Triệt tiêu động lực TPHCM?

Việc TPHCM kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách giữ lại từ 18% giai đoạn năm 2018-2020 lên 24% giai đoạn 2021-2025 và 33% giai đoạn 2026-2030 (tương đương mức của năm 2003), theo tôi là hoàn toàn phù hợp.

Bởi tỷ lệ 18% hiện nay đang là mức thấp nhất trong số 16 địa phương có điều tiết về Trung ương như Hà Nội được giữ lại 35%, Bình Dương 36%, Đà Nẵng 68%, Hải Phòng 78%... Có như vậy mới giải quyết nhiều việc mà hiện nay TPHCM không hoặc khó làm được do thiếu tiền như ngập lụt, tắc đường…

Nguồn lực cho TPHCM không đủ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển. Việc này không chỉ gây thiệt hại cho TPHCM mà còn thiệt hại chung cho cả nền kinh tế, bởi TPHCM được coi là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Sở dĩ vấn đề tăng tỷ lệ giữ lại cho ngân sách TPHCM được nhiều người quan tâm là vì hiện có những quan điểm khác nhau. Có quan điểm rằng, TPHCM cần sự chia sẻ với cả nước, nhất là những địa phương nghèo. Bởi nếu không có sự san sẻ những địa phương khó sẽ càng khó hơn do nhiều địa phương thu không thể bù được chi.

Song cần phải rất rõ ràng vấn đề thế nào là chia sẻ? Tôi cho rằng tạo điều kiện cho TPHCM phát triển chính là chia sẻ cho TPHCM và để cả nước cùng tiến lên. Nếu tỷ lệ ngân sách địa phương giữ lại quá thấp sẽ làm cho TPHCM mất đi động lực, còn chia sẻ cho các địa phương khác hưởng lợi nhưng cả nước sẽ bị thiệt.

Dù việc chia sẻ với những tỉnh nghèo, khó khăn là có lý do, nhưng cần có sự cân nhắc về giới hạn của chia đều như thế nào để bảo đảm tính hiệu quả.

Đừng nghĩ rằng tăng tỷ lệ giữ lại là để TPHCM hưởng cao hơn những địa phương khác, mà nên hiểu việc đó giúp TPHCM giải tỏa những điểm nghẽn, từ đó bứt lên, phát triển, tạo tác động lan tỏa, kéo cả đoàn tàu đi. Cách tiếp cận của chúng ta lâu nay coi TPHCM như các địa phương khác, anh giàu thì bớt giữ lại để san sẻ cho nơi khác.

Cách nhìn nhận như vậy là phiến diện, tầm nhìn hạn hẹp. Tôi cho rằng, TPHCM có nhiều năng lực nên nếu giải phóng được kinh tế TPHCM nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung sẽ bứt lên rất nhanh.

Chính vì vậy, việc TPHCM muốn tăng tỷ lệ giữ lại theo lộ trình từ 18% lên 33% là chính đáng. Xin nhắc lại, sự chính đáng này không phải vì TPHCM đóng góp nhiều cho ngân sách, mà quan trọng hơn là tạo động lực cho đầu tàu mạnh lên, theo đúng tinh thần nghị quyết của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, điều quan trọng nữa là tạo cho TPHCM những cơ chế tự chủ hơn để chủ động sáng tạo trong giải quyết vấn đề của mình. Nếu các cơ chế cứ phải “xin - cho” và chặt chẽ quá, trong bối cảnh TP có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, vô hình chung lại trở thành thứ cản trở. Do vậy câu chuyện ở đây không phải là vấn đề xin thêm tỷ lệ giữ lại, mà kéo theo đó là cả những quy định khác để TP vận hành tốt hơn.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TPHCM. Song đến nay đã ban hành được 2 năm nhưng khi thực hiện vẫn còn có nhiều điểm tắc nghẽn vì nhiều lý do. Tôi cho rằng, việc tính toán, đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết, giữ lại cho TPHCM thời điểm này là cách tháo gỡ tốt nhất nhằm thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội. Đó là yêu cầu thiết thực nhất.

Chúng ta nên đặt vấn đề sự phát triển của TPHCM là lợi ích chung trong sự phát triển của cả nước, và cần thay đổi quan điểm giàu rồi thì bớt cho các tỉnh nghèo. Bởi suy nghĩ chia đều như thế đến một giới hạn nào đó sẽ triệt tiêu mất động lực của TPHCM.

NGỌC QUANG (ghi)

PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/triet-tieu-dong-luc-tphcm-75154.html