Triều cường gây ngập lụt tại các tỉnh phía nam

Sáng 28-9, triều cường dâng cao khiến nhiều tuyến đường như: Cách Mạng Tháng Tám, Phạm Ngũ Lão, Trần Việt Châu, Huỳnh Cương, Lý Tự Trọng… ở TP Cần Thơ ngập nặng. Nhiều nhà dân sinh sống ven sông Hậu và ven một số kênh, rạch bị nước tràn vào nhà ảnh hưởng đến sinh hoạt.

Sáng 28-9, triều cường dâng cao khiến nhiều tuyến đường như: Cách Mạng Tháng Tám, Phạm Ngũ Lão, Trần Việt Châu, Huỳnh Cương, Lý Tự Trọng… ở TP Cần Thơ ngập nặng. Nhiều nhà dân sinh sống ven sông Hậu và ven một số kênh, rạch bị nước tràn vào nhà ảnh hưởng đến sinh hoạt.

Còn tại Vĩnh Long, ngày 28-9 nước lũ dâng cao khiến các tuyến đường ở TP Vĩnh Long như: Hoàng Thái Hiếu, Hưng Ðạo Vương, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai… ngập sâu, gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Nước lũ đổ về mạnh những ngày qua gây sạt lở ở các địa phương đầu nguồn huyện Hồng Ngự (Ðồng Tháp). Mới đây, tuyến đê bao kết hợp đường nội đồng Trà Ðư - Cây Da đi qua xã Thường Lạc bị nước lũ phá lở một đoạn dài hơn 20m.

* Theo dự báo, mực nước đỉnh triều tại các trạm Phú An (sông Sài Gòn), Nhà Bè (kênh Ðồng Ðiền) có khả năng đạt mức 1,65 đến 1,70 m, trên báo động 3 từ 0,15 đến 0,20 m. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh yêu cầu các quận, huyện thông báo diễn biến đợt triều cường để nhân dân ứng phó; chuẩn bị lực lượng, vật tư ứng phó với sự cố có thể xảy ra. Dự báo, mưa lớn kết hợp triều cường gây tràn bờ, ngập lụt vùng trũng thấp ven sông Sài Gòn cho nên tỉnh Bình Dương yêu cầu các địa phương kiểm tra và gia cố các đoạn đê bao, bờ bao, khả năng bị vỡ, tràn tránh ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

* Ðài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Bến Tre dự báo, đợt triều cường từ nay đến ngày 3-10, mực nước đỉnh triều cao nhất hằng ngày trên các sông và kênh rạch lên nhanh và ở mức cao, có nơi rất cao. Vì vậy, các địa phương, đặc biệt là các khu vực trũng thấp, ven sông, ven biển cần chủ động ứng phó.

* Ở các huyện Ðác Ðoa, Ia Grai… (Gia Lai) hiện có hơn 70 ha cà-phê có hiện tượng rụng quả. Hiện nay đang là mùa mưa cho nên dễ xảy ra rụng quả non sinh lý hoặc sâu bệnh gây hại. Vì vậy, cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo nông dân cần áp dụng đồng bộ các giải pháp phòng trừ bệnh rụng quả, phòng trừ sâu bệnh để bảo đảm năng suất. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có gần 300 ha cây tiêu nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm, rệp sáp, tuyến trùng. Cơ quan chuyên môn đang hướng dẫn nông dân vệ sinh vườn tiêu nhằm tránh lây lan các loại bệnh ra diện rộng. Tại huyện Cẩm Mỹ (Ðồng Nai), năng suất tiêu năm nay dự kiến chỉ đạt 1,5 đến 2 tấn/ha, giảm từ 30 đến 50% so với các năm trước. Nguyên nhân là thời tiết bất lợi khi cây ra hoa đậu trái; một số vườn bị sâu, nấm tấn công. Cùng với đó, giá tiêu xuống thấp, nhiều nông dân không dám đầu tư.

Thời gian qua, tại Vĩnh Long có 2.752 ha lúa thu đông nhiễm sâu bệnh. Trong đó, 1.065 ha nhiễm bệnh đạo ôn, 782 ha nhiễm bệnh cháy bìa lá... Dự báo thời gian các đối tượng tiếp tục gây hại trên lúa, vì vậy bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên để xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng đến năng suất.

* Ngày 28-9, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết vừa ứng cứu và tiếp nhận sáu ngư dân gặp nạn trên biển vào bờ an toàn. Trước đó, ngày 27-9 tàu cá QB 93455-TS với sáu ngư dân đang khai thác trên biển thì bị chìm, được một tàu cá gần đó ứng cứu. Hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam cho biết, đang báo cáo tới đơn vị tìm kiếm cứu nạn và các tàu cá gần tàu cá BÐ 91379 TS với 12 ngư dân đang bị nạn để ứng cứu kịp thời. Trước đó, ngày 27-9 tàu cá này đang khai thác hải sản trên biển, cách Nha Trang khoảng 143 hải lý bị hỏng máy, thả trôi.

* Công ty TNHH Chứng khoán YUANTA Việt Nam (TP Hồ Chí Minh) vừa đến trao các suất quà trị giá 200 triệu đồng tặng cho người dân vùng lũ Hương Khê (Hà Tĩnh). Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) cùng vừa trao 200 triệu đồng hỗ trợ trẻ em vùng bị thiệt hại do mưa lũ tại Quảng Bình và Quảng Trị.

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định xuất cấp không thu tiền 15 tấn Chloramine B và 15 triệu viên Aquatabs 67 mg từ nguồn dự trữ quốc gia cho Bộ Y tế và 2 tỉnh: Thanh Hóa, Kiên Giang để phòng, chống dịch bệnh sau bão, lũ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về số liệu báo cáo. Bộ Y tế và hai tỉnh tiếp nhận, sử dụng số hóa chất sát khuẩn nêu trên theo quy định.

Tổng cục Thống kê cho biết, từ đầu năm đến nay, thiên tai làm 116 người chết và mất tích, 164 người bị thương, 1.421 nhà dân bị sập đổ, cuốn trôi; hơn 59,6 nghìn nhà dân bị tốc mái và hư hỏng; 63,3 nghìn ha lúa và gần 19 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 4,6 nghìn tỷ đồng.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41723502-trieu-cuong-gay-ngap-lut-tai-cac-tinh-phia-nam.html