Triều Tiên có đủ năng lực tấn công tàu sân bay Mỹ?

Không quân Triều Tiên có năng lực tác chiến hạn chế trong khi kho tên lửa đạn đạo khó có thể nhắm các mục tiêu di chuyển nên khả năng tấn công vào tàu sân bay Mỹ là rất thấp.

Khi nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson sắp đến bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng tuyên bố ngày 23/4 rằng sẵn sàng không kích nhấn chìm tàu Mỹ để khẳng định sức mạnh.

"Quân đội chúng ta đã sẵn sàng đánh chìm tàu sân bay hạt nhân của Mỹ chỉ với một đợt không kích. Đây sẽ là ví dụ điển hình để chứng tỏ sức mạnh của lực lượng chúng ta", báo Rodong Sinmun, tờ báo chính thức của đảng Lao động cầm quyền Triều Tiên, viết.

Vấn đề đang được quan tâm là Triều Tiên có những vũ khí nào để cụ thể hóa tuyên bố này. Bình Nhưỡng nói sẽ nhấn chìm tàu sân bay Mỹ chỉ bằng một đợt không kích, như vậy máy bay chiến đấu hoặc tên lửa đạn đạo là 2 vũ khí khả thi nhất.

Tàu sân bay USS Carl Vinson. Ảnh: US Navy.

Không quân lạc hậu, khó tấn công tầm xa

Theo Cán cân quân sự năm 2015 của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế IISS, Không quân Triều Tiên có khoảng 563 máy bay chiến đấu các loại. Tuy nhiên, đa số máy bay của Triều Tiên đều lạc hậu và khó đáp ứng được yêu cầu tác chiến hiện đại.

Lực lượng có năng lực tác chiến mạnh nhất của Không quân Triều Tiên là khoảng 40 chiếc tiêm kích MiG-29 do Liên Xô chế tạo. Theo Airforce Techonology, MiG-29 thuộc loại tiêm kích bảo vệ không phận, thiên về khả năng không chiến.

Do nhiệm vụ thiết kế ban đầu của MiG-29 là bảo vệ không phận, nên khả năng tấn công mặt đất của tiêm kích này rất hạn chế. Các phiên bản nâng cấp của Nga có thể mang vũ khí tấn công mặt đất nhưng đó chỉ là nhiệm vụ thứ yếu.

MiG-29, át chủ bài của Không quân Triều Tiên là một tiêm kích thiên về nhiệm vụ không chiến. Ảnh: KCNA.

Ngoài ra, MiG-29 có phạm vi hoạt động tương đối ngắn, tầm bay với tối đa nhiên liệu khoảng 1.400 km, nếu mang thêm 2 thùng nhiên liệu phụ trợ, tầm bay tăng lên khoảng 2.100 km. MiG-29 các phiên bản cũ không có khả năng tiếp nhiên liệu trên không.

Trong khi đó, tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet hoạt động trên tàu sân bay Mỹ có bán kính chiến đấu khoảng 722 km, tầm bay tối đa khoảng 2.300 km. Ngoài ra, tiêm kích Mỹ còn có khả năng tiếp nhiên liệu trên không để tăng phạm vi hoạt động.

Tàu sân bay Mỹ luôn hoạt động ở khoảng cách khá xa so với đường bờ biển đối phương và di chuyển liên tục nên các tiêm kích MiG-29 của Triều Tiên khó có thể tiếp cận do không đủ nhiên liệu. Ngoài ra, để tiếp cận được tàu sân bay Mỹ, MiG-29 phải vượt qua nhiều lớp bảo vệ.

Nếu MiG-29 có thể vượt qua được lớp bảo vệ vòng ngoài, nó sẽ phải đối mặt với hệ thống phòng thủ Aegis trên các chiến hạm hộ tống cho tàu sân bay. Các tàu hộ tống cho hàng không mẫu hạm Mỹ được trang bị tên lửa Standard Missile có thể tiêu diệt mục tiêu trên không ở cự ly hàng trăm kilomet.

Lớp phòng thủ cuối cùng là các hệ thống phòng không tầm thấp lắp trên tàu sân bay. Mỗi tàu sân bay lớp Nimitz được lắp 3 hoặc 4 cụm phóng tên lửa RIM-7 Sea Sparrow với tầm bắn 50 km, 3-4 hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx 20 mm. Như vậy với 3 lớp phòng thủ, cơ hội để MiG-29 có thể tiếp cận hàng không mẫu hạm Mỹ là cực kỳ thấp.

Cán cân quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Đồ họa: Forbes.

Tên lửa kém chính xác

Bình Nhưỡng sở hữu kho tên lửa khá đa dạng từ tầm ngắn, tầm trung và có thể cả liên lục địa. Tuy nhiên, chúng phần lớn là tên lửa đạn đạo, có quỹ đạo bay hình elip sử dụng hệ thống dẫn hướng quán tính lạc hậu nên sai số trượt mục tiêu rất lớn.

Những tên lửa này chỉ phù hợp để tấn công các mục tiêu cố định như căn cứ, kho tàng, bến bãi. Trong khi tàu sân bay Mỹ là một mục tiêu di chuyển liên tục nên khả năng tấn công bằng tên lửa đạn đạo là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Một vụ phóng thử tên lửa chống hạm của Triều Tiên rất giống Kh-35 của Nga. Ảnh: Business Insider.

Triều Tiên cũng có một số tên lửa chống hạm KN-1 (phiên bản của tên lửa chống hạm P-15 của Liên Xô sản xuất tại Triều Tiên). Tên lửa này có tầm bắn khoảng 110-160 km. Trong tháng 2/2015, báo Rodong Sinmun đưa tin Triều Tiên tiến hành thử nghiệm một loại tên lửa chống hạm mới có thiết kế rất giống Kh-35 của Nga.

Jeffrey Lewis, thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Monterey, California cho biết tên lửa này được thiết kế để nhắm mục tiêu tàu sân bay Mỹ. Tên lửa có tầm bắn khoảng 130 km và được lắp trên các tàu tên lửa tốc độ cao.

Triều Tiên có thể sử dụng đội tàu tên lửa tốc độ cao để tấn công tàu sân bay Mỹ. Tuy nhiên, khả năng thành công là rất thấp vì nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ có năng lực tấn công và phòng thủ rất mạnh.

Tiêm kích F/A-18E/F có thể mang tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon tầm bắn trên 200 km. Mỗi tàu hộ tống cho hàng không mẫu hạm mang theo 8 tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon tầm bắn trên 130 km, có thể tiêu diệt đội hình tấn công trước khi kịp khai hỏa.

Nếu đội hình tấn công của Triều Tiên có thể phóng tên lửa chống hạm về tàu sân bay Mỹ, đội hình tàu hộ tống với hệ thống chiến đấu Aegis tối tấn có thể đánh chặn các tên lửa trước khi gây nguy hiểm cho tàu sân bay.

Hải quân Triều Tiên có hạm đội tàu ngầm đông đảo khoảng 72 chiếc nhưng phần lớn là tàu ngầm mini, phạm vi hoạt động rất ngắn khó có thể tiếp cận hàng không mẫu hạm Mỹ hoạt động ngoài khơi xa. Ngoài ra, những tàu ngầm này còn phải đối mặt với hệ thống tác chiến chống ngầm tinh vi của Mỹ.

Vũ khí Triều Tiên nguy hiểm nhất đối với hàng không mẫu hạm Mỹ là bom hạt nhân có thể lắp trong các tên lửa đạn đạo. Một vụ nổ hạt nhân có thể hủy diệt cả hạm đội Mỹ cho dù nó không đánh trúng vào tàu sân bay.

Tuy nhiên, việc sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công tàu sân bay Mỹ, điều này chắc chắn dẫn đến phản ứng đáp trả quyết liệt từ Washington và có thể kéo cuộc chiến hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên với hậu quả vô cùng thảm khốc.

Tóm lại, nếu chỉ sử dụng lực lượng thông thường, khả năng Bình Nhưỡng có thể gây nguy hiểm cho tàu sân bay Mỹ là rất thấp.

Quốc Việt

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/trieu-tien-co-du-nang-luc-tan-cong-tau-san-bay-my-post740403.html