Triều Tiên 'dội nước lạnh' vào Mỹ

Triều Tiên hôm 20-12 khẳng định không bao giờ đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân, trừ khi Mỹ loại bỏ mối đe dọa hạt nhân trước.

Tuyên bố thẳng thừng của Bình Nhưỡng đối lập hoàn toàn với những phát biểu tích cực từ phía Hàn Quốc trước đó và có thể làm xáo trộn chính sách ngoại giao đang mong manh giữa Washington, Seoul và Bình Nhưỡng.

Theo nhiều nhà phân tích, những bình luận mới nhất của Bình Nhưỡng thông qua Hãng Thông tấn Triều Tiên (KCNA) củng cố phần nào hoài nghi lâu nay: Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ không bao giờ tự nguyện từ bỏ kho vũ khí mà ông xem là sự bảo đảm mạnh mẽ hơn bất cứ hứa hẹn an ninh nào từ phía Mỹ.

Các binh sĩ Hàn Quốc và Triều Tiên kiểm tra việc phá bỏ các trạm gác tại Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) hôm 12-12 Ảnh: REUTERS

Các binh sĩ Hàn Quốc và Triều Tiên kiểm tra việc phá bỏ các trạm gác tại Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) hôm 12-12 Ảnh: REUTERS

Trong tuyên bố mới nhất này, Triều Tiên khẳng định luôn trung thành với quan điểm truyền thống về phi hạt nhân hóa, đó là họ sẽ tiếp tục phát triển hạt nhân cho tới khi Mỹ rút hết binh lính cũng như "chiếc ô hạt nhân" đang che chở cho Hàn Quốc và Nhật Bản. Một mặt cáo buộc Washington bóp méo các thỏa thuận trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore hồi tháng 6, mặt khác tuyên bố cảnh báo: "Mỹ phải nhận thức được ý nghĩa chính xác của phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và đặc biệt là phải học địa lý".

"Tuyên bố cứng rắn trên có thể báo hiệu Triều Tiên không có ý định quay lại bàn đàm phán sớm. Họ muốn duy trì vũ khí hạt nhân và biến quá trình ngoại giao thành đàm phán cắt giảm vũ khí song phương với Mỹ" - ông Shin Beomchul, nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu chính sách Asan (Hàn Quốc), nhận định với AP.

Tuyên bố của Triều Tiên được đưa ra một ngày sau khi đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun thăm Hàn Quốc và tiết lộ Washington đang cân nhắc nới lỏng hạn chế đi lại với Triều Tiên để hỗ trợ các chuyến hàng nhân đạo. Góp phần thúc đẩy ngoại giao với Triều Tiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 20-12 cho hay Seoul muốn thu nhỏ quy mô các cuộc tập trận chung với Mỹ vào năm tới, bao gồm cuộc tập trận Foal Eagle (tạm dịch "Đại bàng non") vào đầu năm 2019.

Trong một diễn biến khác, gia đình sinh viên người Mỹ Otto Warmbier hôm 19-12 nộp đơn kiện chính quyền Bình Nhưỡng và đòi bồi thường hơn 1 tỉ USD. Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), nam sinh viên 21 tuổi qua đời vài ngày sau khi được đưa về Mỹ hồi tháng 6-2017 vì tổn thương não nghiêm trọng. Thời điểm đó, Bình Nhưỡng bác bỏ các cáo buộc họ tra tấn Warmbier.

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trieu-tien-doi-nuoc-lanh-vao-my-20181220212506364.htm