Triều Tiên huấn luyện cá heo chiến đấu?

Tờ Daily Express của Anh cho biết, những thông tin tình báo của Mỹ đang nghi ngờ Triều Tiên đang huấn luyện cá heo chiến đấu của hải quân.

Triều Tiên đang nuôi cá heo phục vụ quân sự?

Tờ Daily Express của Anh dẫn nguồn từ Viện Hải quân Hoa Kỳ cho biết, Triều Tiên có thể đang huấn luyện cá heo sử dụng trong lực lượng hải quân để tăng cường khả năng quân sự của mình.

Theo đó, các hình ảnh vệ tinh do thám của Mỹ cho thấy một cơ sở huấn luyện cá heo tại căn cứ hải quân ở Nampo trên bờ biển phía tây của đất nước này.

Quân đội Mỹ cho rằng, cơ sở này xuất hiện vào khoảng năm 2015, vì vào khoảng thời gian này, gần xưởng đóng tàu, cách các tàu hải quân không xa, đã xuất hiện chuồng nhốt cá heo.

Viện Hải quân Hoa Kỳ cũng nói thêm rằng, cơ sở này tương tự như các trung tâm huấn luyện cá heo đã được phát triển ở cả Hoa Kỳ và Nga.

Tuy nhiên, các chuyên gia Mỹ không loại trừ khả năng Triều Tiên đang sở hữu “một số hình thức trang trại nuôi cá khác”, tuy nhiên, không ai có thể xác định được đó là những loại gì.

Theo ông Harry Kazianis, Giám đốc cấp cao về nghiên cứu Triều Tiên tại Trung tâm Vì lợi ích Quốc gia, Triều Tiên có khả năng tạo ra vũ khí mà các nước khác “không bao giờ tính tới”.

Ông kết luận: “Trong khi chúng ta thường nghĩ về Triều Tiên là nước nghèo, đói, kinh tế kém phát triển, thì các vấn đề kinh tế đang thúc đẩy họ tạo ra các phương pháp đổi mới chưa từng có ở chúng ta”.

Theo giới chuyên gia quân sự Mỹ, cá heo có nhiều lợi thế so với các loài động vật có vú khác, nó có thể dò mìn dưới nước, trinh sát chụp ảnh các căn cứ ngầm của đối phương. Bình Nhưỡng cũng có thể sử dụng cá heo để kiểm tra dây cáp dưới đáy biển.

Triều Tiên đang huấn luyện cá heo quân sự ở cơ sở Nampo?

Triều Tiên đang huấn luyện cá heo quân sự ở cơ sở Nampo?

Viện nghiên cứu Hải quân Hoa Kỳ lưu ý, con người không thể so sánh với cá heo hay hải cẩu về tốc độ, sự khéo léo và khả năng tự nhiên có thể nhìn rõ các vật thể trong nước tối hoặc bùn.

Thêm vào đó, cá heo cũng có thể lặn sâu nhiều lần liên tục mà không bị chứng giảm áp như thợ lặn. Khả năng trên làm cho cá heo trở thành những trợ thủ đắc lực của thợ lặn hải quân hoạt động ngoài khơi.

Giống như hải quân, cá heo sử dụng sóng siêu âm. Cá heo được trang bị một hệ thống dò tìm và đánh dấu vị trí mìn ở đáy đại dương. Vì nó không thể xác định xem thợ lặn hay tàu ngầm đối phương là bạn hay thù, chúng đánh dấu mục tiêu bằng cách gắn vào một chiếc phao.

Chương trình nuôi động vật biển của Nga-Mỹ

Hiện nay, hàng trăm sinh vật biển đang được huấn luyện theo các chương trình khác nhau tại 7 căn cứ đặc biệt của hải quân Mỹ. Đầu tiên, cá heo sẽ được mang đến San Diego để huấn luyện căn bản. Sau đó, chúng được gửi đến các căn cứ hải quân để huấn luyện nâng cao.

Các chuyên gia cho biết, Hải quân Mỹ tập trung vào khả năng định vị tiếng vang của cá heo để dò tìm tên lửa hạt nhân tầm xa. Đồng thời, người Mỹ cũng đang sử dụng cá heo trong vai trò “phản công”, tức là ngăn chặn sóng siêu âm của “cá heo địch” để bảo vệ các mục tiêu của mình.

Trung tâm huấn luyện cá heo của hải quân Mỹ ở San Diego

Báo chí Mỹ tiết lộ rằng, một biệt đội cá heo đang bảo vệ vùng biển căn cứ hải quân Kings Bay ở bang Georgia; ngoài ra, Hải quân Mỹ có kế hoạch sử dụng cá heo để bảo vệ căn cứ Bangor thuộc bang Washington, nơi neo đậu các tàu ngầm lớp Ohio mang tên lửa hạt nhân.

Trước đây, Liên Xô cũng từng có những chương trình nuôi cá heo đặc biệt của lực lượng hải quân. Tuy nhiên, sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ vào năm 1991, bể nuôi cá heo ở Sevastopol – bán đảo Crimea (hiện nay thuộc Nga) được hải quân Ukraine tiếp quản.

Tuy nhiên, mọi cuộc thử nghiệm quân sự với những sinh vật biển có vú đã bị đình chỉ ngay sau đó. Các huấn luyện viên giỏi bị mất việc và chuyển sang phục vụ cho những bể nuôi cá heo của Nga.

Tháng 10/2012, quân đội Ukraine tuyên bố khôi phục chương trình huấn luyện chiến binh cá heo và chúng đã tham gia tập luyện theo giáo án tấn công biệt kích dưới nước và tàu chiến; cùng với đó là khả năng phát hiện các đối tượng lạ ở dưới nước, nhằm bảo vệ căn cứ hải quân.

Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, trung tâm huấn luyện cá heo Sevastopol đã triển khai công tác huấn luyện cá heo và sư tử biển để sử dụng vào mục đích quân sự theo các chương trình mới vì quyền lợi của hạm đội Nga. Thậm chí đã có thông tin cho rằng, Nga đã điều cá heo và hải cẩu sang bảo vệ căn cứ hải quân Tartous ở Latakia-Syria.

Ngoài ra, theo dữ liệu mà NATO công bố, Hải quân Nga sử dụng cả cá voi beluga trong các hoạt động quân sự. Năm ngoái, Na Uy cho rằng họ đã phát hiện thấy một con cá voi của Nga có gắn camera.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/trieu-tien-huan-luyen-ca-heo-chien-dau-3422642/