Triều Tiên rời văn phòng chung, Washington ngừng trừng phạt

Sau khi các quan chức Triều Tiên rời khỏi Văn phòng liên lạc chung liên Triều, Hàn Quốc đã phải họp khẩn, còn Mỹ rút các lệnh trừng phạt bổ sung.

Theo Yonhap, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết ngày 22/3, Triều Tiên đã rút toàn bộ quan chức và nhân viên của mình khỏi văn phòng liên lạc liên Triều tại thành phố biên giới Kaesong.

Theo bộ trên, trong cuộc gặp giữa các quan chức phụ trách văn phòng liên lạc, Bình Nhưỡng thông báo với Seoul rằng họ sẽ rút khỏi văn phòng theo chỉ thị cấp cao của Bình Nhưỡng.

Triều Tiên tuyên bố họ không bận tâm đến việc các quan chức Hàn Quốc còn lại ở văn phòng này và tình hình hoạt động sau đó thế nào. Tình hình sẽ được thông báo sau khi có các chỉ thị mới.

Vài giờ sau khi Triều Tiên thông báo rời Văn phòng liên Triều, Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc (NSC) đã tổ chức một cuộc họp khẩn để thảo luận về động thái mới nhất của Bình Nhưỡng.

Ông Chung Eui-yong, cố vấn an ninh cấp của của Tổng thống Hàn Quốc trong cuộc gặp với ông Donald Trump

Ông Chung Eui-yong, cố vấn an ninh cấp của của Tổng thống Hàn Quốc trong cuộc gặp với ông Donald Trump

Theo một thông báo của Nhà Xanh, ông Chung Eui-yong, cố vấn an ninh cấp của của Tổng thống Moon Jae-in đã chủ trì cuộc họp của NSC. Các thành viên trong buổi họp này đã thảo luận rất kỹ về động thái vừa qua của Bình Nhưỡng với tâm trạng lo lắng và đề phòng.

Seoul đã bày tỏ lấy làm tiếc trước quyết định này, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng sớm quay lại để văn phòng này có thể tiếp tục hoạt động theo thỏa thuận của hai bên. Giới chức Nhà Xanh cũng cho biết Hàn Quốc vẫn đang duy trì đối thoại với Triều Tiên thông qua các kênh "khác nhau."

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myong-gyon cho biết Seoul nhận thấy sự cần thiết phải cử một đặc phái viên đến Triều Tiên để nắm tình hình. "Triều Tiên cần có thời gian để quyết định lập trường của mình, do đó chúng tôi chờ đợi điều này, tuy nhiên, có lẽ cần có một đặc phái viên đến Bình Nhưỡng để bày tỏ sự thiện chí của Seoul" - Bộ trưởng Cho nói.

Cũng trong ngày 22/3, phía Mỹ cũng có những hành động đáng chú ý. Nói trên Twitter cá nhân, Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã ra lệnh rút lại những biện pháp trừng phạt có liên quan đến Triều Tiên do Bộ Tài chính Mỹ công bố gần đây.

Ông Trump viết: "Những lệnh trừng phạt quy mô lớn do Bộ Tài chính công bố hôm nay đã được bổ sung vào những lệnh trừng phạt đã tồn tại từ trước nhằm vào Triều Tiên. Hôm nay, tôi đã ra lệnh rút lại những lệnh trừng phạt bổ sung đó."

Reuters dự đoán, Washington đã liệt 2 công ty tàu biển của Trung Quốc vào danh sách đen, với cáo buộc hỗ trợ Triều Tiên né tránh các lệnh trừng phạt của Washington có liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc đang cảm thấy lo lắng

Bộ Tài chính Mỹ cũng đồng thời đưa ra một bản danh sách tư vấn cập nhật về 67 tàu thuyền liên quan tới các giao dịch xăng dầu hoặc được cho là đã nhập than của Triều Tiên. Có lẽ các lệnh trừng phạt này đã bị hủy để thể hiện thiện chí của Washington.

Động thái mới nhất của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên đang rơi vào bế tắc sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 tại Hà Nội hồi tháng trước kết thúc mà không có tuyên bố chung do khoảng cách giữa hai bên liên quan các bước phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng và việc nới lỏng trừng phạt của Washington.

Kể từ sau đó, Mỹ kêu gọi thắt chặt trừng phạt Triều Tiên, yêu cầu Bình Nhưỡng có những bước đi rõ ràng hơn trong việc phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên điều này đã gây ra những căng thẳng mới trên bán đảo Triều Tiên.

Hiện tại, Bình Nhưỡng không đưa ra bất kỳ một nhận định nào liên quan đến các hành động của họ. Mặt khác, các tờ báo của Triều Tiên đang đồng loạt lên tiếng ngợi ca về mối quan hệ Nga-Triều và khẳng định Chủ tịch Kim Jong-un của họ sẽ sớm có hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên "Hai nước có mục đích chung là chống lại sự can thiệp và áp lực từ nước ngoài, cũng như bảo vệ chủ quyền của mình. Triều Tiên có quyết tâm vững chắc trong việc phát triển mối quan hệ với Nga, "phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của người dân hai nước".

Minh Hoàng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/trieu-tien-roi-van-phong-chung-washington-ngung-trung-phat-3376810/