Trình chiếu phim Việt Nam đặc sắc

Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Cục Điện ảnh phối hợp các địa phương trong cả nước tổ chức đợt chiếu phim Việt Nam. Có năm bộ phim được chọn chiếu dịp này đều là những tác phẩm điện ảnh có nội dung tích cực, ca ngợi vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam với tinh thần nhân văn cao đẹp.

Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Cục Điện ảnh phối hợp các địa phương trong cả nước tổ chức đợt chiếu phim Việt Nam. Có năm bộ phim được chọn chiếu dịp này đều là những tác phẩm điện ảnh có nội dung tích cực, ca ngợi vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam với tinh thần nhân văn cao đẹp.

Năm bộ phim bao gồm: Phim truyện Người lính thầm lặng (Công ty cổ phần Phim truyện 1); phim tài liệu Làng xây đảo, Ký ức Long Châu (Công ty TNHH MTV Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương), Quê lụa Tân Châu (Công ty CP Phim Giải phóng) và phim hoạt hình Tắc kè phá án (Công ty CP Hãng Phim hoạt hình Việt Nam).

Về thể loại phim tài liệu, bộ phim Làng xây đảo của đạo diễn Hoàng Hà Lê phản ánh quá trình vượt khó, gian khổ của những người thợ làng Bỉnh Di (Nam Định) để xây dựng những công trình dân sinh quan trọng ở quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Đạo diễn Hoàng Hà Lê sinh năm 1990 tại Hà Nội. Tuổi đời còn trẻ nhưng chị là đạo diễn của nhiều bộ phim tài liệu ấn tượng: Hai phía cuộc đời, Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại, Nhật ký của ba… Năm 2016, bộ phim tài liệu Nhật ký của ba do Hoàng Hà Lê đạo diễn đã đoạt giải Cánh diều bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam. Trong khi đó, bộ phim Ký ức Long Châu (đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn) lại như một nét phác họa sức sống hơn một trăm năm của ngọn hải đăng Long Châu và đội ngũ những người gác đèn thầm lặng đã chăm sóc cho “mắt thần giữ biển” từ thời chiến tới thời bình. Phía sau công việc bình dị và cao quý ấy là sự hy sinh, bản lĩnh kiên cường, là những gia đình nhiều chục năm chịu cảnh xa cách nhau vì có người thân đang đảm đương công việc đặc thù. Cũng ở thể loại phim tài liệu, đạo diễn Phan Huỳnh Trang lại kể câu chuyện thấm thía, giản dị về con đường thăng trầm của nghề dệt lụa tơ tằm Tân Châu qua bộ phim Quê lụa Tân Châu. Hình ảnh làng quê Việt Nam bình yên, thơ mộng với những triền đê, bờ sông, mầu xanh trải rộng cho tới quá trình đô thị hóa làm nên sự đổi thay, đứt gãy về văn hóa, đời sống, đồng thời tác động trực tiếp tới những làng nghề truyền thống, trong đó có nghề dệt lụa khiến người xem có thêm nhiều ngẫm ngợi và chiêm nghiệm.

Bộ phim truyện Những người lính thầm lặng của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười với thời lượng 90 phút về đề tài truyền thống, lịch sử hứa hẹn mang tới cho khán giả những giây phút xúc động trong dịp lễ kỷ niệm đặc biệt của đất nước. Bộ phim có nội dung xoay quanh câu chuyện ý tưởng xây dựng “kỷ yếu sống” về người lính Điện Biên của một cán bộ đoàn. Trải qua quá trình làm kỷ yếu, nhiều chi tiết trong ký ức và thực tại được khám phá và trở thành sợi dây tình cảm, niềm tin xuyên suốt. Đạo diễn Nguyễn Hữu Mười cho biết, đề tài lịch sử luôn là thử thách không nhỏ với nhiều thế hệ đạo diễn Việt Nam và đến nay đã không còn được khai thác nhiều hoặc khai thác ở khía cạnh mới. Dù vậy, với đam mê và trách nhiệm nghề nghiệp, ông sẽ vẫn làm phim về đề tài này bởi đó là một kho tàng quý báu. Đợt phim kỷ niệm cũng chú trọng tới tác phẩm dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Tắc kè phá án của đạo diễn Trần Khánh Duyên sẽ mang tới cho các em nhỏ giây phút thư giãn, thoải mái trong mùa giãn cách xã hội. Các tình huống bất ngờ, dí dỏm cộng với tạo hình ngộ nghĩnh, trong trẻo của bộ phim đã làm nên dấu ấn của đạo diễn. Đạo diễn, NSƯT Trần Khánh Duyên đã có gần 20 năm công tác tại Công ty CP Hãng phim Hoạt hình Việt Nam. Trước đó, đạo diễn từng giành giải Cánh diều vàng năm 2006 và năm 2012, Giải đặc biệt của Ban giám khảo tại LHP Quốc tế Hà Nội năm 2012…

Chia sẻ về đợt phim kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, Cục Điện ảnh đã in các bộ phim được chọn chiếu vào ổ cứng hoặc đĩa DVD gửi tới các đơn vị điện ảnh tại các địa phương để trình chiếu phục vụ công chúng trong thời gian diễn ra đợt phim kỷ niệm. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cho nên việc tổ chức đợt phim chỉ thực hiện ở những địa phương có tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát an toàn và bảo đảm tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Các đơn vị, địa phương hoàn toàn chủ động, linh hoạt về thời điểm chiếu phim. Nhìn chung, năm tác phẩm được Cục Điện ảnh lựa chọn để chiếu trong đợt phim kỷ niệm đều có nội dung tích cực, phù hợp với văn hóa Việt Nam đồng thời thể hiện sự quan tâm, ưu tiên cho tác phẩm của các đạo diễn trẻ có thêm cơ hội chinh phục khán giả. Theo đánh giá từ giới chuyên môn, việc các đạo diễn trẻ quan tâm, dành tâm huyết cho thể loại phim tài liệu, phim hoạt hình với đề tài gần gũi mà sâu sắc là nỗ lực đáng ghi nhận.

MAI LỮ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dong-chay/trinh-chieu-phim-viet-nam-dac-sac-613113/