Triết lý nhân sinh từ văn hóa trà đạo Nhật Bản

Lần ấy đến Osaka, nhân tiện mà tôi đặt một suất ở trà thất Maikoya, 5.500 Yên cho 2 tiếng thưởng trà có kèm Kimono. Trà thất Maikoya nằm trên đường Shinmachi, quận Nishi. Tôi đặt lịch hẹn 10h sáng mà đến muộn…

Trà đạo Nhật Bản được thực hiện theo tinh thần Hòa - Kính - Thanh - Tịch

Trà đạo Nhật Bản được thực hiện theo tinh thần Hòa - Kính - Thanh - Tịch

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, quận Nishi đã bị bom tàn phá tới 80%, nhưng giờ lại là một trong những khu dân cư dễ chịu nhất Osaka. Tôi cảm nhận điều đó qua những con đường lớn thẳng tắp nhà cao tầng và những ngõ nhỏ yên tĩnh, sạch sẽ, thực phù hợp cho một trà thất.

Thưởng trà, mặc Kimono: Nghi thức bí hiểm

Những cô gái mặc Yakata (một loại Kimono mùa hè, đơn giản hơn và ít lớp hơn, thường làm bằng chất liệu mát) đi guốc gỗ xuất hiện trên bậu cửa để đón khách. Maikoya có một phòng khách nhỏ bày bán các vật dụng phục vụ cho trà đạo và những gói trà đắt tiền, còn bên trong treo hàng trăm bộ Kimono. Họ phát cho tôi một bộ quần áo mặc lót trong bằng vải cotton trắng (gọi là “juban”), một đôi tất trắng có ngón và bảo tôi chọn lấy một bộ Yukata. Tôi khoác lên mình bộ xanh da trời có những bông hoa ly hồng vàng trắng, lại chọn thêm chiếc thắt lưng to tướng sậm vàng (gọi là “obi”).

Cũng như mãi sau này tôi mới biết Kim chi Hàn Quốc thực ra có tới hàng trăm loại, giờ thì tôi hay rằng “obi” có hơn trăm kiểu thắt và riêng Kimono cũng tới 8 loại. Loại khủng gồm đầy đủ phụ kiện lên tới vài chục nghìn USD, hòm hòm thì cũng cả nghìn. Uống trà mà phải ăn mặc cầu kỳ thế, hèn chi những người phương Tây sống đơn giản sợ chết khiếp, ngỡ đâu người Nhật ngày nào cũng thực hiện nghi thức bí hiểm này. Một nữ nhân của trà thất chỉ cho tôi chiếc ghế bàn phấn để bắt đầu làm tóc. Cô gái mặc Yukata màu đen hoa trắng tết tóc mai cho tôi rồi búi gọn đằng sau, lại đính điệu chiếc nơ vải xanh lúng liếng lên tóc. Xong rồi đấy, chúng tôi lịch kịch guốc gỗ lên tầng 3, giờ mới là lúc thưởng trà.

Múa trà: Tinh tế và an lạc

Tầng 2 của Maikoya là phòng trưng bày Samurai, còn trên nữa là trà thất. Người Nhật đã theo phong cách tối giản từ ngàn xưa, có lẽ là để thích nghi với hòn đảo hay động đất nên họ chả sắm đồ đạc gì trong nhà, nếu đất có rung lắc thì cũng không sợ đồ nặng đè chết người. Trà thất thì thậm chí còn đơn sơ hơn nữa. Tự cổ xưa, trà thất thường dựng riêng ngoài vườn, trong phòng chẳng bày thức gì ngoài bộ đồ trà, lư hương trầm cho thanh tịnh và cùng lắm là lọ hoa được cắm theo phong cách hoa đạo tối giản kiểu Ikebana. Vách tường trà thất là những khung gỗ dán giấy Shoji theo kiến trúc đặc trưng Nhật Bản. Trà thất, vì thế chẳng cần mở cửa sổ mà vẫn cứ sáng, loại ánh sáng phòng dịu dịu chứ không chói chang gắt nắng.

Giấy Shoji rõ là thay cho cái rèm. Khi mặt trời từ ngoài vườn chiếu qua khung gỗ, ánh sáng sẽ xuyên qua những thớ giấy, khiến vân giấy Shoji in lên một cảnh sắc yên bình mà tinh khiết. Khi các Samurai bước qua lối mòn trải đá và kéo cánh cửa gỗ trượt Shoji, thanh kiếm takana bỏ lại bên ngoài thì bụi trần và đẳng cấp cũng đã trút cả ngoài hiên. Trà thất Maikoya dù chẳng vườn tược gì nhưng cũng lặng yên trong ngõ nhỏ. Ngoài bộ đồ trà và tấm bình phong thấp hình chữ L để chắn gió khi đun trà, góc phòng cũng chỉ có một Tokonoma (phần trang trí hơi thụt vào trong so với vách tường, thường ở góc phòng) như truyền thống với tấm vải Kakejiku (bức vải trắng nền treo trong Tokonoma để tiện việc dán thư pháp hoặc tranh lên trên) in thư pháp.

8 miếng nệm vuông kê đối diện nhau sẵn sàng cho khách thưởng trà. Cô gái Nhật Bản mảnh mai trong bộ Yukata màu ghi giản dị bắt đầu nghi lễ hàng ngày của mình với các dụng cụ trà cao quý và bắt đầu múa trà. Thực vậy. Riêng cách nàng dùng chiếc khăn “fukusa” giắt trên thắt lưng rồi gấp rất cầu kỳ để lau cái muỗng cũng như múa. Động tác chậm rãi, tinh tế, an lạc, cứ như thể cả ngày hôm nay nàng chẳng có việc gì làm ngoài uống trà, chứ không phải còn một đoàn khách đủ màu da đang xếp hàng chờ dưới sảnh để được mặc Kimono, tết tóc, đeo nơ và dẫn lên tầng 3 thưởng trà.

Người Nhật: Cầu kỳ, uyên thâm và sâu sắc

Người Nhật bề ngoài thì có vẻ đơn sơ, tối giản, nhưng thực tế lại rất cầu kỳ, uyên thâm và sâu sắc. Họ, có lẽ là dân tộc duy nhất trên thế giới nâng mọi hoạt động đời thường lên thành đạo. Võ sĩ đạo đã đành, còn cả thiền đạo, trà đạo, thi đạo, thư đạo và hoa đạo. Đã là đạo thì phải có triết lý và nguyên tắc. Nếu như tinh thần võ sĩ đạo dựa trên 7 nguyên tắc là “Gi” (Công lý); “Jin” (Nhân từ); “Yu” (Can đảm); “Ray” (Tôn trọng); “Makoto” (Chân thành); “Meye” (Danh dự); “Chu gi” (Tận tâm); thì trà đạo cũng được thực hiện theo tinh thần Hòa - Kính - Thanh - Tịch.

Sự hài hòa của một buổi trà đạo thể hiện ở cách thiết kế trà viên sao cho không gian, vật dụng và con người phối ngẫu với nhau một cách nhịp nhàng ở cả ngũ quan. Mùi hương trầm thoang thoảng trong trà thất, vị trà quyện với kẹo ngọt Wagashi, tiếng chim hót chí chách bên ngoài trà viên, màu sắc vàng nhạt giản dị của những vách gỗ và tấm chiếu Tatami, cả không khí ấm cúng đang lan tỏa đến từ tế bào, đấy chẳng gì khác là “Wa” (Sự hài hòa).

Nhà văn Di Li

Nguyên tắc thứ hai là “Kei” (Sự kính trọng) thực vô cùng cần thiết trong các trà thất. Người thưởng trà kính nhau đến nỗi trước khi uống trà phải cúi gập đầu chào, rồi cách xoay tách trà ba lần như một nghi thức thần bí ấy chẳng qua là người đưa trà phải… xoay cái hoa văn ra mặt trước cho đẹp, cho khách đừng nhìn thấy phần trống trơn trên tách. Sau khi khách đỡ ly trà bằng tay trái, lại tiếp tục dùng tay phải xoay tách 3 lần cho hoa văn đối diện trở lại với chủ nhân và các khách mời khác rồi mới được thưởng trà.

“Sei” (sự tinh khiết) cũng quan trọng không kém. Hèn chi mỹ nhân pha trà cho chúng tôi cứ lau lau chùi chùi như múa mấy cái vật dụng trông thì đã sạch sẽ lắm rồi. Nàng bảo ấy là vì “người Nhật chúng tôi quan niệm rằng chỉ cần lạc vào vài hạt bụi thôi là trà đâm mất ngon đi”. Tuy nhiên “Sei” còn có nghĩa khác, đó là sự tinh khiết của không gian không vướng tham sân si. Đã vào đến trà viên thì những giận dữ, tị hiềm, tham lam, xấu tính phải bị tống tuốt ngay từ cổng vào.

Triết lý cuối cùng của trà đạo là “Jaku” (Sự tịch mịch). Trà thất phải tĩnh lặng đến mức nghe được cả tiếng gió thổi, suối reo, chim hót từ bên ngoài, và âm thanh trò chuyện cũng nên ôn hòa chứ đừng léo nhéo như chúng tôi nãy giờ.

* * *

Phải chăng, uống trà cũng chính là thiền. Trà đạo và thiền đạo luôn đi đôi với nhau là vậy. Và trong những khoảnh khắc thăng hoa, đỉnh cao của nghệ thuật trà sẽ còn song hành cùng thi đạo và hoa đạo nữa. Thưởng trà, chẳng phải là cần lắm cái tinh thần hay sao!

Nhà văn Di Li

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/triet-ly-nhan-sinh-tu-van-hoa-tra-dao-nhat-ban/786274.antd