Trình độ nhân viên bưu chính quyết định hiệu quả

Việc chuyển giao công việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC) qua hệ thống bưu chính công ích (BCCI) tại Hà Tĩnh được triển khai thực hiện từ cuối năm 2019 và đạt những kết quả tích cực.

Song, để việc “đổi vai” cho nhân viên bưu chính thay cán bộ, công chức tiếp nhận và trả kết quả TTHC đạt hiệu quả hơn thì cần phải đào tạo, bồi dưỡng thêm.

Thời gian qua, hệ thống BCCI đã triển khai tốt các dịch vụ hành chính công như: Chuyển phát giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, hộ khẩu, thu nộp hộ tiền xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông; tiếp nhận hồ sơ, chuyển trả giấy phép lái xe cấp đổi qua bưu điện; chuyển phát hồ sơ và lệ phí xét tuyển đại học, cao đẳng, chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội...

 Nhân viên bưu chính tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).

Nhân viên bưu chính tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).

Tại Trung tâm hành chính công thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) hiện có hai nhân viên bưu chính đảm nhận việc tiếp nhận và trả kết quả các TTHC. Trước đây, ở trung tâm có hai công chức làm việc này trong khi số lượng hồ sơ, thủ tục tiếp nhận chỉ khoảng 20-30 bộ/ngày. Giờ đây, nhân viên bưu chính đã làm nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả TTHC để công chức trở về phòng chuyên môn thực hiện các nhiệm vụ khác. Anh Trần Văn Luận ở phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh đến trung tâm hành chính công xin cấp lại giấy phép xây dựng nhà, chia sẻ: “Giờ đây, khi giải quyết TTHC, chúng tôi chỉ cần đến điểm bưu điện gần nhất sẽ có nhân viên hướng dẫn, giải quyết. Nếu ở xa, bưu điện còn có dịch vụ chuyển phát hồ sơ, TTHC theo địa chỉ yêu cầu, giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức đi lại”.

Qua theo dõi, nhân viên bưu chính cơ bản tuân thủ nội quy, quy chế, chấp hành thời gian làm việc, tuân thủ về trang phục, thái độ làm việc. Nhân viên bưu chính đã thao tác khá thành thạo bộ TTHC; hệ thống phần mềm dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ; các thao tác nhập thông tin hồ sơ vào hệ thống dịch vụ công; chuyển xử lý; chuyển liên thông; trả kết quả; trích xuất, in phiếu hẹn, lập sổ theo dõi... Tuy nhiên, việc hướng dẫn những hồ sơ còn thiếu đang gặp nhiều lúng túng, chưa tích lũy được kinh nghiệm khi hướng dẫn, kiểm tra hồ sơ, nhất là các hồ sơ phức tạp. Ông Hoàng Tùng Phong, Phó giám đốc Trung tâm hành chính công tỉnh Hà Tĩnh đánh giá: “Việc hướng dẫn lập hồ sơ còn yếu, các nhân viên chưa nắm hết được các quy định của bộ, ngành, chưa nắm được những vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết TTHC nên chưa hướng dẫn người dân, doanh nghiệp lập hồ sơ bảo đảm chất lượng. Với nội dung này, đối với một số thủ tục phức tạp thì công chức “một cửa” của các sở, ngành cũng phải liên hệ về phòng chuyên môn để được hướng dẫn mới thực hiện được. Theo đó, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn thêm nhân viên bưu chính các TTHC phức tạp”.

Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) có hơn 500 doanh nghiệp đang hoạt động, 109 dự án được cấp phép. Trong tương lai, nếu nhân rộng mô hình tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua hệ thống BCCI thì các thủ tục này cũng sẽ được nhân viên bưu chính tiếp nhận và trả kết quả. Ông Đặng Văn Đức, Trưởng phòng Bưu chính-Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Đối với một số hồ sơ có nhiều thành phần, tính chất phức tạp vẫn cần có sự hướng dẫn thêm của công chức, viên chức các sở, ngành để kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ được chính xác hơn. Chúng tôi sẽ tham mưu cho Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh tăng cường tập huấn cho nhân viên bưu chính thành thạo các TTHC, ưu tiên bố trí nhân viên các điểm giao dịch có trình độ đại học ngành luật, hành chính... để làm tốt việc tiếp nhận và trả kết quả các TTHC cho người dân và doanh nghiệp”.

Hiện nay, Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh có hơn 300 lao động dài hạn, trong đó, số lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 48%. Tuy vậy, với 438 nhân viên bưu chính tại các điểm bưu điện văn hóa phường, xã thì trình độ chuyên môn còn hạn chế. Đối với lực lượng này, bưu điện tỉnh cần có kế hoạch đào tạo, tập huấn thêm các nội dung liên quan đến việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC, thực hiện các kỹ năng tiếp xúc với người dân, tổ chức, doanh nghiệp; trao đổi kinh nghiệm giải quyết, ứng xử trước các tình huống...

Trong biên bản phối hợp về triển khai thực hiện thí điểm chuyển giao nhiệm vụ trực tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC của tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ: “Nếu nhân viên bưu chính bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có mức độ hài lòng thấp thì cử nhân viên bưu chính khác thay thế”. Có thể thấy, để mô hình tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua hệ thống BCCI là “điểm sáng” trong cải cách hành chính thì điểm cốt lõi là phải đào tạo được những nhân viên bưu chính có tinh thần phục vụ nhân dân tận tình, chu đáo và thành thạo cách giải quyết các TTHC. Có như vậy mô hình tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua hệ thống BCCI mới phát huy hiệu quả, đáng để nhân rộng, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC.

Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/trinh-do-nhan-vien-buu-chinh-quyet-dinh-hieu-qua-611380