Triều Tiên dốc sức theo đuổi chiến lược phát triển kinh tế

Cuối tháng 11 vừa qua, một đoàn tàu mang dòng chữ 'Ngựa sắt tiến đến kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng' xuất phát từ ga Dorasan ở Hàn Quốc đã có mặt ở ga Panmun của Triều Tiên. Đó không chỉ là chuyến tàu đầu tiên vượt qua biên giới liên Triều trong nhiều năm qua, mà còn được coi như một trong những sự kiện mở đường cho chiến lược phát triển kinh tế mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang nỗ lực hướng tới.

Cùng ngày mà đoàn tàu Hàn Quốc có mặt ở Triều Tiên, tờ Rodong Simun-cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên có bài viết nêu rõ chính sách mà nước này sẽ theo đuổi, đó là chiến lược tập trung vào tăng trưởng kinh tế. Trước đó, tháng 4 năm nay, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng từng gây bất ngờ khi tuyên bố Triều Tiên sẽ dịch chuyển chính sách theo hướng tập trung phát triển kinh tế thay vì phát triển vũ khí hạt nhân.

Núi Kumgang là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch của Triều Tiên. Ảnh: The Washington Post.

Thực tế cho thấy thời gian gần đây, cùng với sự nồng ấm trong quan hệ liên Triều, Triều Tiên đã công bố rất nhiều dự án hợp tác với Hàn Quốc. Theo nội dung được nhất trí trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng vào tháng 9-2018, hai bên sẽ thực hiện dự án tái kết nối hệ thống đường sắt và đường bộ xuyên biên giới liên Triều. Sau rất nhiều cuộc bàn bạc và khảo sát, nếu không có gì thay đổi, dự án này sẽ được khởi công ngay trong năm nay.

Gần đây, Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc cũng thông báo nước này và Triều Tiên đã nhất trí tiếp tục đàm phán về hợp tác hàng không. Bên cạnh đó, hai bên còn liên tục tổ chức các buổi hội đàm để thảo luận về hợp tác trong một loạt các lĩnh vực bị gián đoạn nhiều năm như lâm nghiệp, ngư nghiệp và hàng hải, y tế…

Một trong những kế hoạch trọng điểm của Triều Tiên là xây dựng công viên nước quy mô lớn tại núi Kumgang, khu du lịch nổi tiếng ở bờ biển phía đông nước này, với sự hỗ trợ của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo thông tin đăng tải trên trang chủ của Công ty lữ hành quốc tế Kumgangsan của Triều Tiên, dự án công viên nước này có diện tích lên tới 160.000m2, cùng với nhiều công trình được xây dựng liền kề như trung tâm chăm sóc y tế, nhà triển lãm giới thiệu các sản phẩm địa phương… Tờ Korea Herald dẫn lời các chuyên gia kinh tế cho rằng, dự án ở núi Kumgang không chỉ giúp Triều Tiên tăng nguồn thu ngoại tệ từ du lịch, mà còn tạo thuận lợi cho việc nối lại các tour du lịch từ Hàn Quốc đến khu vực này.

Nhằm thu hút đầu tư nước ngoài phục vụ cho chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Triều Tiên cũng mở trang thông tin điện tử về thương mại và đầu tư quốc tế, trong đó cung cấp chi tiết về chính sách thương mại, danh sách các công ty thương mại, các khu phát triển kinh tế và hàng hóa thương mại của nước này.

Theo tờ South China Morning Post, một tín hiệu khác cho thấy Triều Tiên đang bắt đầu mở cửa nền kinh tế, tăng cường tham gia vào đối thoại kinh tế quốc tế, đó là việc nước này cử 4 quan chức tới tham dự Diễn đàn Tài chính Quốc tế (IFF) ở Quảng Châu (Trung Quốc) vào tháng 11 vừa qua. Đáng chú ý, trong bài phát biểu tại diễn đàn này, các đại biểu của Triều Tiên nhắc tới những cơ hội đầu tư, nhu cầu thu hút vốn đầu tư cũng như mong muốn của Triều Tiên được học hỏi hệ thống tài chính tiên tiến của các quốc gia khác. "Chúng tôi sẽ tìm kiếm thêm các cơ hội để hợp tác với cộng đồng quốc tế trong tương lai, bao gồm cả IFF, để chúng tôi có thể giới thiệu thêm với thế giới về sự phát triển kinh tế và các cơ hội đầu tư ở Triều Tiên", một quan chức Triều Tiên phát biểu tại diễn đàn.

Với nỗ lực tối đa cho mục tiêu phát triển kinh tế như vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu trong thời gian tới, Triều Tiên đi theo chính sách ngoại giao “mở cửa” hơn và đưa ra nhiều quy định, chính sách “thoáng” hơn về đầu tư, tài chính nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.

ANH VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/trieu-tien-doc-suc-theo-duoi-chien-luoc-phat-trien-kinh-te-558211