Triết lý nào cho sự tồn tại của trường chuyên?

Thách thức cuối cùng dành cho trường chuyên là làm thế nào để những học sinh lớn lên từ đây sẽ mang tài năng của mình trở lại phục vụ xã hội.

Học sinh có năng lực cao được đào tạo chuyên sâu theo thiên hướng cá nhân có tiềm năng phát triển vượt bậc ở các bậc học cao hơn. Không chỉ Việt Nam mà hầu hết các nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Canada, Đức, Singapore và Nhật Bản đều duy trì hệ thống trường chuyên vì lý do này.

Nhiều cựu học sinh chuyên ở các nước đã trở thành những nhà nghiên cứu, nhà phát minh, doanh nhân và nghệ sỹ nổi tiếng. Trường chuyên đã trở thành nơi ươm mầm tài năng cho các địa phương và là mục tiêu, ước mơ và niềm tự hào của nhiều thế hệ học sinh.

Những câu hỏi đặt ra nếu duy trì trường chuyên

Ở Việt Nam, cũng như những nước kể trên, trường chuyên là một dịch vụ công được tài trợ bởi ngân sách Nhà nước. Trong bối cảnh hệ thống giáo dục công lập vẫn còn nhiều khó khăn và xã hội hóa giáo dục đang mở rộng, câu hỏi đặt ra "Liệu Nhà nước có nên tiếp tục đầu tư để duy trì hệ thống trường chuyên với ngân sách cao gấp 2 – 3 lần những trường công lập khác?" là hoàn toàn chính đáng.

Nếu Nhà nước quyết định đầu tư vào trường chuyên thì mục tiêu là gì? Hướng tới đối tượng nào? Kết quả có được đánh giá thường xuyên không? Thông qua những tiêu chí gì? Có gắn liền với ngân sách hay không? Và có tạo ra lợi ích xã hội tương xứng với mức đầu tư vượt trội nói trên?

Các Sở GD-ĐT có thể ban hành tài liệu hướng dẫn ôn thi vào trường chuyên, lập quỹ hỗ trợ học sinh nghèo và yêu cầu các nhà trường đưa thông tin tới cha mẹ học sinh (Ảnh: Thanh Tùng)

Các Sở GD-ĐT có thể ban hành tài liệu hướng dẫn ôn thi vào trường chuyên, lập quỹ hỗ trợ học sinh nghèo và yêu cầu các nhà trường đưa thông tin tới cha mẹ học sinh (Ảnh: Thanh Tùng)

Hơn nữa, là một dịch vụ công được đầu tư bằng nguồn lực của xã hội thì bất kỳ học sinh nào, dù giàu hay nghèo, ở nông thôn hay thành thị, đều có quyền được tiếp cận trường chuyên.

Chừng nào vẫn còn khoảng cách giữa các khu vực địa lý và các cộng đồng về điều kiện sống, thông tin và cơ hội học tập, thì việc các trường chuyên có đến được với học sinh nghèo và học sinh vùng sâu vùng xa hay không cũng là mối quan tâm lớn đối với người dân. Đây cũng là một thách thức không nhỏ cho các nhà hoạch định giáo dục.

Chính sách tuyển sinh chỉ thu hút được con em những gia đình có thu nhập cao không những góp phần tạo bất công trong xã hội mà còn tạo ra một môi trường thiếu sự đa dạng và xa rời thực tế.

Trong những năm gần đây, một số trường chuyên mở rộng tuyển sinh với bậc THCS (không chuyên). Với số lượng đông đảo học sinh đăng ký dự tuyển, các trường đưa ra yêu cầu đầu vào ngặt nghèo, đề cao điểm số và thành tích học tập từ tiểu học.

Ví dụ như tại Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, học sinh phải có điểm học bạ gần như tuyệt đối cho 5 năm ở bậc tiểu học mới đạt tiêu chuẩn tham gia thi tuyển vào bậc THCS. Những tiêu chí đó gây áp lực điểm số cho trẻ nhỏ từ quá sớm, cổ xúy văn hóa “học gạo”, gây tiêu cực trong việc “xin điểm”, và nguy hiểm hơn nữa là không khuyến khích sự khám phá và mắc lỗi của học sinh.

Mở rộng phát triển bản thân cho học sinh

Trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay, nếu tiếp tục duy trì trường chuyên thì vai trò cần thiết nhất của hệ thống này là tạo ra một môi trường học tập nâng cao và chuyên sâu, thúc đẩy nghiên cứu và sáng tạo trong dạy và học. Môi trường học tập này cũng phải tạo động lực và kích thích sự phát triển của mọi tài năng trẻ, trên nền tảng giá trị đạo đức và xã hội tiên tiến và nhân văn, và vì mục tiêu xã hội.

Để thực hiện tốt vai trò này, trường chuyên nên thu hẹp lại ở bậc phổ thông trung học, cải tiến phương pháp đào tạo, tăng cường phát triển tài năng qua tìm tòi và nghiên cứu. Trường chuyên phải mở rộng phát triển bản thân cho học sinh qua giáo dục ngoại khóa, nhân cách và kỹ năng. Đội ngũ giáo viên và lãnh đạo nhà trường cần được tuyển chọn kỹ lưỡng và đào tạo để liên tục nâng cao chuyên môn, được hưởng chế độ đãi ngộ xứng đáng dựa trên kết quả.

Chính sách tuyển sinh nên áp dụng kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển theo mô hình toàn diện (holistic) đang được áp dụng rộng rãi ở các nước phát triển và các trường trung học, đại học hàng đầu thế giới. Điểm học bạ và thành tích học tập được đánh giá cùng với điểm thi tuyển và các thành phần khác như thư giới thiệu, bài luận và phỏng vấn trong một vòng tuyển sinh.

Việc xét tuyển toàn diện đòi hỏi một hệ thống đánh giá khoa học, công minh và đồng bộ. Điều này có nghĩa là hội đồng tuyển sinh phải có toàn quyền quyết định theo đúng tiêu chí và tiêu chuẩn quy định, mà không đại diện hay bị ảnh hưởng bởi bất kỳ lợi ích nào. Như vậy thì sự công bằng nói trên mới được đảm bảo.

Trường chuyên phải vì lợi ích xã hội

Giáo dục tinh hoa trên thế giới đều có một hạn chế chung là chưa đến được với người nghèo cho dù có xét tuyển thay thi tuyển, vì cả hai phương thức đều đòi hỏi học sinh phải chuẩn bị từ sớm, theo các “lò” luyện và đầu tư vào thành tích ngoại khóa. Để khắc phục tình trạng này, các Sở GD-ĐT có thể ban hành tài liệu hướng dẫn ôn thi, lập quỹ hỗ trợ học sinh nghèo và yêu cầu các nhà trường đưa thông tin tới cha mẹ học sinh.

Bài học từ Singapore về việc dựa vào kết quả học tập của học sinh ở cuối cấp để nhận biết những em có năng lực đặc biệt và định hướng cho các em thi chuyên cũng là một cách để mở rộng tiếp cận cơ hội học tập tới nhiều đối tượng học sinh.

Nếu trường chuyên là đầu tư của toàn xã hội thì nó phải mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Thách thức cuối cùng dành cho trường chuyên là làm thế nào để những học sinh lớn lên từ đây sẽ mang tài năng của mình trở lại phục vụ xã hội. Có lẽ không có sự ràng buộc nào tốt hơn là sự cam kết từ bên trong mỗi con người. Và vì vậy, hãy bắt đầu bằng việc xác định rõ cho từng học sinh sứ mệnh của trường chuyên: giáo dục vì lợi ích của xã hội.

Đào Thu Hiền (Thạc sỹ Chính sách công, ĐH Harvard)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/su-menh-cua-truong-chuyen-la-giao-duc-vi-loi-ich-xa-hoi-652973.html