Trình diễn áo dài dân tộc chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam

Tối 18/11, chương trình trình diễn áo dài dân tộc với chủ đề “Nét xưa” đã diễn ra tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50 Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Trình diễn áo dài tại sự kiện giới thiệu Festival áo dài Hà Nội năm 2016. (Ảnh: Đinh Thị Thuận/TTXVN)

Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 2016, tối 18/11, chương trình trình diễn áo dài dân tộc với chủ đề “Nét xưa” đã diễn ra tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội (số 50 Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Chương trình tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của trang phục áo dài; bồi đắp lòng yêu nghề, tài năng của các nghệ nhân thông qua các tác phẩm độc đáo mang đậm âm hưởng dân tộc Việt Nam.

Những tác phẩm nổi bật được trình diễn như: Áo dài dân tộc phục dựng theo lối cung đình của nghệ nhân Vũ Giỏi; thư pháp trên áo yếm do nhà thiết kế Lan Anh và thư họa gia Kiều Quốc Khánh phối hợp thực hiện; thời trang áo dài của nhà thiết kế La Hằng, nhà thiết kế Minh Minh, nhà thiết kế Duyên Hương, nhà thiết kế Peony…

Cùng với đó, chương trình có sự kết hợp biểu diễn các tiết mục ca nhạc dân tộc như chèo, tuồng, quan họ… với nhiều trích đoạn nổi tiếng.

Đây là một trong những hoạt động văn hóa hấp dẫn thu hút du khách đến tham quan, góp phần phát triển du lịch tại phố cổ Hà Nội và khu vực phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm.

Phát biểu tại buổi trình diễn, ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm, nhấn mạnh cần quan tâm, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, đặc biệt là nghề thêu nổi danh đất Bắc.

Những hoạt động chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 2016 được tổ chức sẽ là sản phẩm du lịch mới, đặc trưng cho khu phố đi bộ và phố cổ Hà Nội, phát huy tiềm năng du lịch của Thủ đô.

Là một người thợ của làng nghề thêu truyền thống, nghệ nhân nhân dân Vũ Giỏi chia sẻ bên cạnh việc trau dồi tay nghề, ông cũng như nhiều nghệ nhân khác có trách nhiệm nghiên cứu lịch sử, văn hóa nước nhà để mỗi tác phẩm làm ra đều ẩn chứa một câu chuyện ý nghĩa và thể hiện được cái hồn của người Việt.

Nghệ dân Vũ Giỏi nói rằng trong thời gian tới, hy vọng nghề thêu truyền thống, nhất là thêu cung đình sẽ được bảo tồn, phát triển và giới thiệu tới đông đảo bạn bè quốc tế.

Cũng tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội, từ 18-27/11, sẽ diễn ra Triển lãm trưng bày trang phục hầu đồng và tọa đàm về văn hóa đạo mẫu, trang phục trong giá đồng do giáo sư, tiến sỹ Ngô Đức Thịnh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian cùng Nghệ nhân Vũ Giỏi chủ trì.

Chương trình giới thiệu các trích đoạn tiết mục chầu văn tiêu biểu, do thành viên của Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng tâm linh thực hiện cùng các hình ảnh biểu diễn chầu văn tiêu biểu của nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Lê Bích.

Chuỗi hoạt động chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 2016 dự kiến kéo dài đến hết tháng 12/2016./.

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/trinh-dien-ao-dai-dan-toc-chao-mung-ngay-di-san-van-hoa-viet-nam/416764.vnp