Triều Tiên phủ bóng chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lần thứ 2 thăm Trung Quốc, trong bối cảnh vấn đề hạt nhân tên lửa của Triều Tiên trở nên ngày càng căng thẳng.

Một mặt các bên liên quan liên tục đưa ra những phát biểu răn đe về khả năng sử dụng vũ lực, mặt khác trên thực địa mỗi bên không ngừng chứng minh tiềm lực quân sự của mình.

Gỡ ngòi nổ Triều Tiên

Dư luận đang hết sức chú ý các động thái của Mỹ và phản ứng của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, nhất là hiện nay, Triều Tiên vừa tuyên bố sẽ cho kích nổ một quả bom nhiệt hạch (hay còn gọi là bom H) trên Thái Bình Dương. Theo các nhà phân tích, quả bom H mà Triều Tiên thử hồi đầu tháng 9 được cho là mạnh gấp 17 lần quả bom từng phá hủy thành phố Hirosima của Nhật Bản năm 1945. Nếu điều này xảy ra sẽ dẫn đến những hệ lụy vô cùng to lớn không chỉ về mặt chính trị.

Về phần mình, mặc dù Mỹ, Nhật Bản liên tục áp dụng các biện pháp cả quân sự và ngoại giao đề phòng vụ bắn tên lửa nổ ra, nhưng hiệu quả của nó đến đâu thì chưa ai biết. Người ta chú ý đến khả năng bắn hạ tên lửa của Mỹ và Nhật Bản như những nước này tuyên bố, nhưng chưa một quả tên lửa nào của Bình Nhưỡng bị bắn hạ trước khi tới mục tiêu, hầu hết các quả tên lửa đều rơi xuống biển hoặc các mục tiêu định sẵn.

Các vụ thử hạt nhân của Triền Tiên khiến quốc tế lo ngại.

Giải pháp duy nhất mà Mỹ đang hướng tới là Trung Quốc - quốc gia đóng vai trò then chốt trong ngăn chặn sự đối đầu quân sự với Triều Tiên. Mới đây nhất, Trung Quốc ra một quyết định sẽ đóng cửa tất cả các công ty Triều Tiên đang hoạt động ở Trung Quốc trong vòng 120 ngày, đây là động thái mới nhất sau lệnh cấm nhập khẩu hàng dệt may từ Triều Tiên và hạn chế xuất khẩu dầu mỏ sang quốc gia láng tiềng từ năm 2018. Đây là một tín hiệu vui trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ. Tuy nhiên, để gây sức ép đủ mạnh với Triều Tiên thì có vẻ những biện pháp trừng phạt kinh tế mà Trung Quốc đang áp dụng vẫn chưa đủ mạnh.

Thương mại Mỹ - Trung có nguy cơ trở thành cuộc chiến

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tiếp sau chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng thương mại Mỹ, điều này cho thấy sau vấn đề đối ngoại, kinh tế cũng là một trọng tâm lớn. Mỹ muốn giảm thâm hụt thương mại song phương, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và cho phép các công ty Mỹ tiếp cận thị thường Trung Quốc.

Bên cạnh nguy cơ xảy ra cuộc chiến Mỹ và Triều Tiên, có một cuộc chiến khác cũng có nguy cơ xảy ra, đó là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Rất nhiều lĩnh vực kinh tế ảnh hưởng tới quan hệ Trung Quốc và Mỹ, tiêu biểu là thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lên tới 347 tỉ USD - tương đương với 1,87% GDP. Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc 116 tỉ USD hàng hóa nhưng phải nhập một khối lượng gấp 4 lần hàng hóa Trung Quốc, lên tới 436 tỉ USD. Với một doanh nhân như Tổng thống D.Trump, điều này là khó để chấp nhận.

Bên cạnh đó, Mỹ có nhiều khúc mắc trong vấn đề kinh tế với quốc gia đông dân nhất thế giới, là Mỹ cho rằng Trung Quốc “ăn cắp” công nghệ của Mỹ để sản xuất các mặt hàng điện tử, công nghệ cao, điều này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, làm các công ty Mỹ thiệt hại 600 tỉ USD mỗi năm. Và không ai khác, chính Trung Quốc là quốc gia “thủ phạm”. Trong các tuyên bố tranh cử của Tổng thống Mỹ, ông D.Trump có nhiều tuyên bố cứng rắn, nhưng thời gian trở lại đây, vấn đề kinh tế trở thành công cụ mặc cả với Trung Quốc.

Bất kể vấn đề chính trị hay kinh tế, dư luận kỳ vọng chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Tillerson hay chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới sẽ mở ra cơ hội để giải quyết những vấn đề then chốt không chỉ của Mỹ mà còn là những mối lo của khu vực châu Á.

Hải Yến

((theo Reuters, CNN))

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/trieu-tien-phu-bong-chuyen-tham-trung-quoc-cua-ngoai-truong-my-n136823.html