Triển vọng sáng gọi vốn Ấn Độ vào Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ có doanh thu tỷ USD đã và quyết định đầu tư dài hạn hoặc đang tìm kiếm, khảo sát cơ hội đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực như công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ ô tô, màng nhựa bao bì cao cấp, mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt. Tập đoàn Công nghệ HCL là một ví dụ. Tập đoàn này vừa phê duyệt kế hoạch đầu tư vào Việt Nam, với mục tiêu phát triển 20.000 kỹ sư cho chuỗi trung tâm kỹ thuật - công nghệ thông tin toàn cầu.

Triển vọng dòng chảy vốn từ quốc gia 2.720 tỷ USD vào Việt Nam

Việt Nam và Ấn Độ đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2016. Quan hệ thương mại và đầu tư song phương có nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của 2 nước.

Tính đến năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Ấn Độ đạt hơn 11 tỷ USD, thặng dư thương mại của Việt Nam với Ấn Độ đạt 2,2 tỷ USD, tổng vốn đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam với hơn 200 dự án đã đạt hơn 870 triệu USD, con số này mới chỉ chiếm chưa đầy 0,5% lượng vốn đầu tư của Ấn Độ ra nước ngoài.

Trong “Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới 2019”, IMF đánh giá nền kinh tế hơn 1,3 tỷ dân có quy mô 2.720 tỷ USD của Ấn Độ sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới, quy mô GDP có thể đạt 5.000 tỷ USD vào 2025.

Trong quan hệ với Việt Nam, trên nền tảng quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước, dòng vốn đầu tư từ Ấn Độ có cơ hội sẽ cải thiện mạnh so với con số còn khiêm tốn vừa qua.

Căng thẳng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Với mức tăng trưởng kinh tế nhanh và với các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho các ngành công nghệ cao, có hàm lượng giá trị gia tăng và các dự án đầu tư công nghiệp sạch, quy mô vốn lớn của Chính phủ đưa ra, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây.

Trong đánh giá của nhiều doanh nghiệp Ấn Độ, Việt Nam là một thị trường triển vọng về phát triển dài hạn với nền chính trị ổn định, dân số trẻ quy mô sớm đạt ngưỡng 100 triệu dân với hơn 56% trong độ tuổi lao động, với độ tuổi trung vị của lực lượng lao động khả trẻ ở mức 30,4 tuổi và tỷ lệ lao động có giáo dục cơ sở đạt 95%, mức tăng trưởng GDP cao nhất trong khối ASEAN đạt 6,5-7%, được hưởng lợi từ việc di chuyển chuỗi giá trị các ngành công nghiệp điện tử, chế tạo, chế biến nội thất, dệt may, giày dép ra khỏi Trung Quốc và có thể trở thành 1 trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050.

Các ngành có kim ngạch thương mại và đầu tư song phương cao tập trung ở lĩnh vực nông sản và chế biến nông sản (nổi bật là ngành chế biến thịt trâu của doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam rồi xuất sang Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu từ Ấn Độ và nội địa của ngành này lên đến 1 tỷ USD, chiếm gần 10% tổng xuất nhập khẩu song phương), sản phẩm khoáng sản sơ chế (phốt pho vàng, đá marble chế biến, than), dệt may, hương liệu, dược phẩm, thép, nhiệt điện.

Trước đây, Ấn Độ thường muốn nhập khẩu hay sản xuất các sản phẩm sơ chế để mang về nước họ tiếp tục chế biến sâu, hoặc đầu tư tận dụng các nguồn khoáng sản dồi dào của Việt Nam, song gần đây có những chuyển động mới về định hướng đầu tư và thương mại của các doanh nghiệp Ấn Độ với thị trường Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp tỷ USD từ Ấn Độ tìm cơ hội tại Việt Nam

Trong 1-2 năm qua, nhiều doanh nghiệp Ấn Độ với doanh thu tỷ USD quyết định đầu tư dài hạn hoặc khảo sát chuẩn bị đầu tư/mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ ô tô, màng nhựa bao bì cao cấp với định hướng về các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu.

Sự xuất hiện của các tập đoàn đa ngành như Adani Group (doanh thu năm 2018 đạt 13 tỷ USD), Tập đoàn sản xuất linh phụ kiện ô tô và xe máy Minda Group (doanh thu gần 1 tỷ USD năm 2018), Tập đoàn hóa chất SRF (doanh thu hơn 1 tỷ USD năm 2018), Công ty sản xuất thiết bị điện gió và mặt trời Top 10 thế giới Suzlon (doanh thu hơn 3 tỷ USD) và gần đây nhất là Tập đoàn Công nghệ HCL triển khai xây dựng chuỗi dịch vụ công nghệ thông tin với mục tiêu xây dựng đội ngũ lên tới 20.000 kỹ sư IT cho thấy, người Ấn đang muốn tìm cơ hội tại Việt Nam.

Tập đoàn Công nghệ HCL hiện giữ vị trí thứ 6 trong Top 10 công ty dịch vụ công nghệ thông tin toàn cầu. Hội đồng quản trị Tập đoàn đã phê duyệt kế hoạch đầu tư dài hạn 15-20 năm ở Việt Nam với tầm nhìn phát triển nhân lực cho chuỗi trung tâm kỹ thuật - công nghệ thông tin đến cuối năm 2030 với quy mô 20.000 kỹ sư, gồm 90% được đào tạo và tuyển dụng tại Việt Nam trong 6-10 năm tới để phục vụ các khách hàng toàn cầu.

Hoạt động này có thể tạo ra doanh thu xuất khẩu đạt đến 1 tỷ USD.

Quyết định đầu tư của HCL ngoài chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của ngành công nghiệp phần mềm, thực trạng các doanh nghiệp phần mềm phát triển tại Việt Nam, còn dựa vào khảo sát vĩ mô và vi mô với tệp 100.000 sinh viên cao đẳng, đại học theo học các ngành IT, kỹ thuật, có nền tảng đào tạo phù hợp cho lao động ngành IT của Việt Nam, xếp Top 10 thế giới.

Các chỉ số về năng lực phát triển, triển khai, sáng tạo Việt Nam cho thấy tiềm năng của người lao động Việt Nam cho lĩnh vực phần mềm, khiến HCL quyết tâm đầu tư dài hạn tại Việt Nam.

Hỗ trợ HCL triển khai thành công giai đoạn hình thành của kế hoạch đầu tư Việt Nam là Công ty TNHH Giải pháp đầu tư Tâm Việt. Cùng với HCL, Tâm Việt đang nhận được các yêu cầu tư vấn đầu tư, hình thành liên doanh trong lĩnh vực chế tạo linh kiện ô tô, xe máy điện, phụ kiện chuyển động trong đường sắt, dược phẩm, chế biến thức ăn gia súc, thiên về các sản phẩm chế biến sâu…

Đặc biệt, các doanh nghiệp Ấn Độ cũng có nhu cầu hợp tác thương mại hoặc đầu tư với các doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm hàng tiêu dùng hay vật liệu công nghiệp, xây dựng chất lượng tốt, giá cả hợp lý để thay thế hàng Trung Quốc chất lượng ở phân khúc thấp, kém bền đang tràn lan tại thị trường Ấn Độ.

Sự quan tâm của những nhà đầu tư lớn từ Ấn Độ cùng việc phát triển hiệu quả thương mại và du lịch song phương đang mở ra những cơ hội kết nối dòng vốn hai nước.

Tập đoàn HCL với vị trí Top 6 thế giới có doanh thu gần 10 tỷ USD trong ngành công nghệ cao, khi đầu tư dài hạn vào Việt Nam sẽ không chỉ tạo môi trường đào tạo nên 20.000 kỹ sư trình độ quốc tế, mà sẽ là điểm tựa để thúc đẩy dòng vốn Ấn Độ chọn lựa Việt Nam.

Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Giải pháp đầu tư Tâm Việt

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/trien-vong-sang-goi-von-an-do-vao-viet-nam-309392.html