Triển vọng u ám đè nặng lên giá dầu

Báo cáo mới đây về lượng hàng tồn kho của Mỹ cũng như triển vọng kinh tế u ám đã đè nặng lên giá dầu, đẩy giá nhiên liệu này sụt giảm.

Dầu thô Brent giao sau đạt mức 72,34 USD/thùng, giảm 12 cent, tương đương 0,2% so với mức đóng cửa gần nhất. Dầu thô của Mỹ giảm 23 cent, tương đương 0,3%, giao dịch ở mức 66,81 USD/thùng.

Theo số liệu mới đây được dẫn bởi Reuters, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 3,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 10/8, nâng tổng số lên 410,8 triệu thùng. Giá dầu đã suy yếu sau khi dữ liệu kiểm kê cho thấy sự gia tăng bất ngờ của lượng dầu dự trữ.

Tương lai giá dầu cũng ảm đạm dần khi triển vọng kinh tế kém lạc quan có thể tác động đến nhu cầu dầu.

Chỉ số tổng hợp của OECD, tính cả các nền kinh tế tiên tiến phương Tây và Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil, Indonesia cũng như Nam Phi, đạt đỉnh hồi tháng 1 nhưng sau đã giảm dần và chìm sâu hơn nữa vào tháng 5 và tháng 6 vừa qua.

Theo Văn phòng Phân tích Chính sách Kinh tế Hà Lan, tăng trưởng thương mại thế giới cũng đạt đỉnh vào tháng 1 với tốc độ 5,7% nhưng con số này đã giảm gần một nửa xuống dưới mức 3% vào tháng 5.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang, không ít nhà phân tích và tổ chức đưa ra cảnh báo về viễn cảnh giảm tăng trưởng kinh tế, chi tiêu tiêu dùng và luồng đầu tư trên toàn cầu.

Vài tháng đầu năm nay, giá dầu thô đã tăng lên mức kỉ lục trong khoảng 3 năm vì nhu cầu dầu mạnh, căng thẳng địa chính trị, sụt giảm sản lượng của Venezuela và tái áp dụng lệnh trừng phạt lên Iran từ Mỹ.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong Báo cáo thị trường dầu mỏ hàng tháng đánh giá rằng trong thời gian tới, nhiều thách thức với tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang nổi lên với những bất ổn chính trị là tiêu điểm.

Theo OPEC, một trong số những bất ổn về chính trị là những diễn biến liên quan đến thương mại cần được giám sát chặt chẽ trong thời gian tới. Tổ chức này cũng lưu ý rằng dự báo tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ được đưa ra với giả định không có gia tăng đáng kể thuế quan và tranh chấp hiện tại sẽ sớm được giải quyết.

"Căng thẳng thương mại gia tăng dẫn tới sự không chắc chắn, chuyển thành sụt giảm kinh doanh và tâm lý người tiêu dùng, tạo ra rủi ro đáng kể với triển vọng hiện tại. Tác động tiêu cực đến đầu tư toàn cầu, dòng vốn và chi tiêu tiêu dùng cũng có thể gây bất lợi cho thị trường dầu mỏ toàn cầu", OPEC chỉ rõ.

Lan Ngọc

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/trien-vong-u-am-de-nang-len-gia-dau-1534322175929.htm