Triều Tiên có thể trở thành Việt Nam tiếp theo?

Sau nhiều thập kỷ bế tắc, cuối cùng cũng xuất hiện các động thái ngoại giao xoa dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Chính sách đổi mới bắt đầu vào năm 1986 đã thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Getty

Cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 6 vừa qua giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cuộc gặp đầu tiên giữa một nhà lãnh đạo Triều Tiên và một Tổng thống Mỹ đương nhiệm, đã đạt được tuyên bố chung, trong đó ông Kim nhất trí phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, đổi lấy việc nhận được đảm bảo an ninh từ Tổng thống Trump.

Dĩ nhiên, trong khi một số hoan nghênh bước tiến này, một số khác lại nhắc nhở chúng ta về lịch sử lâu đời các lời hứa không được tôn trọng của Triều Tiên. Tuy nhiên, kể cả khi cam kết của ông Kim là chân thành, chính quyền của ông sẽ hưởng lợi từ những đảm bảo như vậy, cũng như từ việc chấm dứt các biện pháp trừng phạt ngặt nghèo, thì liệu nước này có đủ sức để chấn chỉnh nền kinh tế “đang suy nhược” của mình hay không.

Liệu Triều Tiên có thể học hỏi từ kinh nghiệm của Việt Nam để phát triển hay không?

Năm 1986, Việt Nam khởi xướng chính sách đổi mới, một loạt các cuộc cải cách kinh tế được thực hiện, giống như cuộc cải cách do lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình tiến hành ở Trung Quốc, nhằm thiết lập nền kinh tế thị trường dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong vòng 30 năm tiếp theo, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP trung bình 6,7%/năm. Trước năm 2017, GDP đầu người đạt 2.340 USD, và kim ngạch xuất khẩu đạt 210 tỷ USD, gần ngang ngửa với Australia và Brazil. Các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có tập đoàn khổng lồ Samsung của Hàn Quốc, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP

Tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hôm 27/4 vừa qua, ông Kim Jong-un được cho bày tỏ sự quan tâm tới mô hình cải cách kinh tế của Việt Nam. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng có quan điểm tương tự, tuyên bố Triều Tiên có thể học hỏi con đường của Việt Nam hướng tới thịnh vượng kinh tế và bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

Nếu Triều Tiên, quốc gia bị cô lập nhất thế giới, quyết định đi theo đường hướng cải cách này, chắc chắn nước này sẽ vấp phải nhiều trở ngại lớn. Nền kinh tế kế hoạch tập trung của nước này lâu nay ì ạch, với tốc độ tăng trưởng trung bình chưa đến 1% trong vòng một thập kỷ qua, còn GDP đầu người chỉ đạt 1.300 USD.

Nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP trung bình 6,7%/năm. Ảnh: Bloomberg

Tuy nhiên, Triều Tiên có nền tảng kinh tế khá tốt, như lực lượng lao động được giáo dục tốt, tài nguyên thiên nhiên dồi dào, và lợi thế địa lý như hải cảng tự nhiên. Nếu Bình Nhưỡng thực thi cải cách thị trường toàn diện, bắt chước “sự kỳ diệu” của nền kinh tế Việt Nam, nước này có thể đạt tăng trưởng GDP hai con số, kéo thu nhập đầu người lên mức 10.000 USD trong vòng 30 năm tới.

Câu hỏi đặt ra là liệu Triều Tiên sẵn sàng đi theo con đường cải cách tới đâu. Nếu Triều Tiên quyết định đi theo con đường của Việt Nam, quốc gia Đông Bắc Á này sẽ cần duy trì sự ổn định chính trị và kinh tế, trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang theo đuổi mục tiêu tư nhân hóa và tự do hóa toàn diện.

Trước tiên, Triều Tiên cần có bước đi đáng kể và đáng tin cậy hướng tới phi hạt nhân hóa, điều kiện tiên quyết để nới lỏng các lệnh trừng phạt. Sau đó, bình thường hóa quan hệ với Hàn Quốc và các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương khác, trong đó có Nhật Bản và Mỹ, sẽ thúc đẩy đà chuyển dịch kinh tế sâu sắc hơn.

Lan Hạ

Theo Japan Times

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/trieu-tien-co-the-tro-thanh-viet-nam-tiep-theo-207755.html