Triều Tiên không bị cấm vận làm suy yếu, đã sẵn sàng cải cách

Các lệnh trừng phạt quốc tế không đạt kết quả như trông đợi, trái lại thúc đẩy Triều Tiên quyết liệt thực hiện các biện pháp cải cách, chuyển đổi nền kinh tế theo hướng thị trường.

Từ lâu, Mỹ là nước đi đầu vận động và triển khai các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Nhưng, các bằng chứng cho thấy nỗ lực cấm vận quốc tế, nhằm làm tê liệt nền kinh tế Triều Tiên, đang tỏ ra không hiệu quả.

Các chỉ dấu kinh tế cho thấy thương mại của Triều Tiên vẫn duy trì ổn định suốt thời gian qua. Người dân Triều Tiên, vốn sống trong cảnh ngặt nghèo hơn nhiều vào thập kỷ 1990, có thể thích nghi nhanh chóng với tác động của các lệnh trừng phạt lên nền kinh tế.

Cấm vận không hiệu quả

Tác động hạn chế của các lệnh trừng phạt đặt ra thách thức cho Tổng thống Trump khi ông chủ Nhà Trắng tới Hà Nội, tham gia hội nghị thượng đỉnh lần 2 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Xác định xem ông Kim Jong Un còn duy trì được nền kinh tế đứng vững trong bao lâu nữa là câu hỏi then chốt đặt ra với Washington.

Từ năm 2016, Liên Hợp Quốc siết chặt các lệnh cấm vận vốn đã có trong nhiều năm, thông qua cấm Triều Tiên xuất khẩu lao động, hạn chế lượng dầu nhập khẩu và cắt đứt xuất khẩu than và thủy sản.

Bình Nhưỡng đối phó bằng cách sử dụng các biện pháp lách cấm vận như buôn lậu dầu và tấn công tin tặc nhằm duy trì nguồn cung năng lượng và ngoại tệ thiết yếu cho các mục tiêu của mình.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un thăm một nhà máy dệt. Nguồn: KCNA.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un thăm một nhà máy dệt. Nguồn: KCNA.

Các lệnh cấm vận được siết chặt hơn, trong đó có hạn chế ngoại thương, triển khai trong năm 2016 và 2017, đã gây ra một số tổn thất cho nền kinh tế Triều Tiên, cắt đứt nguồn thu ngoại tệ của Bình Nhưỡng từ mua bán với các đối tác, trong đó có Trung Quốc.

Trên các phương diện khác, nền kinh tế Triều Tiên vẫn được duy trì tốt. Giá gạo giữ ở mức ổn định, giá nhiên liệu tăng trong một thời gian ngắn sau khi lệnh cấm vận bổ sung được ban hành đã trở lại mức trước đó vào mùa thu năm 2017.

Đồng won của Triều Tiên được giữ cố định trong hối đoái với đồng USD của Mỹ. Các dự án xây dựng không bị đình trệ, trái lại vẫn được tiếp tục triển khai ở thủ đô Bình Nhưỡng và một số khu vực khác.

Nhiều nhân chứng cho biết những sản phẩm có xuất xứ nước ngoài thường được bày bán trước kia, ví dụ như thực phẩm từ Trung Quốc, nay được thay thế bởi hàng sản xuất nội địa của chính Triều Tiên.

Các nhân chứng tới thăm Bình Nhưỡng và một số thành phố lớn khác cho biết họ thấy đời sống thường nhật của người dân Triều Tiên đã được cải thiện, điện được sử dụng rộng rãi hơn, giá than giảm xuống, tạo điều kiện cho các gia đình sưởi ấm trong mùa Đông.

"Không có dấu hiệu rõ ràng nào của việc đất nước này đang gặp khó khăn", William Brown, giáo sư từ Đại học Georgetown, người từng làm việc nhiều năm cho các cơ quan tình báo Mỹ, nhận xét.

Giáo sư Brown cho biết có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Triều Tiên đang phát triển, ít nhất là trong khu vực tư nhân.

Kinh tế Triều Tiên có đang lâm nguy?

Do các số liệu được công bố rất hạn chế và khó kiểm chứng, các chuyên gia quốc tế không thể tổng hợp bức tranh toàn cảnh chính xác về tình trạng thực tế của nền kinh tế Triều Tiên. Các chuyên gia buộc phải dựa vào thông tin cung cấp từ những người Triều Tiên đào tẩu và mạng lưới thông tin riêng của họ, chủ yếu ở thủ đô Bình Nhưỡng và các tỉnh biên giới.

Một nhà hoạt động nhân đạo từng tới Triều Tiên tháng 9/2018 cho biết cô đã chứng kiến tình trạng thiếu lương thực tại các vùng nông thôn. Một người đào tẩu từ Triều Tiên cho biết thiếu lương thực là vấn nạn đã tồn tại trong thời gian dài.

Nhiều nhà nghiên cứu nghi ngờ Triều Tiên đang phải sử dụng nguồn ngoại tệ dự phòng thu được trước thời điểm các biện pháp trừng phạt siết chặt. Thực tế, không ai có thể kiểm chứng số dư dự trữ ngoại hối của Triều Tiên.

Một dự án xây dựng ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: Abandoned Kansai.

Nếu các biện pháp trừng phạt thực sự hủy hoại đáng kể nền kinh tế Triều Tiên, dấu hiệu đầu tiên có thể nhận ra là việc các hàng hóa xa xỉ và các thiết bị gia đình như đồ điện tử biến mất khỏi các cửa hàng. Giáo sư Kim Byung Yeon, chuyên gia từ Đại học Quốc gia Seoul, cho rằng các lệnh trừng phạt sẽ tác động tới giới tinh hoa, quan chức trước khi ảnh hướng tới các mặt hàng thiết yếu như gạo.

Thae Yong Ho, người từng là phó đại sứ Triều Tiên tại Anh, hôm 19/2 cho biết cho rằng Bình Nhưỡng có thể sắp cạn tiền chi trả cho một số dự án. Nếu các lệnh trừng phạt được kéo dài, các dự án xây dựng lớn sẽ bị đình trệ, còn các công ty nhà nước có thể đứng trước nguy cơ phá sản.

Trung Quốc, đồng minh lâu năm của Triều Tiên, cũng ra tay giúp đỡ, hỗ trợ Bình Nhưỡng dẫu Bắc Kinh tuyên bố nghiêm chỉnh thực thi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Các chuyên gia và những người Triều Tiên đều nhất trí nền kinh tế nước này đã trở nên linh hoạt hơn sau nhiều thập niên. Sự thất bại của nền kinh tế chỉ huy tập trung, trong đó nhà nước điều hành mọi mặt từ sản xuất tới phân phối, đã mở đường cho sự phát triển của một nền kinh tế nhiều thành phần năng động hơn, giúp người dân có thêm cơ hội để kiếm tiền.

Những sự thay đổi này đã nhen nhóm từ lâu và tăng tốc dưới thời kỳ nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Nhà lãnh đạo trẻ tuổi đã phớt lờ sự phát triển của thị trường tư nhân, cũng như cho phép nông dân bán sản phẩm thặng dư để thu về lợi nhuận.

"Điều đáng nói nhất là ông Kim đã ngừng kiểm soát thị trường", Joung Eun Lee, nhà nghiên cứu từ Viện Thống nhất quốc gia Seoul, Hàn Quốc, nhận xét.

Kwak In Ok, nhà nghiên cứu từ Đại học Sookmyung, Seoul, nhận định hoảng 70% nền kinh tế Triều Tiên nay hoạt động dựa trên cơ chế thị trường. Khi các lệnh trừng phạt được siết chặt, hoạt động buôn lậu sẽ tăng lên, giúp hoạt động thương mại diễn ra không bị ảnh hưởng.

Các hộ gia đình Triều Tiên nay tạo ra khoảng 60% thu nhập từ hoạt động tại các chợ phi truyền thống. Một số công dân trả lệ phí để được miễn trình diện tại các cơ quan nhà nước nơi họ bị chỉ định làm việc với mức lương "bèo bọt". Những người này sau đó kiếm tiền dựa trên hoạt động tại các chợ đen.

Một người Triều Tiên đào tẩu năm 2017 cho biết từng có thời gian sống nhờ bán lậu tôm, cá người này đánh bắt được tại thị trường chợ đen. Một gia đình khác kiếm sống bằng cách bán đế giày cho gia đình có thể sản xuất ra thân giày.

"Tất cả giống như nền kinh tế thị trường", người đàn ông nhận xét về nền kinh tế Triều Tiên.

Hiện có khoảng 400 chợ chính thức tại Triều Tiên, nơi hàng nội địa và nhập khẩu buôn lậu được bày bán. Một báo cáo dựa trên ảnh vệ tinh và các nguồn tin của Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS) cho biết số chợ đã tăng gấp đôi từ năm 2010. Bình nhưỡng môi năm thu lợi hàng chục triệu USD thông qua phí và thuế thu được từ các chợ này.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc ước tính nên kinh tế Triều Tiên đã sụt giảm 3,5% giá trị trong năm 2017. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng số này không đáng tin cậy do không phản ánh chính xác các hoạt động của thị trường chợ đen.

Một nhà nghiên cứu từng tới Triều Tiên ít nhất 6 lần từ năm 2003, lần gần nhất là tháng 1 vừa qua, cho biết không có nhiều dấu hiệu của biến động dù Triều Tiên nay đối mặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của cộng đồng quốc tế.

"Chúng tôi nhìn thấy các dự án xây dựng khắp nơi, lượng lớn vật liệu xây dựng được vận chuyển", nhà nghiên cứu giấu tên nói.

Người Triều Tiên mua sắm trong siêu thị. Ảnh: Reuters.

Cải cách đã bắt đầu

Các chuyên gia và người đào tẩu cho rằng các lệnh trừng phạt bị siết chặt càng thúc đẩy Triều Tiên chuyển đổi thành nền kinh tế do thị trường chi phối, dù về mặt chính thức, Bình Nhưỡng không bao giờ công nhận khái niệm này.

Triều Tiên bắt đầu áp dụng mô hình nền kinh tế tập trung chỉ huy dưới thời Kim Nhật Thành, ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Mô hình này sau đó sụp đổ năm 1990 cùng vơi sự tan rã của khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu, góp phần tạo ra nạn đói làm 4 triệu người chết.

Những cải cách đầu tiên xuất hiện dưới thời cố lãnh đạo Kim Jong Il. Ông Kim "cha" bắt đầu cho phép các cửa hàng bán một cách hạn chế một số loại hàng hóa với giá cả được chính phủ ấn định. Tuy nhiên, cố lãnh đạo này khi đó lo ngại hoạt động mua bán sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát, nên thường xuyên can thiệp.

Năm 2009, một cuộc đổi tiền diễn ra đã kết thúc trong thảm họa, khiến giá cả thực phẩm lao dốc, xóa sạch tiền tiết kiệm của nhiều gia đình.

Thay cha nắm quyền từ năm 2011, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đặt ra chính sách "Byungjin" năm 2013, ưu tiên phát triển cả quân sự lẫn nền kinh tế của quốc gia này.

Ông Kim "con" mắt nhắm mắt mở phớt lờ hoạt đọng của các chợ do nhà nước lập ra, với điều kiện các thương nhân nộp thuế đầy đủ. Bình Nhưỡng cũng hạn chế kiểm soát ngoại tệ, đặc biệt là USD và Nhân dân tệ. Ngoại tệ giờ được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch tại Triều Tiên.

Các chuyên gia cũng nhận định nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang cố gắng duy trì động nội tệ ổn định bằng cách không in thêm tiền. Đây là bước đi rất khác so với các mô hình nhà nước như Triều Tiên, với hiện tượng in tiền tràn lan và lạm phát phi mà là "đặc sản".

Năm 2015, Bình Nhưỡng ra quy định cho phép các công ty tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh, trong đó cho phép các công ty tự định giá và sản lượng sản phẩm của công ty mình.

Các nhà máy nay có thể tự tìm nguồn cung ứng và khách hàng miễn là đạt chỉ tiêu doanh thu do nhà nước đặt ra. Các nông dân được toàn quyền xử ý với nông sản dư thừa sau khi đã nộp đủ chỉ tiêu của nhà nước.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un tới Hà Nội dự hội nghị với Tổng thống Trump. Ảnh: Hoàng Hà.

Những thay đổi vài năm gần đây thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân có liên hệ với nhà nước, hay còn gọi là "donju". Các donju được xây dựng bởi những người Triều Tiên sở hữu số vốn khổng lồ qua làm ăn trên thị trường chợ đen và là nguồn đóng góp chính vào ngân sách nhà nước.

Một người đào tẩu năm 2018 cho biết ông từng trả 80.000 USD để mua một nhà máy sản xuất thép từ nhà nước, và phải trả thêm 25.000 USD để xin giấy phép thành lập công ty buôn bán thép.

Người này cho biết được nhà nước chỉ định bán thép cho một công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, công ty đã khai báo giảm sản lượng sản xuất, dùng số thép dư bạn lại trên thị trường chợ đen. Chính phủ yêu cầu công ty phải nộp 11.000 USD ngân sách mỗi tháng.

"Ông Kim Jong Un hiểu thị trường sẽ không thể hoạt động nếu thiếu các dongju. Chúng là xương sống của nền kinh tế Triều Tiên".

Tại chợ Tongil mới mở ở Bình Nhưỡng, hàng hóa nội địa như TV và máy tính bảng đã bắt đầu thay thế dần hàng nhập khẩu Trung Quốc. Trong khi đó, quần áo, dầu gội đầu và kem đánh răng nội địa được bán tại siêu thị Kwangbok.

"Các mặt hàng đang mở rộng ngày càng đa dạng", Marcus McFarland, hướng dẫn viên đu lịch của hãng Koryo, nhận xét. Hướng dẫn viên này cho biết có thể tìm thấy 3 loại bịa nội đia tại Bình Nhưỡng, trong khi chỉ có 1 loại trong năm 2017.

Duy Anh
Theo Wall Street Journal

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/trieu-tien-khong-bi-cam-van-lam-suy-yeu-da-san-sang-cai-cach-post920351.html