Triều Tiên: 'Kẻ đào tẩu' và những tiết lộ về Bình Nhưỡng

Ri Jong-ho khéo léo mang về cho Triều Tiên hàng triệu USD mỗi năm, bất chấp các lệnh trừng phạt kinh tế siết chặt quốc gia này từ bên ngoài.

“Những nỗ lực xử phạt Triều Tiên sẽ không thành công, vì họ luôn có nhiều cách để ứng phó một cách khéo léo”, Ri Jong-ho nói.

Trong khoảng ba thập kỷ, Ri được cho là nhân vật mang về cho Bình Nhưỡng hàng triệu đô la mỗi năm, ngay cả khi các lệnh trừng phạt được áp dụng đối với chương trình phát triển hạt nhân của quốc gia Đông Bắc Á.

Ri Jong-ho cho hay, cách duy nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân ở quê hương mình là đối thoại.

Ri Jong-ho cho hay, cách duy nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân ở quê hương mình là đối thoại.

Vị trí cuối cùng trước khi rời đi của Ri là điều hành chi nhánh Đại Liên của Daeheung, một công ty thương mại chuyên về vận chuyển, xuất khẩu than, thủy sản và nhập khẩu dầu. Vào năm 2014, Ri đã rất lo lắng khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un thực hiện các cuộc điều tra đối với những nhân vật không trung thành.

Ông đã trốn sang Hàn Quốc và tới Mỹ sau đó. Các chuyên gia nói, việc Ri tới Mỹ có thể là một lợi ích cho những nỗ lực của Mỹ nhằm trấn áp Triều Tiên. Anthony Ruggiero, cựu quan chức tại bộ Tài chính Mỹ cho biết: "Người đào tẩu luôn hữu ích. Đặc biệt khi đó là người biết về các hoạt động nội bộ”.

Trong cuộc phỏng vấn, Ri tiết lộ, Triều Tiên đã nhiều lần phá vỡ sự vây hãm của các chế tài trừng phạt bằng những cách thức đơn giản. "Triều Tiên toàn là những doanh nghiệp Nhà nước 100%, vì vậy các công ty này chỉ cần đổi tên sau khi bị trừng phạt", ông nói.

"Bằng cách đó các công ty vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng là với cái tên mới không hề giống trong danh sách xử phạt trước đó". Ngoài ra, các đối tác Trung Quốc của Ri cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều về vấn đề này. "Các đối tác của tôi ở Trung Quốc cũng muốn kiếm được lợi nhuận, vì vậy họ không quan tâm nhiều đến các biện pháp chế tài".

Trớ trêu với Bắc Kinh, tình trạng này có thể sẽ khó tiếp diễn khi Washington đang nhắm đến các công ty Trung Quốc giúp đỡ Triều Tiên với cái gọi là "lệnh trừng phạt thứ cấp”. Vào cuối tháng trước, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã đưa ngân hàng Đan Đông vào danh sách trừng phạt với cáo buộc giúp đỡ Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên Ri cho rằng, mọi cách thức nói trên vẫn khó giải tỏa được lập trường của Triều Tiên về phát triển hạt nhân. Đồng ý với nhiều quan điểm trước đó, người này cho rằng, đối thoại vẫn là giải pháp tốt nhất.

"Tôi nghĩ cần có những cuộc đàm phán cấp cao giữa Mỹ và Triều Tiên, để họ có thể cùng nhau giải quyết vấn đề", Ri nêu quan điểm. “Giống như người ta vẫn thường nói trong chính trị, ngày hôm qua có thể là kẻ thù nhưng ngày hôm nay có thể là bạn".

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/tho-kiem-tien-cua-trieu-tien-lan-dau-lo-dien-a332839.html