Triều Tiên khơi mào cuộc đua không gian gay cấn ở châu Á?

Sự ganh đua ngầm giữa Ấn Độ, Nhật Bản với Trung Quốc đang vượt ra ngoài mục tiêu thương mại do có những lo ngại về chương trình không gian đa mục đích của Triều Tiên.

Triều Tiên có thể phóng vệ tinh mới Kwangmyongsong-5.

Thông tin mới đây về việc Triều Tiên có kế hoạch phóng một vệ tinh do thám tiên tiến đang đẩy cuộc đua không gian ở châu Á trở nên ngày càng nóng hơn bao giờ hết.

Hoàn thành vệ tinh mới

Tờ Joongang Ilbo dẫn nguồn tin tình báo Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã hoàn thành một vệ tinh mới mang tên Kwangmyongsong-5, có thể gắn camera với khả năng quét độ phân giải cao, đi kèm các thiết bị truyền thông để phóng lên quỹ đạo.

Trong bối cảnh năng lực tên lửa liên lục địa của quốc gia Đông Bắc Á đã phát triển đến tầm cao mới, giới phân tích lo ngại vệ tinh Kwangmyongsong-5 sẽ là trợ thủ đắc lực cho các cuộc tấn công tiềm năng của Triều Tiên trở nên chính xác và nguy hiểm hơn.

Trong phản ứng hồi tháng 10 tại một phiên họp của Liên Hợp Quốc, Phó Đại sứ Triều Tiên Kim In-ryong, tuyên bố Bình Nhưỡng có kế hoạch phát triển các vệ tinh trong giai đoạn 2016-2020 là để phục vụ cho phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống người dân. Ông cũng nhấn mạnh Triều Tiên có quyền sản xuất và phóng vệ tinh, cũng như tiếp tục kế hoạch của mình mà không phụ thuộc vào quan điểm của Mỹ.

Trong khi Liên Hợp Quốc lên án và trừng phạt Triều Tiên về các vụ thử hạt nhân, tên lửa đạn đạo, thì phía các láng giềng châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, lại lo ngại Bình Nhưỡng đang nhăm nhe bước chân vào sân chơi vũ trụ và phát triển các công nghệ tinh vi nhằm thực hiện một vụ tấn công hủy diệt.

“Vũ khí hóa” không gian

Chương trình không gian ở châu Á đang có bước phát triển đầy tốc độ trong những năm gần đây khi các cường quốc khu vực tranh giành nhau thị trường vệ tinh viễn thông màu mỡ được định giá lên tới 300 tỷ USD. Con số này dự kiến còn tăng gấp đôi vào năm 2030 nếu nhu cầu hiện tại không có xu hướng giảm.

Sự lên ngôi của các loại vệ tinh nhỏ dưới 20kg với chi phí rẻ, hiệu quả cao - chủ yếu được sử dụng bởi các Chính phủ và doanh nghiệp - đã thu hút các quốc gia khác nhau như Singapore, Pakistan, Hàn Quốc cùng nhảy vào cuộc đua sản xuất thiết bị vũ trụ vốn chỉ là sân chơi riêng của các ông lớn Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ trước đây.

Hồi tháng 12 vừa qua, lần đầu tiên Nhật Bản ghi nhận việc phóng thành công 2 vệ tinh ở các độ cao khác nhau.

Đây được coi là lợi thế về mặt kỹ thuật sẽ giúp quốc gia này chiếm được cảm tình từ khách hàng thương mại khi chi phí được giảm thiểu đáng kể.

Trung Quốc ngày càng có những tham vọng lớn hơn trong chinh phục không gian.

Trong tuần này, Ấn Độ cũng vừa tuyên bố thử thành công tên lửa GSLV Mark III có khả năng đưa vệ tinh nặng 4 tấn đi vào quỹ đạo. Trong năm 2017, nước này đã đạt được trình độ phóng 104 vệ tinh với các kích thước khác nhau chỉ trong một lần triển khai.

Trung Quốc thậm chí còn mang đến tham vọng lớn hơn, trong đó có kế hoạch đổ bộ xuống Mặt trăng trong năm nay, nối tiếp thành công sau chiến dịch cử robot thăm dò vào năm 2013. Sẽ có khoảng 40 vệ tinh mới được cường quốc châu Á cho ra mắt trong năm 2018 phục vụ cho mục đích viễn thông.

Sự ganh đua ngầm giữa Ấn Độ, Nhật Bản với Trung Quốc đang vượt ra ngoài mục tiêu thương mại do có những lo ngại về chương trình không gian đa mục đích của Triều Tiên. Bộ ba châu Á tuyên bố họ đang phát triển các ứng dụng không gian phi quân sự, nhưng điều này rất khó để xác minh khi chương trình không gian của các nước đang ngày càng trở nên bí mật hơn, đặc biệt là Trung Quốc.

Công ước và Quy tắc Liên Hợp Quốc về Hoạt động Không gian cấm các quốc gia triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt trong vũ trụ. Trung Quốc và Nga từng tuân thủ nghiêm túc trong nhiều năm đối với lệnh cấm “vũ khí hóa” không gian, nhưng sau đó Trung Quốc đã gây chấn động thế giới vào năm 2007 khi sử dụng tên lửa để tiêu diệt một vệ tinh thời tiết cũ.

Những động thái của Trung Quốc càng gây thêm lo ngại khi chỉ một năm sau, tên lửa phóng vệ tinh của nước này đi vào khu vực cấm xâm nhập của Trạm vũ trụ quốc tế và gần như suýt xảy ra va chạm. Mỹ cũng tuyên bố một số vệ tinh của họ bị hư hại do ảnh hưởng từ tia laser công suất lớn từ phía vệ tinh Trung Quốc.

Ấn Độ đã từng lên tiếng chỉ trích “vũ khí hóa” không gian, nhưng đột nhiên công bố vào năm 2012 rằng nước này đang đẩy nhanh việc phát triển vũ khí chống vệ tinh, được cho là để đáp ứng với sự trỗi dậy ngày càng tăng của Trung Quốc trên mặt trận vũ trụ.

Nhật Bản đã thông qua một động thái tương tự, nhưng ẩn giấu sau đó bằng tấm màn thương mại. Năm 2015, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết chương trình không gian của nước này sẽ được thay đổi theo tính chất phục vụ quân sự nhiều hơn sau khi một lệnh cấm xuất khẩu vũ khí được dỡ bỏ vào năm 2014. Nhật Bản hy vọng sẽ kiếm được 42 tỷ USD từ thiết bị không gian vào năm 2025.

Để phục vụ cho mục đích phòng thủ, Nhật Bản cũng tuyên bố sớm bổ sung thêm 6 vệ tinh định vị toàn cầu vào năm 2025, để không còn phải dựa vào các đồng minh trong các hoạt động tác chiến quân sự, bao gồm điều hướng xe và dẫn đường cho các hệ thống vũ khí.

Tokyo được cho là đặt mua thêm các thiết bị giám sát cho các hoạt động trinh sát và tình báo, trong đó mang mục đích giám sát các cơ sở quân sự và vệ tinh nước ngoài. Một trong những mục tiêu chính của nước này là theo dõi các động thái ngoài không gian của Triều Tiên, vốn được cho là để phục vụ kế hoạch tấn công tên lửa.

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/trieu-tien-khoi-mao-cuoc-dua-khong-gian-gay-can-o-chau-a-a354619.html