Triều Tiên: Bài học đắt giá cho bóng đá Việt Nam

Bóng đá Triều Tiên dường như đang lâm vào một cuộc khủng hoảng mới khi để thua Việt Nam ở các cấp độ khác nhau, từ U19 châu Á đến giao hữu.

Không bàn đến sự thăng tiến chuyên môn của bóng đá Việt Nam, có thể nói Triều Tiên hiện nay thi đấu không khác một đội bóng ở khu vực Đông Nam Á. Thế kỷ trước, Triều Tiên từng lọt vào đến tứ kết World Cup 1966. Nhưng chỉ sau đó 4 năm, họ bỏ cuộc và chỉ trở lại đấu trường lớn nhất thế giới năm 2010. Phải chăng bóng ma quá khứ đang ám ảnh đội tuyển bí ẩn nhất hành tinh này?

1. Lần giở lại những trang sử

Năm 1966, ĐTQG Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên lần đầu tham dự Cúp bóng đá Thế giới. Tân binh của giải đấu này ngay lập tức gây sốc khi đánh bại Italia để giành quyền vào tứ kết. Họ chỉ chịu dừng bước trước Bồ Đào Nha với tỷ số 5-3. Thực ra, Triều Tiên đã thua một cá nhân của Brazil châu Âu, Eusebio. Viên ngọc đen tỏa sáng rực rỡ khi ghi đến 4 bàn như một lời tiễn biệt đối thủ vùng Viễn Đông xa xôi. Tuy vậy, Triều Tiên vẫn ghi tên mình là đội bóng châu Á đầu tiên lọt qua vòng bảng một kỳ World Cup.

Eusebio ghi 4 bàn, chấm dứt giấc mộng World Cup của Triều Tiên trong 44 năm. Ảnh: Internet.

Bóng đá Triều Tiên tiếp tục gắn liền với những con số 6. Ở Thế Vận Hội năm 1976, họ cũng vượt qua khe cửa hẹp để tiến vào vòng tứ kết và thúc thủ trước Ba Lan với tỷ số 5-0. Triều Tiên tiếp tục tinh thần và ý chí kém cỏi trong chiến dịch giành vé đến World Cup 2006. Họ đụng độ Iran để chiến đấu cho cánh cửa hẹp đến Đức. Trong trận đấu đó, các CĐV Triều Tiên có hành động không đẹp khi ném chai lọ vào sân do trọng tài từ chối quả penalty của đội nhà. Triều Tiên sau đó mất quyền tổ chức trận đấu và phải đá với Nhật Bản trên sân trung lập.

Và Chollima (biệt danh của tuyển Triều Tiên) đã phải đợi đến 44 năm để một lần nữa dược đứng trên sân khấu thế giới. Hẳn nhiều người còn nhớ đến những giọt nước mắt của Jong Tae-Se khi bài quốc ca vang lên trong trận Triều Tiên gặp Brazil. Nhưng đó chỉ là khởi đầu cho những giọt nước mắt mới của bóng đá Triều Tiên.

Lại một lần nữa họ bị một Brazil, lần này là phiên bản chính hãng, đánh gục đến nỗi không thể gượng dậy. Từ đó đến nay, khán giả lại chứng kiến một Triều Tiên bạc nhược, thiếu quyết tâm và ý chí sắt đá từng làm nên thành công vang dội trong quá khứ.

2. Nguyên nhân của sự sa sút

Bóng đá Triều Tiên rất có tiềm năng. Song do không được hoạch định phát triển đúng đắn nên nước này chỉ vụt sáng 1 thời gian rồi tắt lịm. Hơn nữa, yếu tố kinh tế cũng tác động không nhỏ đến nền bóng đá Triều Tiên. Do có điều kiện tập luyện và thi đấu không bằng những cường quốc bóng đá khác, Triều Tiên nỗ lực đi lên bằng cố gắng cá nhân. Nhưng vì khép mình với thế giới, họ chậm thay đổi và tụt hậu ở phía sau.

Giọt nước mắt của Jong Tae-Se báo hiệu chu kỳ đi xuống của bóng đá Triều Tiên. Ảnh: Internet.

Bóng đá ngày nay là bóng đá quốc tế hóa. Một đội bóng vô địch năm nay thì ngay năm sau đã bị bắt bài và đánh bại. Huống chi, bóng đá Triều Tiên không biết phải làm gì mỗi khi vấp ngã do thiếu định hướng và đầu tư.

Mới đây, bóng đá Triều Tiên tuyên bố quyết tâm học tập bóng đá Đức một cách triệt để và toàn diện. Nhưng lẽ ra, họ nên tìm kiếm hình mẫu cho mình ngay từ thất bại năm 2010. Một thế hệ cầu thủ tài năng của Triều Tiên sắp sửa trôi đi cùng những giọt nước mắt của Jong Tae-Se và họ vẫn chưa sẵn sàng để xưng bá cùng các cường quốc bóng đá.

3. Kết: Bài học đắt giá cho Việt Nam chúng ta

Không khó để tìm ra những điểm tương đồng giữa bóng đá Việt Nam và Triều Tiên. Chúng ta cũng đắm chìm trong những thắng lợi lịch sử như vô địch AFF Cup 2008, đánh bại Hàn Quốc 1-0 với lứa Văn Quyến. Và sau tất cả, chúng ta lại đắm chìm trong đêm dài tăm tối không có lối ra. Mới đây, chúng ta cũng tuyên bố học tâp Đức dù thật ra, chúng ta đã học Đức từ khi tái hòa nhập với bóng đá khu vực năm 1996 với cái tên Weigang rồi. Việt Nam và Triều Tiên, cứ quanh quẩn như vậy và không có lối thoát.

Bóng đá Việt Nam sẽ bay cao hay đắm chìm trong ảo vọng khi sau khi thắng Triều Tiên?. Ảnh: Internet.

Lẽ ra, chúng ta phải đứng dậy sau thất bại 1998 và trở về mặt đất sau thắng lợi 2008. Nhìn lại mình có gì, chưa đạt được gì và tìm cầu minh sư chỉ điểm. Bóng đá Việt Nam ngồi chờ đợi lứa cầu thủ tài năng của HAGL trưởng thành và tiếp tục án binh bất động. Trong khi đó, dòng chảy của bóng đá thế giới vẫn tiếp tục sục sôi. Vừa trở thành nhà vô địch thế giới năm 2014, Đức tủi nhục chịu thua Pháp ở EURO 2016.

Triều Tiên đắm chìm trong thất bại và mất 44 năm để trở lại World Cup. Còn Việt Nam vừa đánh bại Triều Tiên ở hai cấp đội tuyển. Vậy, liệu chúng ta mất bao lâu để một lần được bước ra sân khấu bóng đá thế giới?

Túc Cầu - Thể Thao Việt Nam | 15:21 15/10/2016

Nguồn Bóng Đá: http://www.bongda.com.vn/trieu-tien-bai-hoc-dat-gia-cho-bong-da-viet-nam-d363476.html