Triều Tiên, Syria, Cuba và Nga: 'chồng chéo' quan hệ đe dọa Mỹ?

Cả Syria và Triều Tiên đều đang đẩy mạnh gia tăng quan hệ với các đối thủ 'truyền thống' của Mỹ như Cuba, Nga, Iran…

Tờ Newsweek đánh giá, Syria và CHDCND Triều Tiên – hai đối thủ “khó chơi” nhất của chính sách đối ngoại Mỹ và bị Bộ Ngoại giao nước này đưa vào danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố - đang có dấu hiệu ngày càng xích lại gần nhau.

Hồi tháng Tư, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh không kích Syria nhằm đáp trả các cáo buộc Damascus sử dụng vũ khí hóa học. Không lâu sau đó, trước những báo cáo về một vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân sắp tới của Bình Nhưỡng, ông Trump tiếp tục “lớn tiếng” đe dọa tấn công Triều Tiên. Kể từ đó, Syria và Triều Tiên đã không ngừng phát triển mối quan hệ song phương vốn có xuất phát điểm từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Phát triển quan hệ lịch sử Triều Tiên – Syria

Cuộc gặp gần đây giữa Đại sứ Triều Tiên Jang Myong Ho và Bộ trưởng Lao động và các vấn đề Xã hội Syria Rima al-Qadiri, là một trường hợp hiếm hoi mà Bình Nhưỡng công khai thể hiện sự hiện diện của mình tại Trung Đông.

“Bộ trưởng al-Qadiri phát biểu, người dân Syria đánh giá cao lập trường của người dân CHDCND Triều Tiên trong việc ủng hộ Syria, chủ yếu trong quá trình tái thiết; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của những lợi ích có được từ các chuyên gia Triều Tiên,” hãng thông tấn chính thức Arab Syria (SANA) cho biết hôm thứ Tư (22/11). SANA cũng sử dụng tên gọi đầy đủ CHDCND Triều Tiên trong quá trình đưa tin. Đáp lại, “ngài Đại sứ thể hiện sự sẵn sàng của Triều Tiên nhằm đóng góp vào việc tái thiết Syria với đội ngũ chuyên gia và các công ty có chuyên môn cao trong lĩnh vực thiết kế và xây dựng,” SANA thông báo.

Sự kiện trên diễn ra sau khi hãng Thông tấn Trung Ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Tổng thống Assad đã gửi cho ông Kim một lá thư phúc đáp lại lời chúc mừng của nhà lãnh đạo Triều Tiên nhân dịp kỷ niệm 47 năm Phong trào Sửa đổi, đã giúp bố ông Assad, Hafez al-Assad, lên nắm quyền lực vào năm 1970. Trong lá thư, ông Assad nhấn mạnh “mong muốn được củng cố mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai đất nước, phù hợp với các lợi ích và hạnh phúc của người dân”.

Năm 1972, Triều Tiên từng gửi quân trợ giúp ông Hafez al-Assad trong cuộc chiến tranh Yom Kippur giữa các nước Arab (do Syria và Ai Cập dẫn đầu) với Israel. Khi ông Assad trở thành Tổng thống Syria vào năm 2000, Triều Tiên được cho là đã giúp Syria xây dựng một lò phản ứng hạt nhân (sau này đã bị phá hủy trong một cuộc không kích do Israel tiến hành vào năm 2007). Liên Hợp Quốc cũng từng cáo buộc Triều Tiên có dính dáng đến quá trình phát triển vũ khí hóa học của Syria trước đây; tuy nhiên, cả Syria và Triều Tiên đều kiên quyết phủ nhận sự hợp tác này.

Tổng thống Syria Assad và ông Kim Jong Nam, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội nghị nhân dân tối cao của Triều Tiên năm 2002

Kể từ năm 2011, sau khi ông Kim Jong-un chính thức trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã thể hiện sự ủng hộ Tổng thống Assad, cùng với Nga và Iran đả kích cái gọi là một “âm mưu” được thực thi bởi phương Tây và các đồng minh Arab Vùng vịnh. Lực lượng đối lập thân Arab Saudi tại Syria từng cáo buộc Triều Tiên gửi quân đội giúp hỗ trợ ông Assad vào năm ngoái. Tuy nhiên, chính sự can thiệp của Nga vào năm 2015 mới tạo nên bước ngoặt trong cuộc xung đột đã kéo dài hơn 6 năm tại Syria. Đầu tháng này, Syria và các đồng minh đã tuyên bố giành thắng lợi trước nhóm khủng bố IS, và quyền lực của ông Assad hiện đang trở nên vững mạnh hơn bao giờ hết.

Cũng trong năm nay, Triều Tiên đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên, tiến hành 6 vụ thử vũ khí hạt nhân, một quả bom hydrogen có sức công phá lớn hơn tất cả các lần thử trước đây kết hợp lại. Các chuyên gia nhận định, những tiến bộ trong chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, một quân đội Syria hừng hực khí thế và có sự hậu thuẫn của Nga và Iran – chắc chắn sẽ là những mối đe dọa lớn cho kế hoạch của ông Trump tại Trung Đông.

Gia tăng đe dọa cho kế hoạch của Mỹ tại Trung Đông

“Liên minh quân sự đã kéo dài nhiều thập kỷ giữa Triều Tiên và chế độ Assad đang gây ra nhiều lo lắng trong chính quyền Trump bởi vì Kim Jong-un không chỉ có lợi từ cuộc chiến 6 năm của Syria và còn rút ra các bài học từ nó,” kênh CNBC dẫn lời cựu phóng viên Jay Solomon viết cho Viện Nghiên cứu Chính sách cận đông tại Washington, hôm thứ Hai (27/11).

Theo Newsweek, một mặt các chiến thắng của Nga và Iran tại Syria không chỉ giúp phát triển “Trục đối kháng” đa quốc gia, đã giúp thay đổi các đồng minh trong khu vực chiến lược; mặt khác, chúng còn tác động đến cuộc khủng hoảng hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ. Nga không thừa nhận quyền phát triển và sử hữu vũ khí hạt nhân, mà theo Triều Tiên là một biện pháp để đối phó sự đe dọa từ Mỹ. Tuy nhiên, Moscow đã sử dụng ảnh hưởng ngoại giao của mình để khẳng định, các hành động quân sự của Mỹ “không phải là một sự lựa chọn”, bất chấp những lời lẽ cứng rắn mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn dành cho Triều Tiên. Ông Trump cũng cáo buộc Triều Tiên “bắt tay” với Iran – một quốc gia khác cũng bị Mỹ liệt vào danh sách các nước tài trợ khủng bố, để phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo.

Nhân tố cũ mà mới: Cuba

Trong khi đó, đảo quốc Carribean, Cuba được cho là cũng đang gia tăng việc hàn gắn quan hệ với các lực lượng đối kháng với Mỹ. Tương tự như trường hợp Iran, những tích cực trong quan hệ song phương Cuba - Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama – đã bị chính quyền Trump “gạt bỏ”. Theo báo Đức Deutsche Welle, trước các cơ hội thương thảo với Washington ngày càng bị thu hẹp, Havana đang nỗ lực phát triển quan hệ với Nga và thể hiện lập trường ủng hộ vững chắc với Triều Tiên và Syria.

Tuần trước, các quan chức Cuba và Triều Tiên cũng đã gặp gỡ nhau nhằm tìm kiếm thêm cơ hội phát triển hợp tác song phương. Nền kinh tế cả hai nước đều đang chịu tổn thất nặng nề vì các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ.

(Theo Newsweek)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/trieu-tien-syria-cuba-va-nga-chong-cheo-quan-he-de-doa-my-265259.html