Triều cường tiếp tục gây ngập nhiều khu vực tại TP Hồ Chí Minh

Chiều tối 30-9, tại một số khu vực giáp sông, địa hình thấp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bị ngập nước do triều cường lên cao, vượt mức báo động 3.

Ghi nhận tại khu vực Thanh Đa (quận Bình Thạnh), khoảng gần 17 giờ, nước bắt đầu dâng cao và tràn từ sông Sài Gòn vào các khu bên trong. Tại đường Nguyễn Khoái, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Tất Thành (quận 4), triều cường đã gây ngập khiến nhiều phương tiện di chuyển khó khăn, bị tắt máy. Tương tự, khu vực phường Thảo Điền (quận 2), các tuyến đường Quốc Hương, Xuân Thủy... cũng bị ngập. Trên địa bàn quận Bình Tân, triều cường dâng cao khiến một đoạn tuyến Quốc lộ 1A, Kinh Dương Vương, Hồ Học Lãm… cũng bị ngập khiến giao thông qua lại gặp nhiều khó khăn. Ngập nặng nhất là một số khu vực thuộc quận 7, huyện Nhà Bè do vị trí thấp, tiếp giáp sông Soài Rạp, sông Sài Gòn và nhiều tuyến kênh.

 Tối 30-9, triều cường vẫn gây ngập tuyến đường Trần Xuân Soạn, quận 7.

Tối 30-9, triều cường vẫn gây ngập tuyến đường Trần Xuân Soạn, quận 7.

Cùng ngày, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành công văn khẩn số 160/PCTT tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó đợt triều cường cuối tháng 9, đầu tháng 10 – 2019. Công tác thông tin kịp thời diễn biến của triều cường đến người dân, doanh nghiệp, huy động sự vào cuộc của các ngành, các cấp, LLVT trong triển khai các giải pháp chủ động ứng phó được tập trung thực hiện.

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, triều cường ở TP Hồ Chí Minh đạt đỉnh kỷ lục mới, mực nước tại trạm Phú An có thể đạt khoảng 1,75m và trạm Nhà Bè đạt khoảng 1,77m, vượt báo động 3 (1,5m). Ngoài ra, tại TP Hồ Chí Minh, mây đối lưu gây mưa rào và dông kết hợp với triều cường nên mực nước dâng cao có thể duy trì trong vài ngày tới.

Triều cường ảnh hưởng lớn đến giao thông khu vực Phú Định, quận 8, TP Hồ Chí Minh.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: “Thành phố yêu cầu tất cả quận, huyện, ban, ngành phát huy sự chủ động cao nhất để tập trung ứng phó với triều cường. Các hộ dân tùy vào tình hình thực tế nên sử dụng các biện pháp phòng tránh, giảm thiệt hại tài sản và bảo đảm an toàn. Thành phố có rất nhiều kênh rạch, về lâu dài, mỗi kênh, khu vực sẽ có phương án riêng để xử lý, không có phương án chung vì có sự khác biệt… Đối với những khu vùng lõm như quận 8, quận 7, huyện Nhà Bè, thành phố sẽ tập trung xây dựng đê kè và cơ sở hạ tầng để cải thiện”.

Tin, ảnh: HÙNG KHOA – THƯ LÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/trieu-cuong-tiep-tuc-gay-ngap-nhieu-khu-vuc-tai-tp-ho-chi-minh-592422