Triết lí phục vụ của Chính phủ điện tử 2.0 vẫn không thay đổi: Lấy dân làm gốc!

Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử - tại phiên họp thứ nhất của ủy ban, đã khẳng định: Phát triển Chính phủ điện tử phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Mẫu thẻ căn cước điện tử (ảnh: ybox.vn).

Đây không chỉ thể hiện tầm nhìn, mà còn là một định hướng hoàn toàn đúng đắn. Chính phủ Điện tử suy cho cùng không chỉ tạo sự thuận lợi cho công tác quản lí điều hành của nhà nước, mà người dân, doanh nghiệp cũng được hưởng những tiện ích từ đó.

Tháng 4.2017, Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã dẫn đầu đoàn công tác sang thăm và trao đổi thông tin về một số vấn đề liên quan đến chính phủ số và dữ liệu mở với Văn phòng Chính phủ Cộng hòa Estonia. Trong chuyến đi này, rất nhiều thông tin, kinh nghiệm bổ ích về việc triển khai chính phủ điện tử thành công được phía Estonia chia sẻ.

Estonia đã xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia cung cấp đến 99% các dịch vụ thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp (1.500 dịch vụ trực tuyến); thiết lập các hệ thống quản lí đăng kí công dân, hệ thống xác thực thông qua mã số công dân điện tử eID, xác thực thông qua số điện thoại (MobileID). Đến nay, 99% công dân Estonia được cấp mã số định danh duy nhất (eID) và 1 thẻ căn cước điện tử (eID Card) kèm chữ kí số để thực hiện giao dịch với các cơ quan Nhà nước.

Chính phủ điện tử tại Estonia đã tạo ra qui trình cung cấp các dịch vụ công khoa học, hợp lí, minh bạch giúp cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ. Những thông tin đầy thú vị như: Các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Estonia đăng kí kinh doanh chỉ mất 18 phút. Bất cứ công dân nào cũng có thể giám sát hồ sơ trực tuyến của mình để phát hiện các truy cập dù là từ cơ quan chức năng hay người thực thi công vụ. Với ID Card hay Mobile ID, người dân dễ dàng đăng kí các dịch vụ công mà không cần đến giấy tờ rườm rà và càng không thể bị sách nhiễu…

Chính phủ điện tử tại Estonia không chỉ giúp cho người dân nước này tiết kiệm được khoảng thời gian tương ứng 800 năm làm việc mỗi năm, mà còn giúp các cuộc họp của chính phủ diễn ra gọn gàng, nhanh chóng không vướng giấy tờ rườm rà vì nhờ có sự chia sẻ và chuẩn bị từ trước các văn bản số. Có những cuộc họp chính phủ diễn ra chỉ trong vòng 30 phút và cuộc họp ngắn nhất chỉ hơn 1 phút.

Chương trình Chính phủ Điện tử tại Việt Nam đang được tái khởi động với khí thế, ý chí và quyết tâm mới và cũng theo một phiên bản mới 2.0 kết nối được với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế đang dần dịch chuyển sang kinh tế số.

Nói như tiến sĩ Werner Vogels - Giám đốc công nghệ của Tập đoàn Amazon: Có nhiều thứ cần phải đổi mới nhưng có những thứ không thể thay đổi.

Vâng, đó là phương châm, triết lí khi triển khai Chính phủ Điện tử 2.0 tại Việt Nam: Người dân, doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ.

Thế Lâm

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/dien-dan/triet-li-phuc-vu-cua-chinh-phu-dien-tu-20-van-khong-thay-doi-lay-dan-lam-goc-633498.ldo