Triệu chứng, con đường lây và điều trị bệnh tay chân miệng

Năm nay bệnh tay chân miệng tiếp tục có xu hướng tăng bằng so với cùng kỳ các năm. Các chuyên gia y tế cảnh báo bệnh đang vào mùa, có xu hướng lây lan nhanh nếu không thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng ngừa.

Bệnh tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng.

Bệnh tay – chân – miệng (tên tiếng Anh là Hand, Foot, and Mouth Disease) là bệnh nhiễm siêu vi thường gặp ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, nhưng cũng có thể gặp ở người trưởng thành. Thường gặp nhất là do coxsackie virus, đôi khi do enterovirus 71 và các enterovirus khá. Triệu chứng gồm có sốt, nổi các mụn nước hoặc vết phồng rộp bên trong miệng và ngoài da. Khác với bệnh lở mồm long móng (foot and mouth disease) là bệnh ở trâu bò, cừu, heo. Bệnh thường xảy ra quanh năm, cao điểm khoảng tháng 2 – 4 và tháng 9 – 12.

Triệu chứng của bệnh tay chân miệng ban đầu dấu hiệu thường khởi phát với sốt, ăn kém ngon, mệt mỏi và đau họng; 1 hoặc 2 ngày sau thường xuất hiện các vết loét đau bên trong miệng và họng (khởi phát là những chấm nhỏ màu đỏ, sau đó phồng rộp lên và vỡ ra thành các vết loét), vị trí thường ở trên lưỡi, nướu răng, mặt trong má; phát ban da sau đó 1-2 ngày, không ngứa, thường là phẳng hoặc gồ lên, đôi khi phồng rộp, vị trí thường ở lòng hay lưng bàn tay, lòng bàn chân, đôi khi ở mông hay vùng sinh dục. Mụn nước ở da có đường kính 2-10 mm, hình bầu dục hoặc hơi tròn, nổi lên hay ẩn dưới da trên nền hồng ban, không đau, khi mụn nước khô để lại vết thâm da. Có thể chỉ có triệu chứng phát ban hoặc chỉ đau họng.

Phân độ nặng của bệnh:

+ Độ 1: chỉ có loét miệng hoặc/và tổn thương ở da

+ Độ 2: run cơ, hốt hoảng, chới với

+ Độ 3: yếu liệt chi, liệt các dây thần kinh sợ, co giật, hôn mê

+ Độ 4: tăng huyết áp, trụy mạch, suy hô hấp, phù phổi.

Biến chứng của tay chân miệng người bệnh có thể gặp các biến chứng nặng như viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, hội chứng giống bại liệt. Các biến chứng này có tỉ lệ tử vong cao và diễn tiến rất nhanh, có thể trong 24h.

Hiện nay, siêu vi rút gây tay chân miệng được tìm thấy trong dịch tiết mũi họng, nước bọt, dịch từ các mụn nước và trong phân. Bệnh lan truyền từ người sang người qua các tiếp xúc trực tiếp. Đường lan truyền thường gặp nhất là qua bàn tay và các bề mặt bị nhiễm.

Thời gian ủ bệnh 3 – 7 ngày. Người nhiễm bệnh có khả năng lây truyền siêu vi cao nhất trong tuần đầu tiên, tuy nhiên khả năng lây truyền, thải mầm bệnh ra ngoài môi trường vẫn còn tiếp diễn nhiều tuần sau đó. Siêu vi xâm nhập cơ thể qua niêm mạc miệng hay ruột vào hệ thống bạch huyết và phát triển rất nhanh, gây ra các tổn thương của cơ thể.

Cần lưu ý là người nhiễm siêu vi không triệu chứng cũng có khả năng lan truyền mầm bệnh, và bệnh không lan truyền qua các thú nuôi. Trong một đợt dịch bệnh, trẻ có thể mắc bệnh tái phát nhiều lần cho đến sau 5 tuổi mới có miễn dịch hoàn toàn với bệnh.

Điều trị bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc đặc trị đặc hiệu, điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng. Có thể điều trị tại nhà cho các trẻ bị bệnh tay-chân-miệng độ 1.

Nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế vận động, tăng cường dinh dưỡng, dùng thức ăn lỏng, mềm, uống nhiều nước nhất là nước hoa quả. Hạ sốt, giảm đau: lau mình bằng nước ấm, dùng paracetamol 10-15 mg/kg cân nặng/ mỗi 4-6 giờ. Vệ sinh răng miệng bằng cách cho trẻ súc miệng với nước muối pha loãng hoặc betadin loại súc miệng.

Người bệnh cần vệ sinh thân thể. Không cạy vỡ các bóng nước để tránh làm nhiễm trùng các mụn nước. Sử dụng thêm các sinh tố C, sinh tố PP, sinh tố A và kẽm theo toa bác sĩ để hỗ trợ cho da, niêm mạc mau lành.

Có thể sử dụng kháng sinh theo toa bác sĩ khi có bội nhiễm. Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 7 ngày đầu của bệnh.

Theo dõi các dấu hiệu nặng: Khi có một trong các triệu chứng như sốt cao trên 39 độ, giật mình, hốt hoảng, quấy khóc, bứt rứt, run chi, co giật, da nổi bông, nôn ói nhiều thì cần đưa trẻ vào bệnh viên ngay.

K. Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/trieu-chung-con-duong-lay-va-dieu-tri-benh-tay-chan-mieng-post316228.info