Triết lý nhân sinh trong một vở tuồng cổ

Bản in cũ nhất của vở tuồng cổ 'Trương Ngáo' (tên đầy đủ là 'Trương Ngáo đòi nợ Phật') được in ở nhà xuất bản Claude et Cie Impimerie (Sài Gòn, 1904) có 40 trang với 17 lớp tuồng và 12 nhân vật. Nhiều nhà nghiên cứu tuồng cho rằng vở này có tuổi đời trên dưới 200 năm...

Đã có nhiều dị bản dân gian và tác giả bác học viết lại, bổ khuyết để dựng thành vở nhưng cái lõi ý nghĩa nội dung thì hầu như vẫn giữ nguyên.

Tuồng hát bội truyền thống thường đi theo đề tài "quân quốc" tức chuyện vua quan liên quan đến vận mệnh đất nước đề cao tính lý tưởng "trung quân", như các vở "Sơn Hậu", "Tam nữ đồ vương", “Đào Phi Phụng", "Võ Hùng Vương"… có đặc điểm là tính ước lệ rất cao. Nhân vật được miêu tả theo lối công thức: "Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc/ Đứa nịnh râu đen mấy sợi còi".

Nhưng lại có một số vở như "Nghêu, Sò, Ốc, Hến" hay "Trương Ngáo" thì lại rẽ theo một lối khác - lối tuồng hài với sự cách tân rõ nét: phá vỡ đề tài quen thuộc, đưa nhân vật người thường, thậm chí tầm thường làm nhân vật trung tâm. Ở vở "Trương Ngáo" còn gắn ý nghĩa triết lý nhân sinh với triết lý tôn giáo (đạo Phật) nhằm mục đích đề cao ý nghĩa con người và cuộc sống đời thường

Một cảnh trong vở tuồng cổ "Trương Ngáo".

Một cảnh trong vở tuồng cổ "Trương Ngáo".

Anh chàng Trương Ngáo vốn có bản tính thật thà đến mức ngô nghê được vợ cho năm quan tiền đi buôn, để mụ rảnh rang rước giai về nhà. Trên đường đi nghe thấy chuyện mang của cúng chùa thì sau này sẽ hưởng phước, thế là chàng ngốc ta vào chùa cho Phật vay tiền. Về khoe, dĩ nhiên bị vợ cho ăn gậy và bắt đi đòi lại. Ngáo ta hồn nhiên đi, nhưng không đòi ở chỗ đã cho vay mà sang tận Tây Thiên đòi Phật Tổ… Tác phẩm mang đậm cảm quan dân gian về Phật giáo gần gũi, đời thường, bình đẳng với con người.

Nhân vật chàng ngốc đã có nhiều trong truyện dân gian, ở vở tuồng này còn ngược và lạ đời hơn… Ngáo gọi Phật Tổ là "anh" (Gần chùa gọi Bụt là anh). Bật cười trước bộ dạng, hành vi và ứng xử của Ngáo, rồi Phật thương Ngáo hay thương người tâm thiện mà nhận Ngáo làm đệ tử và đặt tên mới là Chơn Tâm… Hành trình của thầy trò Đường Tăng trong "Tây du ký" đi Tây Trúc thỉnh kinh hay là hành trình của con người đi tìm lý tưởng? Tôn Ngộ Không biểu trưng cho trí tuệ và Trư Bát Giới biểu trưng cho tình cảm thống nhất trong một con người Đường Tăng.

Ai cũng thế, sống ở đời là phải trải qua bao tai ách (81 nạn) mới có thể tìm tới lý tưởng (Kinh Phật). Trong cuộc hành trình đó con người phải luôn dùng trí tuệ (Tôn Ngộ Không) mới vượt qua được khó khăn trở ngại (yêu quái). Ý nghĩa phổ quát ấy của thiên kiệt tác làm say mê hàng triệu trái tim của bao thế hệ, không chỉ ở phương Đông mà còn ở cả nhân loại.

Còn hành trình của Trương Ngáo đến Tây phương đòi nợ Phật hay là hành trình của con người kiếm tìm sự thật? Đó là những triết lý lớn chỉ có ở những tác phẩm lớn. Trên mọi cuộc hành trình, cuộc đời cũng như khoa học, nghệ thuật cũng như tôn giáo, lao động cũng như tình yêu thì cái đáng quý là quá trình khám phá, tìm hiểu chứ không phải mục đích. "Đi là sống, đến là chết".

Ngạn ngữ phương Tây đã nói vậy. Tính hiện đại của vở tuồng chính là ở sự phân tích quá trình biến đổi nhân vật Trương Ngáo từ chưa biết đến biết, từ sự ngờ nghệch, ngốc nghếch đến minh triết sáng láng. Ta thấy vở tuồng rất ít nhân vật, nhân vật chính chiếm gần trọn không gian tác phẩm. Kết cấu tình tiết, cảnh vật, hình ảnh của vở tuồng đi theo bước hành trình của nhân vật chính.

Ý nghĩa cơ bản của tác phẩm như muốn đưa ra một bài học: muốn thay đổi, làm mới mình phải "lên đường" tức phải bước vào quá trình học hỏi dù có phải trải qua bao khó khăn. Điều quan trọng nhất là người ta phải có đủ ý chí, trí tuệ và niềm tin! Khi đã "tư duy" được tượng Phật chưa phải là Phật, cho tượng Phật vay tiền nên không thể đòi, thế thì phải đòi Phật Tổ, dù ngàn trùng xa xôi. Tức là Ngáo đã "ngộ" để "đổi ngôi" sang một thân phận khác, thân phận của trí tuệ và trí huệ.

Nhà Phật định nghĩa rõ về trí tuệ, "thông đạt sự tướng hữu vi" (tức hiểu thông cái vỏ sự vật) thì gọi là trí, "thông đạt không tướng vô vi" (tức hiểu thông cái lõi sự vật) thì gọi là tuệ". Vượt lên trí tuệ là trí huệ. Nếu trí tuệ kết tinh từ những trải nghiệm ngoài đời thì trí huệ là sự kết tinh của thế giới nội cảm tâm linh bên trong của con người.

Theo nhà Phật, trí huệ chỉ có được qua sự tích lũy, sự giác ngộ của nhiều kiếp sống. Như vậy Ngáo ta từ thân phận một chàng ngốc được làm đệ tử Phật Tổ tức là một sự đổi ngôi triệt để, đã hoàn thành một cuộc hành trình vĩ đại từ ngốc nghếch vươn tới tầm trí huệ. Ngáo đã tìm được chân lý của đời mình!

Ngáo đã vượt qua cái khoảng không gian ngàn trùng tức vượt qua cái hèn kém của con người, cái thử thách của cuộc đời. Cái hay đặc sắc của tuồng "Trương Ngáo" chính là quá trình đến và gặp Phật, tức là gặp được sự thật. Nếu Ngáo không "ngộ" tức không có bản lĩnh Ngáo sẽ không đến được Tây Thiên. Ở đời vẫn thế, nhiều người, dù lắm tiền nhiều của nhưng vẫn có thể chết mòn cùng với tiền của mà không hề biết một cuộc sống khác, chưa nói tới chuyện được gặp chân lý.

Cái tuyệt vời của Ngáo là gặp Phật nhưng vẫn quyết giữ bản thể, bản sắc của mình. Ngáo chỉ đòi tiền cho vay chứ không xin xỏ một cái gì khác, một điều gì khác. Ngáo đã biết dừng lại (tri chỉ) thế nào là đủ (tri túc). Ta thấy Ngáo hơn hẳn Trư Bát Giới hay Sa Tăng xin Phật Tổ cho mình hóa thành Phật. Phật Tổ đổi tên và cho sánh duyên với nàng Hà Như Ý nhưng Ngáo cũng không cảm ơn vì coi đó là việc của nhà Phật.

Phật cho Ngáo nhành cây soi rõ tình đời hay chấp tay lạy hái ra tiền, Ngáo cũng từ chối. Ngáo đã "đổi ngôi" và quyết không đổi nữa vì Ngáo đã thấy đủ, thấy được đích thực là mình, nếu đổi là mất mình. Ngáo đã nêu ra bài học: hành trình của con người kiếm tìm sự thật là được "đổi ngôi" khi thấy cần, nhưng cũng là giữ vững "ngôi" khi thấy đủ! Biết đủ là đủ không hề đơn giản, phải có một quá trình "biết" rất khó khăn để thấy cái "đủ" nhẹ nhàng!

Vở tuồng cổ “Trương Ngáo” chứa đựng triết lý nhân sinh sâu sắc.

Vợ Ngáo là Ba Bành và người tình Lục Tồn cũng tự đổi ngôi bởi tính cách xấu xí, tráo trở, lẳng lơ, dâm đãng. Đang làm ăn khấm khá, nhà cửa đề huề, vì say mê sắc dục mà Lục Tồn bỏ vợ bỏ nhà lấy Ba Bành. Kết cục sự nghiệp Lục Tồn tiêu ma, từ giàu có thành trắng tay, tức bị "lộn ngược". Ba Bành cũng chịu chung số kiếp…

Cái lõi thẳm sâu bên trong của vở tuồng là những khao khát nhân văn thánh thiện luôn muốn cựa quậy, muốn bung phá, muốn vươn lên thế giới của cái đẹp, cái hạnh phúc!

Câu chuyện đi "đòi nợ" lại là câu chuyện về đối thoại. "Đòi nợ" là chuyện mong muốn được đối thoại. Khi Ngáo cho tượng Phật vay tiền trở về "khoe" với vợ liền bị đánh. Ngáo ta than thở: "Cúng Phật mà đắc tội/ Cho vay lại phải đòn" thì không phải than với vợ mà là than với công lý. Ngáo ta trở lại chùa nơi cho vay liền bị sư quát "Thằng ở đâu lếu láo/ Làm những sự dại ngây/ Của cúng là của mất…". Ngáo ta không thèm nói lại vì chủ thể lời quát này không xứng để "đối thoại". Ngáo đã bừng tỉnh về tri thức: phải đi tìm người xứng đáng để đối thoại. Và Ngáo lên đường…

Để tạo ra một cuộc đối thoại cần phải có bốn yếu tố cơ bản: hiểu biết, bình đẳng, tôn trọng sự khác biệt, biết lắng nghe. Thì ta thấy Ngáo đang dần có đủ những cơ sở ấy. Khi có đủ trí tuệ và niềm tin, Ngáo lên đường. Gặp Phật, Ngáo không quỳ lạy tức Ngáo muốn bình đẳng với Phật. Ngáo tôn kính Phật nên không xin xỏ. Lắng nghe Phật nhưng Ngáo làm theo ý mình. Còn Phật lúc đầu bật cười vì sự ngược đời mà cho rằng "họ Trương mắc chứng điên cuồng" nhưng lắng nghe và thấu hiểu lại thấy Ngáo "vốn nhà gã có lòng thành kính". Phật Tổ đã nhận Ngáo làm "đệ tử" tức Phật đã thấu hiểu để thấu cảm về Ngáo. Thì ra để thấu hiểu và thấu cảm về nhau là cả một quá trình. Không có đối thoại các bên sẽ không bao giờ có sự kết nối, giao lưu, hòa nhập.

Đã có ý kiến cho rằng vở tuồng ảnh hưởng từ "Tây du ký". Cũng là hành trình đi Tây Trúc, cũng qua bao gian nan, cũng gặp Phật Tổ…Nhưng như ta thấy, nó chỉ chịu ảnh hưởng ở phương diện môtip, còn nội dung ý nghĩa là khác nhau. Mục đích cũng khác nhau, thầy trò Đường Tăng đi "xin" (thỉnh kinh) còn Ngáo ta là đi "đòi" (đòi nợ). Ngáo ta hồn nhiên hơn (không suy tính, nghĩ ngợi nhiều); bản lĩnh hơn (đi một mình): khảng khái, tự tin hơn (không lạy, không xin)… Đó cũng là một nét bản sắc Việt!

Nguyễn Thanh Tú

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/triet-ly-nhan-sinh-trong-mot-vo-tuong-co-552020/