Triều Tiên sẽ gửi 'quà Giáng sinh' nào cho Mỹ?

Hầu hết chuyên gia tin rằng bước đi tiếp theo của Triều Tiên nhiều khả năng là dùng tên lửa phóng vệ tinh vào quỹ đạo. Giữa lúc quan hệ Mỹ - Triều leo thang căng thẳng trở lại, Bình Nhưỡng cảnh báo, Washington hành xử thế nào sẽ nhận lại 'quà Giáng sinh' thế đó và ra hạn chót cuối năm nay để Washington nhượng bộ hơn nữa trong đàm phán giải trừ hạt nhân.

Giữa lúc quan hệ Mỹ - Triều leo thang căng thẳng trở lại, Bình Nhưỡng cảnh báo, Washington hành xử thế nào sẽ nhận lại "quà Giáng sinh" thế đó và ra hạn chót cuối năm nay để Washington nhượng bộ hơn nữa trong đàm phán giải trừ hạt nhân.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã 3 lần họp thượng đỉnh nhưng hai bên chưa đạt được tiến triển đáng kể về đàm phán giải trừ hạt nhân (Ảnh: Reuters).

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã 3 lần họp thượng đỉnh nhưng hai bên chưa đạt được tiến triển đáng kể về đàm phán giải trừ hạt nhân (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có 3 cuộc gặp thượng đỉnh với hy vọng đạt được thỏa thuận mà theo đó Bình Nhưỡng sẽ ngừng chương trình chế tạo hạt nhân và vũ khí gây tranh cãi để được dỡ bỏ trừng phạt và bình thường hóa quan hệ. Tuy vậy, đến nay hai bên đạt được rất ít tiến triển.

Giới quan sát cho rằng, Triều Tiên không hài lòng với cái mà họ cho là thiếu linh hoạt, thiếu sáng tạo của các nhà đàm phán Mỹ. Do vậy, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo chắc chắn sẽ là mối quan tâm của chính quyền Tổng thống Trump, đặc biệt khi Bình Nhưỡng đặt ra hạn chót cuối năm nay cho Washington để có được những điều khoản đàm phán tốt hơn.

Phóng vệ tinh

Hầu hết chuyên gia tin rằng bước đi tiếp theo của Triều Tiên nhiều khả năng là dùng tên lửa phóng vệ tinh vào quỹ đạo.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm 14/12 cho biết nước này đã thực hiện thành công “một vụ thử quan trọng nữa” tại bãi phóng vệ tinh Sohae. Một tuần trước đó, Triều Tiên cũng đưa ra tuyên bố tương tự nói rằng, nước này vừa hoàn tất một vụ thử “rất quan trọng có thể thay đổi vị thế chiến lược” của Bình Nhưỡng.

Trong khi Bình Nhưỡng khẳng định chương trình không gian của họ vì mục đích hòa bình và khoa học, cộng đồng quốc tế cáo buộc các vụ phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng sử dụng công nghệ để phóng tên lửa đạn đạo hạt nhân. Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên cũng nói rằng, vụ thử gần đây nhất tại bãi phóng vệ tinh sẽ giúp nâng cao “năng lực răn đe hạt nhân chiến lược” của nước này.

Trong vòng hơn 1 tuần trở lại đây, Triều Tiên tuyên bố đã thực hiện thành công 2 vụ thử quan trọng tại bãi phóng vệ tinh Sohae (Ảnh minh họa: Reuters).

Hiện chưa rõ bản chất hai vụ thử gần đây của Triều Tiên, song theo các chuyên gia, mỗi vệ tinh đưa vào quỹ đạo có thể cung cấp thông tin quan trọng về chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Evans Revere, một cựu chuyên gia về Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định mặc dù hiện tại Triều Tiên chưa cho thấy khả năng mang tải trọng lớn trở lại bầu khí quyển Trái đất, một yêu cầu quan trọng với chương trình chế tạo tên lửa liên lục địa của quân đội. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, cộng đồng quốc tế không nên ngạc nhiên nếu "vụ phóng vệ tinh lần này thể hiện năng lực (của Triều Tiên) đưa tải trọng lớn vào Bắc Thái Bình Dương”.

“Thông điệp đáng ngại được truyền tải tới Mỹ là Triều Tiên thực sự có khả năng tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân", ông Evans bình luận.Adam Mount, chuyên gia cấp cao tại Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, nói cho dù Bình Nhưỡng lựa chọn món quà hay con đường mới nào cũng sẽ không khiến chính quyền Tổng thống Trump ngạc nhiên.

"Trong năm nay, Triều Tiên đã liên tục tăng sức ép buộc Mỹ phải nhượng bộ trong đàm phán. Chính quyền Trump dường như ngủ quên suốt tiến trình đó và chỉ tỉnh lại vài tuần gần đây và họ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tiềm tàng”, chuyên gia Mount bình luận.

Thử hạt nhân hoặc tên lửa liên lục địa

Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công ICBM đầu tiên vào tháng 7/2017. (Ảnh: Reuters).

Một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hay thử hạt nhân của Triều Tiên sẽ bị coi là “khiêu khích” hơn một vụ thử vệ tinh và chắc chắn sẽ buộc chính quyền Tổng thống Trump phải lưu tâm.

Ami Bera, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hạ viện Mỹ, nhấn mạnh: “Nếu Triều Tiên muốn được dỡ bỏ trừng phạt, họ không nên tiến hành thêm các vụ thử hay có thêm các hành động khiêu khích”.

Chuyên gia Evans Revere cho rằng, Mỹ và Hàn Quốc có thể đáp trả các vụ thử bị coi là “khiêu khích” của Triều Tiên bằng các cuộc tập trận quân sự, triển khai binh sĩ Mỹ trên và xung quanh bán đảo Triều Tiên, khi đó tiến trình ngoại giao có thể đổ vỡ, triển vọng nới lỏng trừng phạt Bình Nhưỡng sẽ tiêu tan.

Triều Tiên chưa thực hiện vụ thử hạt nhân hay phóng ICBM nào kể từ cuối năm 2017. Năm ngoái, Triều Tiên cũng cho nổ tung các đường hầm dùng cho thử hạt nhân ở cơ sở Punggye-ri, song không ai chắc chắn điều gì đã xảy ra bởi chỉ các phóng viên được mời chứng kiến sự việc này.

“Bất cứ người Triều Tiên nghĩ gì, chúng ta nên nhớ rằng năng lực của họ vượt ngoài đánh giá của chúng ta, họ có thể làm bất cứ điều gì cần để tăng cường năng lực răn đe hạt nhân cho dù phải trả bất cứ giá ngoại giao nào. Đừng đánh giá thấp họ", chuyên gia Evans nhận định.

Theo Minh Phương/ Dân trí

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/quoc-te/trieu-tien-se-gui-qua-giang-sinh-nao-cho-my-d113270.html