Triết lý của Công nghệ giáo dục: Phụ huynh chuyển trường, chọn cô để con đi học thấy vui và hạnh phúc

Cha đẻ của Công nghệ giáo dục cho biết, mục đích cuối cùng của ông là giúp học sinh thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui, đi học là hạnh phúc. Quan điểm này cũng được khá nhiều phụ huynh hưởng ứng trong cách chọn trường, dạy con học.

Triết lý giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.

Giữa những ồn ào về việc đánh vần tiếng Việt, đọc thơ theo ô vuông, tam giác trong sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục”, GS Hồ Ngọc Đại – cha đẻ của Công nghệ giáo dục vẫn duy trì với triết lý giáo dục mà ông theo đuổi cả cuộc đời là giúp cho học sinh vui và hạnh phúc khi đến trường.

Thực tế cho thấy, nhiều học sinh cảm thấy quá stress với việc học tập.

Chuyển trường cho con vì thấy con đi học quá stress

Chị Phạm Hồng Hoa (Hà Nội) chia sẻ, bản thân chị và gia đình không đồng tình với việc học gạo, học vẹt, học cày cuốc để lấy thành tích. Do đó, khi hai con đi học, chị Hoa luôn tìm cách để con mình cảm thấy vui vẻ với quá trình tìm hiểu và khám phá thế giới. Chị cũng giữ quan điểm không học trước, không học thêm, dạy là việc của thầy cô nhà trường, bố mẹ không dạy không kèm.

Nhiều phụ huynh mong muốn con mình thấy vui và hạnh phúc khi đến trường. Ảnh: Nguyễn Hà

Với quan điểm đó nên hai đứa con của chị Hoa khi vào lớp 1 chưa hề biết đến mặt chữ. Chị Hoa cho biết, chị xin cho con trai thứ hai của chị vào một ngôi trường tư khá danh tiếng, nhưng không ngờ việc con chị chưa biết mặt chữ hay số là một vấn đề.

“Suốt 3 tháng sau đó, tối nào con tôi về cũng khổ sở vật vã với việc đánh vần mấy con chữ. Cô giáo thì không tuần nào không gọi điện mách mẹ về con, dù cô có nói giảm nói tránh nói khéo đủ kiểu thì ai cũng hiểu rằng cô đang nói con tôi không đủ khả năng nhận thức. Khi đó, gia đình bắt đầu tin là con hết thuốc chữa, ông bà đã nghĩ đến việc đúp lớp 1” – chị Hoa tâm sự.

Thấy không ổn, chị Hoa đã quyết định cho con chuyển sang ngôi trường với triết lý giáo dục rõ ràng: “Đi học là hạnh phúc. Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui”.

“Quả là thế, con tôi đang từ stress trầm trọng với hai tiếng “đi học”, với việc không thể đọc viết, chuyển sang thích thú đến trường. Đến học kỳ II ở trường mới, con tôi cũng chưa đọc viết gì cả, vẫn đang ghép âm. Sách vở để hết ở trường, mẹ vẫn lì lợm với quan điểm “về nhà chỉ chơi thôi” nên thấy con mình vui vẻ trở lại, đối với mẹ đó là thành công rồi” – chị Hoa tâm sự.

Chọn cô để con đi học là niềm vui

Đối với chị Thu Hoài (Triều Khúc, Hà Nội), khi 2 con bắt đầu học tiểu học, trong khi khá nhiều bố mẹ khác đi tìm hiểu xem những cô giáo nào dạy giỏi, xuất sắc để gửi gắm con thì điều chị ưu tiên hàng đầu lại là tìm một cô giáo có tính cách hài hòa, coi việc quan tâm chăm sóc tâm tư tình cảm của học sinh là số 1.

"Tôi thấy câu Khai tâm rồi mới khai trí rất đúng. Ở giai đoạn tiểu học, nếu con mình đến lớp yêu cô giáo, yêu bạn bè, vui vẻ thoải mái thì tự nhiên việc tiếp thu kiến thức sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả, không cần phải dày công ép uổng, bắt buộc" - chị Hoài tâm sự.

Phụ huynh mong muốn con mình đến trường nhận được tình yêu thương từ giáo viên. Ảnh: NVCC

"Vì thích cô, yêu cô nên các con học rất hăng hái, ngày hôm sau lại muốn đến trường để được gặp lại cô. Những ngày học lớp 1 đón con về tôi luôn hỏi "Hôm nay con có gì vui không?" thì con tôi trả lời rằng: “Vui cực, con rất thích cô”. Đối với chúng nó, không phải hôm nay học được kiến thức gì mà là cô giáo kể điều gì khiến chúng thích thú say mê, chúng sẽ nhớ rất lâu và luôn thích kể lại cho người khác".

Cụm từ “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” là vô cùng quan trọng, việc đi học xuất phát từ sự hứng khởi hay niềm vui tự nhiên thì sẽ bền lâu hơn đối với con trẻ.

Mỗi đứa trẻ có một tính cách riêng, tố chất riêng nên việc cho con học trường nào, cô nào phải xuất phát từ chính khả năng, bản thân đứa trẻ chứ không phải vì ý muốn, tham vọng của cha mẹ là con mình phải trở thành học sinh giỏi. Tôi nghĩ dạy để đứa trẻ biết quan tâm, biết yêu thương người khác là rất thành công rồi.

Nguyễn Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/triet-ly-cua-cong-nghe-giao-duc-phu-huynh-chuyen-truong-chon-co-de-con-di-hoc-thay-vui-va-hanh-phuc-630426.ldo