Triều Tiên liên tục phóng tên lửa mới, vì sao Tổng thống Trump phớt lờ?

Một loạt các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên liên quan đến tên lửa mới tiềm năng đã de dọa các đồng minh trong khu vực của Mỹ. Tuy nhiên, hành động của Bình Nhưỡng lại nhận rất ít lời chỉ trích từ chính quyền Tổng thống Trump.

Vụ phóng tên lửa Triều Tiên hôm 11/8. Ảnh: Yonhap

Vụ phóng tên lửa Triều Tiên hôm 11/8. Ảnh: Yonhap

Triều Tiên đã phóng 6 vụ thử tên lửa trong vòng 3 tuần qua, gần đây nhất là vào hôm 16/8, sau khi nước này bắn hai tên lửa được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào Biển Nhật Bản.

Tổng thống Trump xem nhẹ các vụ phóng tên lửa, cho biết các tên lửa Triều Tiên bắn chỉ là "những tên lửa loại nhỏ" và không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ của ông với Chủ tịch Kim Jong Un. Tuy nhiên các đồng minh khu vực của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản có lý do để lo ngại. Các chuyên gia cho rằng các tên lửa đời mới chính xác hơn và có khả năng khó bị đối phương phát hiện hơn.

“Đánh dấu sự cải tiến”

"Cho đến nay chúng tôi đã thấy 6 vụ thử tên lửa chỉ trong vài tuần qua và những vụ thử tên lửa đó thực sự tiếp tục cho thấy sự cải thiện rõ rệt trong chương trình tên lửa của Triều Tiên", nhà phân tích quân sự của CNN và Đại tá Không quân đã nghỉ hưu Cedric Leighton nói.

Xu hướng "hạ giọng" với các vụ phóng của Tổng thống Trump đang làm dấy lên lo ngại rằng ông đang ngầm cho phép Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm. "Tôi nói lại lần nữa, chưa có vụ thử hạt nhân nào. Các vụ thử tên lửa đều có tầm bắn ngắn, không có vụ thử tên lửa đạn đạo. Không có tên lửa tầm xa", ông Trump nói với các phóng viên hôm 16/8.

Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton nói với phóng viên hôm 14/8 rằng các đồng minh của Mỹ rất quan tâm đến các vụ phóng và hai tên lửa tầm ngắn mới được phát triển có tên KN-23 có tầm xa có thể tấn công toàn bộ Hàn Quốc và một phần của Nhật Bản. “Điều đó, tất nhiên, cũng sẽ gây nguy hiểm cho lực lượng đang được triển khai của chúng tôi”, ông nói thêm.

Mỹ có khoảng 28.000 binh sỹ đồn trú tại Hàn Quốc và 50.000 người ở Nhật Bản.

Ông Bolton nói thêm rằng các tên lửa Triều Tiên đã phóng "vi phạm lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc", nhưng "không vi phạm cam kết mà Kim Jong Un đã đưa ra với Tổng thống Trump".

Truyền thông Hàn Quốc cho biết trong một báo cáo ngày 17/8 rằng ông Kim Jong Un đã đích thân giám sát vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên vào sáng 16/8.

Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA tuyên bố rằng cuộc thử nghiệm cho thấy "kết quả hoàn hảo" và nói rằng các tên lửa đang được phát triển vì mục đích bảo vệ quốc gia. “Kế hoạch của Triều Tiên là tạo ra một lực lượng đủ mạnh để ngăn cản bất kỳ lực lượng nào dám khiêu khích chúng tôi", KCNA cho biết.

Hôm 16/8, Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên ngừng một loạt các vụ phóng tầm ngắn đang diễn ra, nói rằng điều đó có thể làm leo thang căng thẳng, theo một tuyên bố được đưa ra bởi Nhà Xanh của Tổng thống sau phiên họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc. Tuyên bố cũng cho biết Mỹ và Hàn Quốc sẽ phân tích các vụ phóng mới nhất.

Các chuyên gia cho rằng tên lửa mới nhất là dấu hiệu cho thấy khả năng quân sự của Triều Tiên đang tăng lên, đồng thời vụ thử đã thành công và tên lửa mới có thể khiến quân đội Mỹ khó bắn hạ hơn.

“Các tên lửa đời mới có quỹ đạo thấp hơn và khả năng cơ động trong hành trình bay có thể giúp nó tránh hệ thống phòng thủ tên lửa”, theo Thomas Karako, giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington. "Điều đó rất quan trọng vì khi bạn bắn tên lửa phòng thủ, bạn phải có ước tính về điểm đến của tên lửa tấn công", Karako nói với CNN.

Mỹ - Hàn đang có cuộc tập trận chung và vấp phải phản ứng gay gắt của Triều Tiên

“Ngày càng chính xác”

"Đối với Triều Tiên, độ chính xác là điều mà họ khó đạt được trong quá khứ, nhưng họ ngày càng chính xác hơn với mỗi thử nghiệm tên lửa mà chúng ta thấy", ông Leighton nói.

Trong khi đó, ông Karako nói rằng tên lửa Triều Tiên đã tăng "khả năng đáng kể". Quân đội Mỹ ở Hàn Quốc đã lường trước được mối đe dọa này trong những năm gần đây và đã làm việc để tích hợp các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và THAAD để chống lại mối đe dọa này.

Trong khi Triều Tiên đã ngừng thử nghiệm vũ khí hạt nhân và các vụ phóng tên lửa tầm xa, như những loại có khả năng vươn đến cả lục địa Mỹ, nhưng họ vẫn kiên trì phóng các biến thể tầm ngắn. Các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng nhằm phản đối cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn đang diễn ra, dự kiến sẽ kéo dài đến cuối tháng.

Trong một bức thư gửi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đã lên tiếng bày tỏ sự bất bình với các cuộc tập trận quân sự chung. Nhưng ông cũng thể hiện "lời xin lỗi nhỏ về việc thử tên lửa tầm ngắn". Ông Kim nói với ông Trump rằng hành động như vậy sẽ dừng lại khi cuộc tập trận kết thúc, theo Tổng thống Trump.

Mặc dù Mỹ và Hàn Quốc đã nói rằng cuộc tập trận có tính chất phòng thủ và nhằm kiểm tra khả năng hoạt động của Hàn Quốc đối với việc chuyển đổi kiểm soát hoạt động thời chiến của các lực lượng kết hợp từ Washington sang Seoul. Nhưng Triều Tiên đã lên án nó là một cuộc diễn tập cho cuộc xâm lược và đã nhiều lần yêu cầu hủy bỏ.

Giới chuyên gia cho rằng, bằng cách hạ giọng với các vụ thử tên lửa, Tổng thống Trump có thể đang tìm cách giữ lại các nỗ lực ngoại giao với ông Kim. Nhưng dường như có rất ít tiến triển về việc phi hạt nhân hóa, mặc dù những lá thư đã được trao đi.

"Chúng tôi chưa thực sự có bất kỳ cuộc đàm phán thực sự nào ở cấp độ làm việc với Triều Tiên kể từ khi Tổng thống Trump gặp ông Kim Jong Un tại Khu phi quân sự", ông Bolton nói với phóng viên.

"Chúng tôi hy vọng những cuộc đàm phán này sẽ bắt đầu sớm. Vấn đề thực sự là liệu Triều Tiên có đưa ra quyết định chiến lược rõ ràng từ bỏ vũ khí hạt nhân và hệ thống phân phối hay không", ông Bolton nói thêm.

CNN

An Nhi

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/trieu-tien-lien-tuc-phong-ten-lua-moi-vi-sao-tong-thong-trump-phot-lo-85359.html