Triều Tiên sẽ không rơi vào 'cái bẫy' của Mỹ như Lybia năm xưa?

Nếu muốn áp dụng giải trừ hạt nhân với Triều Tiên giống với chính quyền Muammar Gaddafi năm xưa, Mỹ sẽ tự tay phá tan nỗ lực xây dựng hội nghị thượng đỉnh thời gian qua.

Cựu lãnh đạo Lybia Muammar Gaddafi.

Chính quyền Donald Trump có thể vẫn chưa có một chiến lược đàm phán cụ thể với Triều Tiên trong cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12/6. Tuy nhiên, một nhân vật có tiếng nói của Washington dường như đã đưa ra một khuôn khổ rất rõ ràng.

Xuất hiện trên Fox News hôm 13/5 vừa qua, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đã đề xuất áp dụng “mô hình Lybia” với Triều Tiên.

Theo đó Bình Nhưỡng sẽ không chỉ đồng ý dừng lại hoạt động hạt nhân mà còn cho phép Mỹ mang toàn bộ vũ khí và tài liệu về chương trình vũ khí hủy diệt ra khỏi đất nước.

Ngay lập tức, tuyên bố trên đã vấp phải phản ứng khi phía Bình Nhưỡng cảnh báo sẽ xem xét lại hội nghị thượng đỉnh với Mỹ và chỉ trích việc quan chức Mỹ nói sẽ áp dụng "mô hình Libya" với nước này, gây ra những căng thẳng tiềm năng mới.

Quan điểm của ông Bolton cũng nhanh chóng bị giới phân tích chỉ trích là không phù hợp về mặt kỹ thuật với chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng vào thời điểm hiện tại và là cách tiếp cận ngoại giao mơ hồ.

Theo bình luận viên Daniel R. DePetris của National Interest, khả năng Triều Tiên sẽ cho phép người Mỹ tự do đi vào đất nước của họ và mang vũ khí hạt nhân ra đi chỉ để để đổi lấy việc đình chỉ các lệnh trừng phạt là một điều không tưởng.

Chưa bàn đến việc ngay cả “mô hình Lybia” trước đó cũng được coi là một cách giải quyết vấn đề đáng xấu hổ của các nước phương Tây.

Ngay cả chương trình hạt nhân của Triều Tiên và Lybia cũng hoàn toàn khác hẳn nhau về đặc điểm, bản chất, mục tiêu.Trong khi Bình Nhưỡng có một sự đồng nhất về mục tiêu xây dựng chương trình hạt nhân bằng lời nói và hành động, thì chính quyền của Gaddafi lại có sự chia rẽ nội bộ.

Như tác giả Malfrid Braut-Hegghammer từng tiết lộ trong cuốn sách “Tại sao Iraq và Libya không thể xây dựng vũ khí hạt nhân”, có một phe phản đối trong chính phủ Gaddafi đặt câu hỏi liệu xây dựng sức mạnh hạt nhân xứng đáng với nỗi đau đến từ sự cô lập chính trị và kinh tế hay không.

Muammar Gaddafi cuối cùng đã đi đến kết luận rằng, từ bỏ mục đích hạt nhân và giảm bớt áp lực kinh là lựa chọn thận trọng hơn cho sinh mệnh chính trị của ông.

Chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã đạt được trình độ hoàn toàn khác Lybia năm xưa.

Về cơ bản đây là lựa chọn đúng của Tripoli, bởi theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vào năm 2004, nghiên cứu hạt nhân của Gaddafi chỉ là mớ hỗn độn không đầu không cuối.

Trong giai đoạn điều tra, cơ quan này nhận ra rằng Libya không bao giờ có được kiến thức để sản xuất máy ly tâm hoặc kỹ năng làm giàu urani trong nước, mà cụ thể hơn là các kỹ sư Libya không đủ năng lực.

Khi Washington và London bắt đầu xóa bỏ chương trình của Gaddafi, chính quyền Bush đã có thể hoàn thành nhiệm vụ trong vòng chưa đầy sáu tháng. Một phần đến từ hiệu quả nhanh chóng này là vì người Libya gần như chưa có gì trong tay, cũng như chưa phát triển được bom hạt nhân.

Robert Einhorn, một chuyên gia về vũ khí hạt nhân và là cựu quan chức Bộ Ngoại giao trong chính quyền Obama, tổng kết theo cách của mình: “Libya hầu như không có chương trình vũ khí hạt nhân. Họ có các bộ phận máy ly tâm mà không biết phải làm gì. Máy bay vận tải của Mỹ chỉ đơn giản là hạ cánh và mang toàn bộ ‘chương trình’ đi”.

Muammar Gaddafi là chỉ là người mới bước vào lĩnh vực hạt nhân, hay đúng hơn ông là một kẻ nghiệp dư và không có đủ nhân lực và tài nguyên cần thiết cho ngành công nghiệp nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân bản địa.

Triều Tiên lại hoàn toàn khác với Tripoli - họ đã là một nhà nước vũ trang hạt nhân, ngay cả khi Mỹ và cộng đồng quốc tế không chính thức công nhận điều này.

Bình Nhưỡng có được thứ “vũ khí phòng vệ đầy sức nặng” mà chính quyền Gaddafi đã cố gắng trong ba mươi năm mà không thể có. Điều này khiến cho Triều Tiên có sự ngang hàng hơn với Mỹ trên bàn thương lượng.

Nếu John Bolton đang tìm kiếm một khuôn khổ khả thi cho các cuộc đàm phán hạt nhân sắp tới với Bình Nhưỡng, thì mô hình Libya không phải là lựa chọn sáng suốt.

Gaddafi có thể cảm thấy sức ép quá lớn sau nhiều thập kỷ trừng phạt và trở nên sợ hãi khi trở thành Saddam Hussein kế tiếp, nhưng Triều Tiên không có ý định trở thành một Lybia tiếp theo – đất nước nghe theo những lời hứa hẹn của phương Tây để từ bỏ hạt nhân nhưng nhận lại là những đau thương hơn trước.

Chính quyền Trump sẽ phải nhận ra được thực tế đó và có cách tiếp cận phù hợp nếu không muốn Triều Tiên mất kiên nhẫn và vô tình hiểu rằng Washington đang “bẫy” họ như từng làm với Muammar Gaddafi năm xưa.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/trieu-tien-se-khong-roi-vao-cai-bay-cua-my-nhu-lybia-nam-xua-a370506.html