Triều Tiên tìm cách sống chung với 'kỷ nguyên' của TT Trump

Các chuyên gia tình báo cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã thay đổi chiến lược phù hợp với tính khí thất thường của Tổng thống Trump, âm thầm chọn phát triển vũ khí hạt nhân.

Trong suốt 7 năm qua, ông Kim Jong Un theo đuổi chiến lược phát triển vũ khí hạt nhân công khai. Những vụ phóng tên lửa và thử nghiệm bom hạt nhân làm chấn động truyền thông quốc tế, phát đi thông điệp khẳng định sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên là không thể đảo ngược.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều nhân vật đã và đang hoạt động trong cộng đồng tình báo Mỹ, nhà lãnh đạo Triều Tiên dường như đang thay đổi chiến lược.

Lý do của sự thay đổi chính là nhân vật mà ông Kim đã gặp gỡ trong vài tiếng tại Sentosa, Singapore hồi tháng 6: Tổng thống Mỹ Donald Trump.

"Đọc vị" Tổng thống Trump

Các báo cáo tình báo thời gian qua cho thấy Triều Tiên vẫn chủ động làm giàu hạt nhân và chế tạo vũ khí. Dù vậy, ông Kim Jong Un không còn lớn tiếng về năng lực hạt nhân quốc gia, không trình diễn vũ khí và không kích động khủng hoảng. Điều này giúp Tổng thống Trump duy trì được ảo ảnh rằng đàm phán phi hạt nhân hóa vẫn đảm bảo tiến độ, New York Times nhận định.

Thái độ chừng mực của ông Kim Jong Un đã được ông Trump đáp lại bằng hàng loạt từ ngữ nồng ấm. Tuần qua, khi Triều Tiên không trình diễn vũ khí hạt nhân trong buổi lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm quốc khánh, tổng thống Mỹ lập tức khẳng định giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên đang có một mối quan hệ vô cùng đặc biệt.

Nhiều nhân vật đã và đang hoạt động trong cộng đồng tình báo Mỹ cho rằng ông Kim Jong Un giờ đọc vị rất kỹ Tổng thống Trump.

Chừng nào nhà lãnh đạo Mỹ vẫn giữ được hình ảnh đẹp trước công chúng và những trao đổi giữa lãnh đạo 2 nước vẫn nồng ấm như thời gian qua, Bình Nhưỡng có thể trì hoãn tiến trình giải giáp vũ khí hạt nhân. Nói cách khác, ông Trump sẽ không đề cập đến những bằng chứng Triều Tiên đang chế tạo vũ khí hạt nhân nếu như ông Kim không cho thử nghiệm vũ khí.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Sentosa, Singapore vào tháng 6. Ảnh: New York Times.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Sentosa, Singapore vào tháng 6. Ảnh: New York Times.

Một quan chức tình báo cấp cao tiết lộ, giới hoạch định chính sách Triều Tiên đang lắng nghe ông Trump một cách có chọn lọc. Họ tập trung hơn vào những lời trấn an nhiệt thành mà tổng thống Mỹ dành cho ông Kim Jong Un.

“Tôi lấy làm bất ngờ về mức độ hời hợt của tình hình hiện nay. Tôi nghĩ phía Triều Tiên đã nhìn thấy được tính khí thất thường trong những dòng “tweet” của tổng thống, những lời khen ngợi và cách ông ấy ngỏ lời tổ chức thượng đỉnh lần nữa”, Jung H. Park, cựu trưởng nhóm nghiên cứu Triều Tiên của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và hiện là chuyên viên tại Viện nghiên cứu Brookings, nhận định.

Ngay cả Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một trong những người bảo vệ nhiệt thành cho các quyết sách của Tổng thống Trump, cũng lo rằng nhà lãnh đạo 72 tuổi đang vô tình để cho Triều Tiên thao túng.

“Liệu Triều Tiên có đang lừa dối chúng ta hay không? Tôi cũng không thể nói rõ. Nếu như họ đang lừa dối ông Trump, tất cả chúng ta sẽ nhận hậu quả vô cùng đau đớn. Tổng thống khi đó sẽ không còn lựa chọn nào khác. Đây là cơ hội cuối cùng và khả dĩ nhất cho hòa bình”, Thượng nghị sĩ Graham trả lời CBS ngày 15/9.

Trong khi đó, Nhà Trắng luôn một mực khẳng định hai nước đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể.

Thư ký Báo chí Sarah Huckabee Sanders nhấn mạnh đã 10 tháng trôi qua kể từ lần gần nhất Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo và bom hạt nhân. Nhà Trắng xem đây là tín hiệu cho thấy ông Kim Jong Un có thiện chí đàm phán.

Học tập Pakistan

Theo nhiều chuyên gia quốc tế, chiến lược hiện nay của Triều Tiên cho thấy nước này dường như đang học tập Pakistan.

Tương tự như thông điệp được Bình Nhưỡng đưa ra vào cuối năm 2017, Pakistan cũng khẳng định đã đạt được năng lực răn đe hạt nhân về cơ bản. Điều khác biệt là đất nước Nam Á đã ngưng thử hạt nhân quy mô lớn từ năm 1998.

Trong 20 năm qua, chính quyền Islamabad luôn làm ngơ trước những yêu cầu từ bỏ vũ khí hạt nhân. Chiến thuật này đã thành công. Pakistan dù phải đối phó với nguy cơ khủng bố và những bất ổn chính trị liên miên vẫn giữ được kho vũ khí hủy diệt.

Pakistan chịu rất ít những lệnh trừng phạt vì theo đuổi tham vọng hạt nhân và từ chối ký kết Hiệp định Chống phổ biến Hạt nhân (NPT). Trong chuyến công du vừa qua đến Islamabad, ông Pompeo không đề cập gì nhiều về kho vũ khí hạt nhân của Pakistan.

Chiến thuật này cũng được cả Ấn Độ và phần nào đó là Israel theo đuổi. Cả hai nước đều không phải là thành viên ký kết NPT.

Tại buổi duyệt binh kỷ niệm 70 năm quốc khánh, Triều Tiên không đưa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tham gia đội hình diễu hành như những năm qua. Ảnh: Reuters.

“Ông Kim hiểu rõ điều gì đang bảo vệ Pakistan. Chừng nào một nước còn duy trì được vòng tròn những nước thân cận thừa nhận vị thế của họ và chấp nhận giao thương với họ, Mỹ sẽ không thể ép buộc nước đó từ bỏ chương trình hạt nhân”, Nicholas Burns, cựu thứ trưởng ngoại giao chuyên trách chính trị thời Tổng thống George W. Bush, nhận định.

“Ông Trump đã tạo ra được đòn bẩy nặng ký thông qua các lệnh cấm vận quốc tế. Tuy nhiên, ông tự phá vỡ tất cả tại thượng đỉnh Singapore”, ông Burns nhấn mạnh.

Triều Tiên nhanh chóng tận dụng tình hình quốc tế mới hậu thượng đỉnh Singapore, thúc đẩy quan hệ thương mại với Trung Quốc và Nga, vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Cuối tuần qua, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã cáo buộc Nga gây sức ép đối với các chuyên gia của Liên Hợp Quốc, tìm cách điều chỉnh một báo cáo sơ bộ về những trường hợp vi phạm nghị quyết cấm vận Triều Tiên.

Dù phát biểu quyết liệt là vậy, đại sứ Mỹ không còn lá bài mặc cả đủ mạnh trong tay để tăng sức ép trên bàn đàm phán quốc tế. Sau cuộc thượng đỉnh tháng 6, Tổng thống Trump đã tuyên bố mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên không còn nữa. Nga và Trung Quốc giờ sẽ tìm cách để duy trì hiện trạng mới.

Hoãn các cuộc thử nghiệm cũng là một hình thức kiềm chế nhất định đối với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Các nhà khoa học Triều Tiên sẽ không thể chứng minh được liệu họ đã chế tạo thành công đầu đạn đủ khả năng chịu đựng sức ép khổng lồ trong quá trình tên lửa đạn đạo di chuyển. Viễn cảnh tên lửa hạt nhân Triều Tiên đủ sức bắn trúng các thành phố của Mỹ cũng trở nên mơ hồ.

Tuy nhiên, việc Triều Tiên tiếp tục sản xuất các nguyên liệu cho vũ khí hạt nhân là một thực tế không thể tranh cãi. Cộng đồng tình báo quốc tế thời gian qua đã công bố nhiều hình ảnh vệ tinh và bằng chứng về điều này.

Các nỗ lực đàm phán của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chưa thu lại kết quả thiết thực. Triều Tiên không đồng ý chuyển giao danh sách các cơ sở hạt nhân quy mô lớn, cũng không công khai số lượng đầu đạn trong kho vũ khí hạt nhân. Dù đánh sập lối vào tại điểm thử hạt nhân nổi tiếng Punggye-ri, Bình Nhưỡng đến nay cũng chưa cho phép các thanh sát viên quốc tế đến xác minh liệu cơ sở này đã bị phá hủy hay chưa.

Những bế tắc trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 6 đến nay vẫn chưa tìm được lời giải.

Kim Jong Un viếng thi hài cố lãnh đạo Triều Tiên trước quốc khánh Nhà lãnh đạo Kim Jong Un tới cung điện Kumsusan viếng thi hài cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il, chỉ 1 ngày trước lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm quốc khánh Triều Tiên.

Thanh Danh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/trieu-tien-tim-cach-song-chung-voi-ky-nguyen-cua-tt-trump-post877896.html