'Triệt' Nga -Trung Quốc, Mỹ châm lửa 3 điểm nóng

Washington đang hướng đến một kế hoạch chiến tranh toàn cầu. Đó là kết luận mà người ta rút ra từ 3 cuộc chiến hiện nay mà Mỹ đang can dự.

Mỹ giết 100 lính thuộc quân đội chính phủ Syria trong trận tấn công vào Deir Ezzor.

Hiện nay Mỹ đang can dự vào ba cuộc chiến ở Syria, Triều Tiên và Ukraine. Những cuộc chiến này dù cách xa và có vẻ không liên quan đến nhau nhưng đều là biểu hiện kế hoạch chiến tranh toàn cầu của Mỹ.

Mới đây, Mỹ đã thực hiện cuộc tấn công tàn sát 100 lính thuộc quân đội chính phủ Syria bằng máy bay ở gần Deir Ezzor. Mỹ cùng với các đồng minh NATO đã kéo dài cuộc chiến ủy thác 7 năm nhằm thay đổi chế độ Assad- đồng minh của Nga.

Cuộc tấn công này chắc chắn không phải là lần đầu tiên quân Mỹ tấn công quân đội Syria. Nhưng lần này có vẻ rõ ràng hơn là quân đội Mỹ đang muốn thay đổi chế độ. Quân đội Mỹ đang hành động như một quân đội chiếm đóng, thách thức Nga – nước ủng hộ chế độ Assad ở Syria.

Bản đồ khu vực diễn ra vụ tấn công trong 3 giờ của Mỹ.

Dư luận quốc tế ngày càng lo ngại khi có nhiều báo cáo cho rằng các nhà thầu quân sự Nga đã bị thương vong trong cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu ở gần Deir Ezzor.

Ở Triều Tiên, Washington đang cố gắng tác động tới những nỗ lực ngoại giao giữa các nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng và Seoul. Mặc dù cuộc đối thoại liên Triều đang được tiến hành tích cực, Mỹ vẫn đang triển khai các máy bay ném bom B-52 và B-2 có khả năng hạt nhân trong khu vực, cùng với ít nhất 3 tàu sân bay trong trạng thái sẵn sàng.

Các máy bay B-2 cũng được trang bị bom tấn công hầm trú ẩn nặng 14 tấn- loại đầu đạn phi hạt nhân lớn nhất trong kho vũ khí của Mỹ, được thiết kế để phá hủy các kho tên lửa dưới lòng đất của Triều Tiên và hòng tấn công nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, cho dù tham gia Thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc mới đây cũng đã gửi đi thông điệp chiến tranh rõ ràng. Ông cho biết tình trạng bớt căng thẳng gần đây giữa Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ sớm kết thúc "khi ngọn đuốc Olympic bị dập tắt", tức là khi các trận đấu kết thúc vào cuối tháng 2.

Trong khi đó, ở miền đông Ukraine, có vẻ như Mỹ sắp sửa thúc đẩy Ukraine tấn công vào khu vực ly khai Donbass. Các thanh sát viên của Lầu Năm Góc được cho là đã đến Khu Liên lạc, khu vực tách biệt quân đội Kiev với quân ly khai thân Nga ở Donetsk và Lugansk. Tư lệnh quân đội lý khai Donetsk, ông Eduard Basurin, cảnh báo rằng việc các cố vấn quân sự từ Lầu Năm Góc và các nước NATO khác như Anh và Canada cho thấy quân đội Kiev do Mỹ ủng hộ đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công mới và0 Donbass.

Ngay cả các quan sát viên bình thường của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), chịu trách nhiệm giám sát cuộc ngừng bắn dọc Khu Liên lạc, gần đây đã bắt đầu báo cáo về sự gia tăng vũ khí hạng nặng của quân đội Kiev, vi phạm Thỏa thuận Minsk năm 2015.

Nếu quân đội Kiev do Mỹ hậu thuẫn tấn công Donbass vào tháng tới, có thể nó sẽ gây ra thương vong khổng lồ. Cuộc tiêu diệt toàn bộ người Nga mà quân đội Kiev thực hiện chẳng khác gì chủ nghĩa quốc xã mới, điều này sẽ kích động một cuộc can thiệp quy mô lớn của Nga. Có lẽ đó là điều mà các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang muốn gây ra, mà theo lời báo chí Phương Tây thì đó sẽ là “một cuộc xâm lược của Nga”.

Chuyên gia chính trị Mỹ, Randy Martin, cho rằng: “Không thể phủ nhận được là Washington đang mong muốn một cuộc chiến dựa trên ba cuộc chiến tranh trên toàn cầu hiện nay. Chuẩn bị cho chiến tranh thực tế chính là một cuộc chiến".

Ông cũng nói thêm: “Bạn cũng phải cân nhắc Bản báo cáo hạt nhân mới nhất được Lầu Năm Góc công bố đầu tháng này. Lầu Năm Góc đã tuyên bố công khai rằng họ coi Nga và Trung Quốc là mục tiêu và sẵn sàng sử dụng lực lượng hạt nhân để chiến đấu trong các cuộc chiến tranh thông thường, hay chống lại những gì Lầu Năm Góc coi là xâm lược".

Martin cũng không xác định được chính xác thì Mỹ muốn gì. “Dĩ nhiên tất cả đều là nhằm tìm cách thống trị toàn cầu, điều này cũng nhất quán với chủ nghĩa đế quốc của Mỹ như đã được thể hiện trong Học thuyết Wolfowitz sau Chiến tranh lạnh.”

“Nhưng vấn đề là Washington đặc biệt mong muốn điều gì từ Nga và Trung Quốc là câu hỏi. Rõ ràng nước này đang sử dụng lời đe dọa chiến tranh và xâm lược như một đòn bẩy. Nhưng không rõ là điều gì có thể ngăn cản Washington. Có lẽ Mỹ muốn thay đổi chế độ ở Nga, muốn Putin bị hất khỏi điện Kremlin bởi lực lượng thân phương Tây. Có lẽ Nga và Trung Quốc phải từ bỏ kế hoạch hội nhập kinh tế Á-Âu và từ bỏ kế hoạch bỏ đồng đô la trong quan hệ thương mại".

Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là Mỹ đang bắt tay vào một kế hoạch chiến tranh toàn cầu, điều này có thể nhận ra được từ những diễn biến gần đây ở Syria, Bán đảo Triều Tiên và Ukraine. Mỗi cuộc chiến này đều được coi như một điểm gây áp lực cho Nga hay Trung Quốc phải ngầm đồng ý cho tham vọng thống trị toàn cầu của Mỹ.

Hiện nay, Mỹ đang hành động bất chấp Hiến chương Liên Hợp Quốc và rất nhiều luật quốc tế khác. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu gì là sẽ đầu hàng. Đơn giản là vì tham vọng đơn cực của Mỹ khó có thể đạt được. Trật tự Thế giới sau Thế chiến II, trong đó Mỹ chiếm ưu thế trong gần 7 thập kỷ, đang trở nên lỗi thời vì trật tự quốc tế hiện nay đang chuyển sang hướng đa cực.

Khi Washington cáo buộc Mátxcơva và Bắc Kinh là "cố gắng làm thay đổi trật tự quốc tế để giành được lợi thế ", điều đó cũng có nghĩa là các nhà cầm quyền Mỹ đang lo lắng thời đại bá quyền Mỹ đang trên đà suy yếu.

Đặng Phương Thảo

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/triet-nga-trung-quoc-my-cham-lua-3-diem-nong-165277.html