Triều Tiên phóng tên lửa ICBM trên tầm với của Mỹ-Nhật-Hàn

Rạng sáng 29/11, Triều Tiên bất ngờ phóng 1 quả tên lửa ICBM với trần bay bên trên tất cả các hệ thống đánh chặn của Mỹ và đồng minh.

Tầm cao không ngờ

Thông tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên được Reuters dẫn nguồn tin từ Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết, quả tên lửa của Triều Tiên được phóng từ khu vực gần thị trấn Pyongsong, Đông Bắc thủ đô Bình Nhưỡng, vào lúc 3h17.

Vụ phóng cũng đã được Rob Manning, phát ngôn viên Lầu Năm Góc xác nhận tên lửa được Triều Tiên phóng và bay xa khoảng 1.000 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản, trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển nước này.

Nói về vụ phóng tên lửa bất ngờ của Bình Nhưỡng, ông chủ Lầu Năm Góc, Jim Mattis nói: "Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) bay cao hơn bất cứ vụ thử tên lửa nào mà họ đã thực hiện. Hoạt động nghiên cứu và phát triển của họ nhằm tiếp tục chế tạo các tên lửa đạn đạo có thể đe dọa bất cứ nơi nào trên thế giới", ông Jim Mattis nhấn mạnh.

Trong khi đó, CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói tên lửa Triều Tiên phóng vào rạng sáng 29/11 đạt độ cao tới 4.500 km, trong khi vụ thử tên lửa ICBM gần đây nhất của Triều Tiên hôm 28/7 vươn tới độ cao 3.700 km.

Với độ cao đạt được trong lần phóng rạng sáng 29/11, tên lửa ICBM có thể bay trên tầm với của tất cả các hệ thống đánh chặn hiện có của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại.

Phản ứng trước vụ phóng tên lửa bất ngờ của Triều Tiên, nguồn tin quân sự Nhật Bản cho biết, quả tên lửa này bay khoảng 50 phút và rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Nói về độ cao của ICBM Triều Tiên trong lần phóng này, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera cho hay tên lửa đạt độ cao khoảng 4.000 km và nó phân rã trước khi rơi xuống vùng biển của Tokyo.

Theo ông Onodera, loại tên lửa này được xác định thuộc loại tên lửa ICBM dựa trên quỹ đạo bay võng lên. Với sự tiến bộ trong các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận:

"Nếu những con số này chính xác, thì nếu được phóng với quỹ đạo chuẩn thay vì quỹ đạo võng này, tên lửa có thể đã có tầm phóng hơn 13.000 km. Một tên lửa như thế có đủ tầm phóng vươn tới Washington D.C, và thực tế là bất cứ khu vực nào của lục địa Mỹ", Mỹ lo ngại.

Hủy diệt phòng không

Ngay khi Triều Tiên thực hiện phóng tên lửa, Mỹ và Hàn Quốc đã tiễn hành cuộc tập trận bắn đạn thật với nhiều vũ khí tối tân nhất hiện có. Hàn Quốc thông báo, các lực lượng Lục quân, Hải quân và Không quân của nước này đã cùng tiến hành cuộc tập trận chung kéo dài 20 phút gần đường ranh giới phía Bắc từ lúc 3h23 phút (giờ địa phương).

Hoạt động này có sự góp mặt của đơn vị tên lửa thuộc Lục quân, tàu lớp Aegis của Hải quân và máy bay chiến đấu KF-16 của Không quân.

Mỗi lực lượng đã phóng một số vũ khí thuộc các loại khác nhau là Hyunmoo-II, Haesong-II và SPICE vào trúng mục tiêu giả định được xây dựng với khoảng cách tương đương với quãng đường đến nơi mà Triều Tiên đã thực hiện vụ phóng.

Với số vũ khí đã được huy động khai hỏa ngay khi Triều Tiên kết thúc phóng tên lửa cho thấy, dù Hàn Quốc và Mỹ đang gặp khó trong việc đánh chặn tên lửa Bình Nhưỡng nhưng họ đang luyện đòn đánh hủy diệt trận địa ICBM và phòng không của Triều Tiên ngay khi nó chưa kịp phóng.

Theo Tạp chí Jane's, chỉ với SPICE, Hàn Quốc có khiến trận địa phòng không Triều Tiên vỡ vụn. Khi chiến đấu, bom sẽ được lắp lên giá treo của máy bay. Mỗi giá treo có thiết bị kết nối truyền dẫn dữ liệu từ buồng lái máy bay tới bom. Một khi quả bom được thả, nó bắt đầu tìm kiếm mục tiêu và điều này có thể được thực hiện bằng nhiều cách:

Đầu tiên, đó là dẫn đường quang truyền hình CCD hoặc dẫn hồng ngoại IIR (khi điều kiện ánh sáng thấp) kết hợp hình ảnh, các thuật toán sẽ kiểm tra xem hình ảnh mục tiêu trong bộ nhớ của bom với hình ảnh đầu dẫn thu được có khớp không. Bộ nhớ của bom có thể nạp đến 100 mục tiêu khác nhau, gồm hình ảnh về mục tiêu do tình báo cung cấp và tọa độ địa lý mục tiêu.

Tiếp theo, nếu đầu dẫn CCD/IIR không thể tìm được mục tiêu vì bị che khuất, quả bom có thể tự động chuyển sang dẫn đường vệ tinh GPS và quán tính INS. Quả bom nhận dữ liệu về vị trí hiện tại của nó từ vệ tinh GPS, hoặc từ một hệ thống dẫn đường quán tính của máy bay mang phóng. Do đó có thể tính toán tọa độ của bom, của mục tiêu và dẫn đường cho bom đánh chính xác.

Cuối cùng, nếu không tin tưởng vào hai phương pháp trên, sĩ quan điều khiển có thể tự điều khiển bom, qua đường truyền dữ liệu. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ cho phép điều khiển được một quả bom. Với phương thức dẫn đường như vậy, SPICE được đánh giá có độ chính xác cực cao với bán kính lệch mục tiêu khoảng 3m.

SPICE có thể tấn công mục tiêu trong khoảng cách khá ấn tượng, nó có kích thước nhỏ nên tín hiệu phản xạ sóng radar rất thấp. Vì thế, nó gây khó khăn cho hệ thống radar tìm kiếm mục tiêu đường không của đối phương.

Chiến đấu cơ có thể mang số lượng lớn bom cho phép phóng nhiều quả đạn cùng lúc về mục tiêu. Những khả năng như vậy khiến hệ thống phòng không Triều Tiên không thể đối phó được.

Clip Hàn Quốc phóng tên lửa ngay khi Triều Tiên thử ICBM

Tuấn Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/trieu-tien-phong-ten-lua-icbm-tren-tam-voi-cua-my-nhat-han-3348031/