiếm đoạt cả những quần đảo, những vùng biển, thềm lục địa đã có chủ? Cớ sao lại xác định bốn khu vực đánh cá của ngư dân Trung Quốc trên biển Đông?

Cớ sao lại chiếm đóng trái phép Hoàng Sa, chiếm đảo Gạc Ma, kéo dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, và bây giờ là Tầu Hải cảnh 3901 và Tàu Hải Dương địa chất 8 hoạt động trái phép ở khu vực bãi Phúc Tần – Tư chính của Việt Nam.

Âm mưu độc chiếm biển Đông

Nếu linh hồn là có thật, Trịnh Hòa có biết hậu duệ của ông hàng năm chi 1,5 triệu USD nhằm khuyến khích, cổ vũ, thúc giục “ngư dân di chuyển tới những khu định cư mang tính lâu dài hơn trên quần đảo trong bối cảnh nguồn cá và thu nhập bị giảm sút.

Ngư dân sống ở quần đảo được trả thù lao tùy vào khu vực mà họ sinh sống. Ví dụ, mỗi người tại nhóm Lưỡi Liềm sẽ nhận được 6.79 đô la Mỹ một ngày, nếu như họ chịu hiện diện trên các đảo tổng cộng 180 ngày mỗi năm.

Những ai sống trên đá Vành Khăn tổng cộng 150 ngày sẽ nhận được 12.07 đô la Mỹ mỗi ngày”.

Thưa nhà thám hiểm lừng danh Trịnh Hòa, hậu duệ của ông đã tiến xa, vượt hẳn “tầm nhìn đại dương” của ông rồi đó. Họ đã đem tiền của phát cho dân và với chiến thuật “để lâu cứt trâu hóa bùn”, xua dân đến sinh sống trên các quần đảo tranh chấp, hoặc chiếm đoạt.

Biển Đông không phải là cái ao nhà của Trung Quốc

Hòng hóng tới vài chục, vài trăm năm sau, thiên hạ quên lãng, cứ tưởng đó là vùng đất lâu đời có cư dân Trung Quốc sinh sống đấy mà.

Sao mà “hậu sinh khả úy” ở cái món thâm nho võ tầu vượt cả cha ông về khoản thủ đoạn chiếm đảo, chiếm biển!?

Nếu linh hồn là có thật, nhà thám hiểm Trịnh Hòa có biết hậu duệ của ông đã xua dân quân biển trà trộn vào lực lượng ngư dân để khuấy đảo biển Đông: “Hiện tại ở Hoàng Sa có khoảng sáu đại đội dân quân biển với khoảng 1.800 người và 100 tàu cá.

Ngư dân ở đây cũng tham gia vào các “nhóm phối hợp chấp pháp” bao gồm 30 thành viên và 5 tàu...

Dân quân biển ở đây đã tiến hành tổng cộng 228 nhiệm vụ cung cấp thông tin, đẩy đuổi các tàu cá nước ngoài, ngăn cản người nước ngoài tiếp cận các đảo, thực hiện bảo vệ cái gọi là quyền và lợi ích của Trung Quốc trên biển”.

Nhưng đằng sau của lực lượng dân quân biển, ngư dân và Dàn khoan Hải Dương 981, tầu Hải dương địa chất 8... là lực lượng vũ trang biển hùng hậu “tầu sắt đạn đồng”, tầu ngầm nguyên tử, hộ tống pháo hạm... sẵn sàng gây chiến.

Biển Đông lúc nào cũng dậy sóng lừng và sôi lên sùng sục. Các quốc gia xung quanh biển Đông không lúc nào được yên ổn với Trung Quốc.

Nhưng chân lý vẫn là chân lý, lẽ phải vẫn là lẽ phải. Mỹ và các nước trên thế giới không công nhận cái gọi là đường chữ U và lên án các hành động Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước về Luật Biển (UNCLOS)”.

“Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, trong đó có hoạt động của tàu khảo sát HD-08 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ đích danh, tàu HD-8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”.

Tiếng nói phản đối chính thức của nhà nước Việt Nam thay mặt cho nhân dân Việt Nam đã cất lên trên trường quốc tế.

Thưa nhà thám hiểm Trịnh Hòa! Việt Nam luôn mong muốn sống trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác và tôn trọng chủ quyền của nhau.

Trong khi, các triều đại Hán, Đường, Tống, Minh, Thanh và cả nhà nước Trung Quốc đương đại luôn luôn xâm chiếm Việt Nam khi có cơ hội, thì đương thời Trịnh Hòa đã đi qua vùng biển Đông của Việt Nam một cách ôn hòa, không để lại dấu tích nào gọi là xác định chủ quyền biển đảo.

Sao ông không hiển linh nói với hậu duệ “hậu sinh mà không khả úy”, hãy làm những điều nhân bản, nhân văn, của người hãy trả cho người, đừng nhận vơ váo tam toạng các vùng biển đảo chưa bao giờ thuộc về cha ông mình, nhà thám hiểm Trịnh Hòa ơi?!

Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/trinh-hoa-song-lai-cung-se-mang-dam-hau-sinh-khong-kha-uy-post201284.gd