Không thể để mặc người dân 'thấp thỏm' bên hồ Nặm Cắt

Như VOV đã phản ánh, sau khi hồ thủy lợi Nặm Cắt ngăn dòng, tích nước, nhiều ngày qua, 40 hộ dân với khoảng 200 người dân tại Bản Bung, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn (Bắc Kạn) đã phải dùng bè, mảng tự chế qua lại do đường độc đạo vào bản đã bị ngập nhưng cầu treo mới vẫn chưa hoàn thiện.

Sau hơn 6 năm thi công, từ cuối tháng 3/2021, hồ chứa nước Nặm Cắt tại xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn đã tích nước. Việc ngăn dòng, tích nước đã có sự chấp thuận của các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn. Phía trong hồ vẫn còn khoảng 40 hộ dân thuộc Bản Bung không thuộc diện di dời giải phóng mặt bằng nên vẫn phải định cư tại nơi ở cũ.

Chiếc bè tre sơ sài, gắn thêm 4 thùng phuy vốn được tận dụng từ chiếc mảng cũ của những người khai thác cát trước đây, nay là phương tiện đi lại chính của 200 con người trong bản bởi đường độc đạo vào bản đã bị ngập. Bè nhỏ nên đa số người dân phải để xe máy lại ở bờ hồ rồi đi bộ thêm hơn 1km mới đến nhà.

Chiếc bè sơ sài này là phương tiện đi lại của 200 người dân Bản Bung những ngày qua

Chiếc bè sơ sài này là phương tiện đi lại của 200 người dân Bản Bung những ngày qua

Ít ngày trước, chính quyền và lực lượng chức năng có đến phát cho người dân một số áo phao và phao cứu hộ. Tuy vậy, hiện số áo phao vẫn chất đống ở góc lán trại dành cho công nhân hoặc vương vãi trên bờ không có ai sử dụng.

Anh Đặng Phúc Tài, một người dân Bản Bung, xã Dương Quang cho hay: “Không có người túc trực rất nguy hiểm, các cháu đi học thì cũng rất hiếu động, nghịch ngợm với nước, nên khó quản lý. Nước sâu, lặng thế này, nếu rớt xuống mà không có người lớn thì rất dễ xảy ra trường hợp đáng tiếc”.

Người dân buộc phải để xe ở bờ hồ và chờ đợi để có bè sang bờ bên kia, tuy vậy nơi này không có bóng dáng lực lượng chức năng để giúp người dân qua lại

Cũng do chỉ có một bè duy nhất nên muốn qua hồ, người dân buộc phải chờ có người phía bên đẩy sang. Anh Đặng Văn Đại, một người dân Bản Bung cho biết, nhà trường nơi con anh theo học không có bán trú nên mỗi ngày anh phải 8 lượt đưa, đón con qua hồ đi học. Sau gần 30 phút chờ mới có bè qua đón.

Anh Đại không giấu nổi bức xúc: “Tôi đưa con đi học về, một lúc nữa lại phải đưa đi học rồi mà giờ phải đứng đây, ai đưa chúng tôi về? Chúng tôi rất cần chính quyền nhìn thấy thực trạng này. Bây giờ chúng tôi không làm được gì, chỉ có đưa trẻ con đi học, nên tôi đề nghị chính quyền làm sao đảm bảo an toàn cho các cháu, chứ không nên đi những loại xuồng bè mất an toàn như thế này”.

Áo phao, phao cứu hộ vẫn chất đống một góc hoặc vương vãi trên bờ mà không được sử dụng

Bản Bung đang vào vụ thu hoạch mơ và chuối. Đây là những cây trồng chủ lực của người dân. Do đường xuống bè dốc, lầy lội và sức chứa của bè khá nhỏ nên chi phí vận chuyển lớn và không đảm bảo chất lượng nên sản phẩm của người dân bị tồn lại.

Anh Bàn Văn Lâm, Bản Bung, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn bày tỏ: “Hiện tại, hơn 10.000 đồng/kg mơ, chỉ 5-7 ngày nữa nếu không thu hoạch kịp thì quả mơ sẽ rụng xuống đất. Mà nước lớn như thế này, khó chở mơ qua được. Nếu gặp nước, quả sẽ bị thâm đen, thương lái họ không mua”.

Mỗi lần qua hồ người dân không khỏi thấp thỏm, lo lắng cho sự an toàn của bản thân

Như vậy, sau nhiều năm sống trong cảnh khốn khổ vì công trình ngưng trệ, nay khi công trình hoàn thành, người dân Bản Bung vẫn phải tiếp tục nơm nớp lo lâu cho sự an toàn của mình. Trách nhiệm của chính quyền cũng như chủ đầu tư lúc này là cần có biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cũng như đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế của người dân./.

Công Luận/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/khong-the-de-mac-nguoi-dan-thap-thom-ben-ho-nam-cat-848771.vov