Triết lý giáo dục đặc biệt tạo nên sự thu hút của trường Lương Thế Vinh

Chặng đường 30 năm phát triển của trường THCS&THPT Lương Thế Vinh vẫn luôn gắn với triết lý giáo dục của thầy Văn Như Cương - 'người mở đường' dành riêng cho mỗi giáo viên: 'Mỗi bài dạy của giáo viên là một bài dạy đầy ý chí!'.

Sáng ngày 1/10, hội thảo “Thầy Văn Như Cương - Người mở đường” được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Ba Đình, Hà Nội), với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục và đặc biệt là nhiều thế hệ thầy trò trường Lương Thế Vinh, những người đã có cơ hội được học tập, làm việc cùng thầy giáo Văn Như Cương.

Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 30 năm ngày thành lập trường Lương Thế Vinh, là dịp để tưởng nhớ người thầy vĩ đại của nhiều thế hệ học sinh.

Năm 1989, thầy Văn Như Cương là người “đặt những viên gạch đầu tiên” cho giáo dục ngoài công lập Việt Nam, là người tiên phong mở đường xây dựng hệ thống giáo dục tư thục, nơi đề cao giáo dục dân chủ với tinh thần độc lập và tư duy phản biện, nơi đề cao nhân cách con người hơn kiến thức sách vở, nơi mà học sinh được học làm người tử tế trước khi học để thành công trên đường đời.

Xuất hiện tại hội thảo, cô Đào Kim Oanh, người vợ thảo hiền, người đồng nghiệp, cũng là “hậu phương vững chắc” của thầy Văn Như Cương không giấu được cảm xúc nghẹn ngào khi ôn lại những kỷ niệm.

GS. Nguyễn Khắc Phi tặng bức ảnh kỷ niệm cho cô Đào Kim Oanh.

GS. Nguyễn Khắc Phi tặng bức ảnh kỷ niệm cho cô Đào Kim Oanh.

Trong suy nghĩ của Nhà giáo ưu tú, GS. Nguyễn Khắc Phi, nguyên Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, người “bạn hiền” Văn Như Cương của ông vẫn luôn là một nhà sư phạm độc đáo, tài ba xứ Nghệ. GS. Nguyễn Khắc Phi đã ôn lại nhiều kỷ niệm cùng kề vai sát cánh với thầy Văn Như Cương trong suốt những chặng đường đã qua.

“Trên đường đến với hội thảo, tôi đã nhẩm lại trong suy nghĩ của mình xem tôi và anh Văn Như Cương có bao nhiêu điểm giống nhau. Và khi đặt chân đến đây tôi đã tìm ra được 12 điểm giống nhau. Còn riêng “Chuyện anh Cương” ở đại học Sư phạm Vinh thì phải có “nghìn một đêm lẻ” mới kể hết; rồi trong những ngày còn công tác ở đại học Sư phạm Hà Nội, anh cũng để lại nhiều “giai thoại” sống động.

Tuy nhiên, hôm nay, có mặt tại hội thảo, tôi muốn chia sẻ lại những ngày đầu khi viên gạch đầu tiên tạo dựng nên trường Lương Thế Vinh được đặt”, GS. Nguyễn Khắc Phi mở đầu.

Ông nhấn mạnh: “Anh Cương đã khá vất vả trong việc xin thành lập trường dân lập Lương Thế Vinh. Anh viết đơn ngày 11/8/1988; Bộ trưởng Phạm Minh Hạc mở một cuộc hội thảo vào ngày 20/8/1988 để lấy ý kiến tham khảo và tạo dư luận. Sau khi có văn bản đề nghị của Bộ trưởng thể hiện rõ rệt sự đồng tình với việc thành lập trường trung học dân lập đầu tiên này, khoảng nửa năm sau, UBND Hà Nội mới có quyết định thành lập! “Vạn sự”, nhất là sự đổi mới, “khởi đầu nan” - là thế đấy!”.

Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà giáo, quản lý giáo dục và nhiều thế hệ thầy trò trường Lương Thế Vinh.

“Việc đặt tên cho trường cũng đã từng làm anh Cương trăn trở suy nghĩ. Thoạt đầu, anh định đặt là Nguyễn Trường Tộ. Không phải vì anh là người Nghệ An mà chính vì anh viết đơn xin thành lập trường trong bối cảnh Đại hội 6 của Đảng vừa đề xuất đường lối đổi mới, mà Nguyễn Trường Tộ là một trí thức tiêu biểu cho đường lối canh tân, không chỉ có tính tiên phong đối với Việt Nam mà ít nhất cũng là đối với khu vực.

Tuy nhiên, khi anh Nguyễn Xuân Khang, người cộng tác gần gũi nhất của anh trong buổi đâu trường mới thành lập, đề nghị chọn tên nhà Toán học nổi tiếng nhất trong lịch sử quá khứ Việt Nam là Lương Thế Vinh, anh đồng ý ngay. Tôi nêu lên chi tiết này để thấy một mặt khác trong tính cách của anh: Có chủ kiến mạnh nhưng cũng sẵn sàng lắng nghe ý kiến hợp lý của người khác”, GS. Nguyễn Khắc Phi cho hay.

Cô Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh cũng chia sẻ: “Một trong những triết lý giáo dục tạo nên sự khác biệt của trường Lương Thế Vinh so với nhiều trường dân lập khác luôn có sự đổi mới, chính là trong khi không ít trường chọn khẩu hiệu Tiên học lễ hậu học văn, thì thầy Văn Như Cương lại chọn khẩu hiệu Có chí thì nên. Theo đó, lễ với văn phải được giáo dục song hành. Bên cạnh đó, giáo dục phải kích động được ngay vào nhân tố của tư tưởng có tính động lực đối với thế hệ trẻ là ý chí.

Cô Văn Thùy Dương chia sẻ về triết lý giáo dục đặc biệt của trường.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó Trưởng ban Nghiên cứu kết quả giáo dục, viện Khoa học giáo dục, bộ GD&ĐT đánh giá: “Chặng đường 30 năm đã đi qua, vinh quang mà trường Lương Thế Vinh cùng với đội ngũ của mình đã có được chính là niềm tin của học sinh, của phụ huynh, của xã hội về những giá trị không thể thay thế của giáo dục, của nhà trường, của mỗi người thầy và nhất là sự chủ động dựng xây uy tín của một trường tư thục.

Tôi tin rằng, mặc dù trường Lương Thế Vinh nằm trong những xu hướng giáo dục mới nhưng sẽ mãi mãi là: Có chí mới nên người, trường học cần dạy thật - học thật. Ở một bối cảnh mới, sự thích nghi, sự thay đổi để triết lí phù hợp với thời cuộc sẽ giúp chúng ta tạo ra những bối cảnh để trở thành trường học hiệu quả với người học. Người thầy sẽ tự thay đổi, sẽ cần thêm quá trình huấn luyện, bồi dưỡng phù hợp với mô hình nhà trường trên nền tảng giá trị văn hóa vun đắp nhân cách, mở đường tương lai”.

PGS.TS Phạm Mạnh Hà, khoa Tâm lý học, trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: “Chính việc kết hợp một cách bài bản, chuyên nghiệp giữa việc dạy chữ và dạy kỹ năng sống cho học sinh mà học sinh THCS&THPT Lương Thế Vinh luôn nổi tiếng bởi thành tích học tập xuất sắc, tính kỷ luật, tinh thần đoàn kết, năng động, tự tin…

Và thay lời kết, tôi xin trích dẫn triết lý giáo dục của nhà giáo Văn Như Cương: Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn giỏi, những người nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ… nhưng trước hết phải là người tử tế”.

Đây là không gian để ôn lại những hình ảnh đẹp về thầy Văn Như Cương.

Học sinh Nghiêm Tô Minh, lớp 10D4, trường THCS&THPT Lương Thế Vinh bày tỏ: “Em đã học tại trường Lương Thế Vinh đến năm thứ 5, các thầy cô trong trường thực sự rất tâm huyết, nhiệt tình; môi trường học đường năng động, sôi nổi, phù hợp để nuôi dưỡng sở thích và định hướng nghề nghiệp tương lai của em, về lĩnh vực truyền thông.

Ngay từ trước khi vào trường, em đã tìm hiểu và biết đến thầy Văn Như Cương như một người sáng lập, mở đường cho giáo dục dân lập, thầy đã rất tâm huyết với công việc thầy lựa chọn. Hiện nay, đi theo con đường đó, hệ thống các trường dân lập đang ngày càng phát triển, được phụ huynh học sinh tin tưởng lựa chọn như hiện nay”.

Theo số liệu thống kê mới nhất, sau sự mở đường của thầy Văn Như Cương, hiện nay, trên cả nước, tính riêng hệ thống giáo dục phổ thông, đã có 2.955 cơ sở giáo dục tư thục giảng dạy cho hơn 1,3 triệu học sinh.

Cẩm Mịch

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/triet-ly-giao-duc-dac-biet-tao-nen-su-thu-hut-cua-truong-luong-the-vinh-a451079.html