Triết lý của đạo Phật về đố kỵ: So đo hơn thua và kết cục đau khổ

Theo giáo lý nhà Phật, người mang lòng đố kỵ thường mang tâm hồn không hạnh phúc. Họ càng so đo hơn thua, họ càng mang nhiều đau khổ.

Một ngày nọ, trong lúc con rắn đang từ từ bò về phía trước, đuôi rắn vùng dậy nói với đầu rắn:

- Từ trước đến nay tôi luôn đi theo sự chỉ đạo của anh, nhờ có tôi mà anh mới tiến được lên phía trước, nhẽ ra tôi phải là người dẫn đường mới đúng.

Đầu rắn đáp:

- Đầu rắn phía trước, đuôi rắn phía sau, số trời đã an bài rồi. Tôi luôn là người quyết định hướng đi. Tại sao đột nhiên bạn lại muốn làm điều đó.

Nói xong, đầu rắn tiếp tục tiến về phía trước và hoàn toàn phớt lờ cái đuôi.

Đuôi rắn không phục, lập tức cuộn mình vào thân cây khiến đầu rắn không thể bò lên nữa.

- Anh mau thả lỏng ra đi, chúng ta sẽ chết đói mất!

- Anh phải cho tôi đi phía trước – Đuôi rắn nói.

Đầu rắn kéo hết sức, nhưng cả hai đều kiệt sức. Cuối cùng, đầu rắn chấp nhận cho đuôi rắn dẫn đường. Đuôi rắn háo hức nghĩ: “Vậy là ta cũng được làm thủ lĩnh!”.

Vào giây phút phấn khích tột độ này, đuôi rắn quên rằng nó không có mắt để nhìn đường, nó cứ thế bò lung tung, va chạm vào mọi vách đá khiến toàn thân rắn chảy máu. Kết quả là, đầu rắn và đuôi rắn cùng rơi xuống vực và bỏ mạng.

Câu chuyện đầu rắn và đuôi rắn khiến chúng ta liên tưởng đến tính đố kỵ trong xã hội hiện nay. Đầu rắn tượng trưng cho những người tài giỏi, những người dẫn đường có năng lực, người thủ lĩnh trong một tập thể. Đuôi rắn tượng trưng cho những người có năng lực hạn chế mang tâm lý đố kỵ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những con người gọi là “đuôi rắn” thấy người khác giỏi hơn mình, có điều kiện hơn mình, có tiếng nói hơn mình bèn nảy sinh lòng đố kỵ, thù ghét, tính toán thậm chí tranh cãi, tìm mọi cách hãm hại đối phương. Tuy nhiên những người ấy không biết rằng mình còn nhiều khuyết điểm, mình có những hạn chế không thể là người dẫn đường song họ không chấp nhận điều đó.

William Arthur Ward từng nói: “Tại sao những kẻ đố kỵ bao giờ cũng có một cái gì đó để buồn phiền? Bởi hắn bị dày vò không chỉ vì những thất bại của bản thân và cả những thành công của người khác”.

Khi có tính đố kỵ, tầm nhìn và sự quan tâm của con người bị che mờ bởi sự ích kỉ nhỏ nhen, họ chỉ chăm chăm soi xét, bắt lỗi người khác mà trở nên dễ dãi với bản thân mình. Khi không biết học hỏi, cố gắng để tự hoàn thiện mình thì người có lòng đố kỵ cũng chẳng thể phát triển trong xã hội vốn có nhiều khó khăn, thử thách này.

Theo giáo lý nhà Phật, người mang lòng đố kỵ thường mang tâm hồn không hạnh phúc. Họ càng so đo hơn thua, họ càng mang nhiều đau khổ.

Nếu bỏ được tính đố kỵ, chúng ta sẽ sống thoải mái hơn. Hãy biết chấp nhận khuyết điểm của mình, nhìn gương những người đi trước để học hỏi, phấn đấu.

Hãy suy nghĩ mọi việc theo hướng tích cực. Có thể họ xuất sắc ở lĩnh vực này, nhưng ở lĩnh vực khác ta lại là người xuất sắc hơn họ.

Cuộc đời không phải là một cuộc đua. Việc hơn thua sẽ không có nghĩa lý gì nếu bạn hài lòng về những gì bạn đang làm.

Theo Thùy Linh/Gia đình Việt Nam

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/triet-ly-cuar-dao-phat-ve-do-ky-so-do-hon-thua-va-ket-cuc-dau-kho/20200503095102582