Triều Tiên bổ nhiệm tân Bộ trưởng Ngoại giao

Việc bổ nhiệm một Ngoại trưởng mới cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị có những thay đổi đáng chú ý trong chính sách đối ngoại của nước này trong năm 2020.

Chủ nhật tuần trước, Triều Tiên đã thông báo cho các đại sứ quán nước ngoài có trụ sở tại Bình Nhưỡng về việc bổ nhiệm ông Ri Son-gwon làm Ngoại trưởng mới của nước này, thay thế cho ông Ri Yong-ho.

Ngoại trưởng Ri Son-gwon, một cựu sĩ quan quân đội, đã từng giữ chức chủ tịch Ủy ban Thống nhất Hòa bình đất nước, chức vụ tương đương Bộ trưởng Bộ Thống nhất của Hàn Quốc.

Ông Ri là người đứng đầu phái đoàn Triều Tiên trong các cuộc hội đàm cấp cao gần đây với Hàn Quốc, bao gồm cuộc gặp vào tháng 8 năm 2018 dẫn đến hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra vào tháng 9 cùng năm.

Ngoài những cuộc đàm phán cấp cao với miền Nam, hiện có rất ít thông tin liên quan tới kinh nghiệm đối ngoại của ông Ri.

Việc ông Ri được bổ nhiệm diễn ra sau khi Hàn Quốc đổi mới cam kết cải thiện quan hệ liên Triều trong bối cảnh các cuộc đàm phán bị đình trệ giữa Mỹ và Triều Tiên và có một khoảng cách lớn giữa chính quyền Seoul và Washington về cách tiếp cận với vấn đề Bình Nhưỡng.

"Có thể lạc quan khi nói quyết định bổ nhiệm thể hiện sự mở cửa ngoại giao cho Hàn Quốc và Mỹ, việc thay đổi nhân sự của Triều Tiên dường như ít khiêu khích hơn so với việc trưng bày vũ khí chiến lược mới", ông Leif-Eric Easley, PGS tại Đại học Ewha Womans ở Seoul, cho biết.

Trong bài phát biểu năm mới, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đề nghị hai miền Triều Tiên nỗ lực phối hợp để tạo điều kiện cho Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đến thăm Hàn Quốc theo thỏa thuận.

Ông Moon cũng tái khẳng định cam kết của mình trong việc thúc đẩy nối lại hai dự án lớn liên Triều - tổ hợp công nghiệp Kaesong và tour du lịch Núi Kumgang, cũng như dự án tái kết nối hệ thống đường bộ và đường sắt nối liền hai quốc gia.

Việc thay thế ông Ri Yong-ho, một nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm đàm phán với Mỹ, được diễn ra trong bối cảnh chính quyền Bình Nhưỡng liên tục tuyên bố sẽ không đối thoại với Washington về vấn đề phi hạt nhân hóa.

Các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng đã bị đình trệ kể từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai diễn ra tại Hà Nội kết thúc mà không có thỏa thuận nào.

Triều Tiên tuyên bố sẽ không quay lại đối thoại cho đến khi Mỹ hoàn toàn chấp nhận yêu cầu của mình và rút lại cái mà họ gọi là "chính sách thù địch" chống lại Triều Tiên.

Đầu tháng này, Chủ tịch Kim Jong-un nói rằng ông không thấy có lý do gì để tuân thủ cam kết đình chỉ các vụ thử tên lửa tầm xa và hạt nhân và sẽ sớm giới thiệu một "vũ khí chiến lược mới", cáo buộc Mỹ kéo dài các cuộc đàm phán để phục vụ mục đích chính trị đối nội.

Việc thay thế nhân sự cấp cao của Triều Tiên dường như cũng có liên quan đến sự trở lại gần đây của một số đại sứ đang công tác tại nước ngoài.

Đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc Ji Jae-ryong và Đại sứ Liên Hợp Quốc Kim Song được bắt gặp trên đường trở về quê nhà từ cuối tuần này, làm dấy lên suy đoán về một cuộc triệu tập các quan chức ngoại giao cấp cao.

Nhà ngoại giao Ri Yong-ho đã đảm nhận vị trí Ngoại trưởng Triều Tiên trong suốt 4 năm qua. Ông Ri đã tháp tùng Chủ tịch Kim Jong-un trong hai lần gặp mặt mới nhất với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội và Bàn Môn Điếm.

Vị cựu Ngoại trưởng này đã không xuất hiện trong bức ảnh chụp phiên họp cuối cùng của toàn thể của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên vào ngày 31/12 năm 2019.

Bắc Hiệp

Theo Yonhap

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/the-gioi/trieu-tien-bo-nhiem-tan-bo-truong-ngoai-giao-164268.html