Triển vọng từ mô hình nuôi hươu tại huyện Như Thanh

Sau 7 năm nuôi thả, từ 4 con hươu giống ban đầu, đàn hươu của gia đình bà Hà Thị Dựa, ở xã Xuân Thái (Như Thanh) đã phát triển lên 18 con. Đó là chưa kể, số hươu con được gia đình bà bán đi hằng năm để trang trải cuộc sống. Từ khi nuôi, đàn hươu chưa từng bị dịch bệnh hay 'ốm đau' đáng kể, chứng tỏ loài động vật vốn hoang dã này khá thích nghi với khí hậu và điều kiện nuôi nhốt trên đất rừng huyện miền núi Như Thanh.

Đàn hươu của gia đình bà Hà Thị Dựa, xã Xuân Thái.

Nằm cách trung tâm xã Xuân Thái gần chục cây số, từ lâu, trang trại đồi rừng của gia đình bà Hà Thị Dựa ở thôn Ba Bái đã nổi tiếng ở địa phương về tính hiệu quả. Dưới những tán rừng xanh tốt, từng bầy gà, đàn lợn lai lòi và các vật nuôi khác vẫn thay nhau gối lứa. Vốn tính cần cù và năng động, từ năm 2014, vợ chồng bà Dựa đã quyết tâm du nhập giống vật nuôi mới là hươu để nuôi. Đây cũng là mô hình hỗ trợ sinh kế của Ban Quản lý Vườn quốc gia Bến En cho người dân sinh sống trong vùng đệm phát triển kinh tế và bảo vệ rừng.

Qua khu vườn trên triền đồi dốc, vợ chồng bà Dựa dẫn chúng tôi lên thăm đàn hươu. Thấy có người lạ, đàn hươu vốn nhút nhát theo nhau bỏ chạy mất dạng. Mỗi lần chúng tôi tiếp cận, từ hươu mẹ đến những chú hươu con vài tháng tuổi lại phóng nhanh thoăn thoắt để lẩn trốn. Vợ chồng bà Dựa phải nhiều lần ra góc vườn, rồi vào các ô chuồng để lùa đàn hươu ra cho phóng viên ghi hình nhưng đều bất thành. Khi chúng tôi núp ra phía ngoài hàng rào tường bao, nghe tiếng gọi “lộc – lộc” của người chủ nhân quen thuộc, bầy hươu mới “bẽn lẽn” đứng lại. Bà Dựa tung ngô hạt xuống đất, những con vật hiền lành nhẹ nhàng đến nhặt thức ăn nhai liến thoắng.

Theo bà Dựa, từ năm 1979, bố chồng bà đã bán đi đàn trâu hàng chục con để vào tỉnh Nghệ An mua 2 con hươu đực về nuôi khai thác nhung, cho hiệu quả kinh tế cao. Đến năm 2000, ông cụ mất, không có người chăm sóc nên gia đình phải bán hươu đi. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm nuôi hươu tích lũy được và trên cơ sở tính toán lợi ích kinh tế, năm 2014, vợ chồng bà lại quyết tâm bán đi 2 trâu đực trưởng thành, 1 lốt nhà sàn và 4 chỉ vàng để xây dựng khu chuồng trại và xây bao quanh 1.000m2 đất vườn nhà để tiếp tục nuôi hươu. Về tiền giống, ngoài 1/3 kinh phí hỗ trợ của Ban Quản lý Vườn quốc gia Bến En, gia đình bà phải huy động thêm 100 triệu đồng để mua 4 con hươu, trong đó 2 đực, 2 cái với mục đích của dự án là sinh sản để phát triển đàn. Đến năm 2015, hươu bắt đầu sinh sản, gia đình đã có thu nhập từ đó.

Qua quá trình nuôi, ngoài ngô trồng được trong vườn, thì gia đình bà không mất tiền mua thức ăn cho hươu. Bởi lẽ, tất cả các cây lá trong vườn, rồi cỏ voi, chuối cây làm thức ăn cho đàn vật nuôi chỉ mất công hái hằng ngày. Không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, bà Dựa nói: “Sau nhiều năm nuôi, đàn hươu phát triển bình thường, chúng có sức đề kháng rất tốt nên hầu như không bệnh tật. Có một vài lần hươu bị bệnh đường ruột nhẹ, chỉ cần cho ăn lá xoan lại khỏi ngay, chưa bao giờ phải dùng thuốc”.

Hiện, đàn hươu của gia đình đã tăng lên 18 con; trong đó, có 7 con đực, 8 con cái sinh sản và 3 hươu còn nhỏ. Đó là chưa kể số hươu con được gia đình bán đi hằng năm để tái đầu tư. Với hươu mẹ, mỗi năm sinh 1 con non, sau 6 tháng nuôi sẽ bán giống với giá trung bình 18 triệu đồng/con cái và 20 triệu đồng/con đực. Với hươu đực, mỗi năm khai thác nhung 2 lần, mỗi con được từ 6 đến 7 lạng trong năm. Hiện giá nhung hươu đang ở mức 1,5 triệu đồng mỗi lạng, nên mỗi năm, tiền bán nhung của gia đình cũng gần 75 triệu đồng. Từ nhiều năm nay, nhung luôn luôn “cháy hàng”, nhiều người còn đến đặt tiền trước cả nhiều tháng. Theo hạch toán của gia đình bà Dựa, năm 2020 vừa qua, riêng đàn hươu đã mang lại lợi nhuận cho gia đình khoảng 140 triệu đồng, chưa tính giá trị hươu con được giữ lại để nuôi.

Ông Quách Văn Thân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thái, cho rằng: Tiềm năng đất đồi rừng của xã lớn, rất thích hợp với nuôi hươu. Tuy giống vật nuôi này hiện hơi đắt, nhưng ít dịch bệnh, quá trình nuôi gần như không phải đầu tư tiền thức ăn, phù hợp với đa phần các hộ đồng bào Thái ở đây. Qua mô hình của gia đình bà Hà Thị Dựa, có thể thấy tính hiệu quả, kinh tế, nếu được hỗ trợ thành các mô hình, thì nghề nuôi hươu ở đây sẽ phát triển.

Bài và ảnh: Lê Đồng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/trien-vong-tu-mo-hinh-nuoi-huou-tai-huyen-nhu-thanh/135076.htm