Triển vọng 'sáng' cho JCPOA và nỗ lực của châu Âu

Trong khuôn khổ vòng thứ 14 của Hội nghị cấp cao châu Âu và Trung Á diễn ra hôm 23-11 tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Ngoại giao các nước Trung Á và quan chức cấp cao Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và ủng hộ mọi phương diện của thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Tuyên bố chung hoan nghênh việc Iran tuân thủ những cam kết trong JCPOA.

Tuyên bố chung coi trọng sự hợp tác chung giữa các các nước EU và Trung Á trong các lĩnh vực an ninh và kinh tế, cũng như hoan nghênh sự tuân thủ đầy đủ của Iran nhằm thực hiện hiệu quả những cam kết hạt nhân trong JCPOA, đồng thời nhất trí với bản báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ mọi khía cạnh của JCPOA.

Tuyên bố nêu rõ: “JCPOA là một phần cơ bản của cấu trúc không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu và một thành quả ngoại giao quan trọng mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhất trí ủng hộ vào năm 2015 trong nghị quyết 2231”.

EU đang “sát cánh” cùng Iran trong nỗ lực cứu vãn JCPOA.

Trong khi đó, về phía Iran, Ngoại trưởng nước này Mohammad Javad Zarif cùng ngày một lần nữa khẳng định Tehran sẽ không từ bỏ thỏa thuận JCPOA và sẽ tiếp tục tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận, đồng thời kêu gọi các nước châu Âu tiếp tục ủng hộ và hợp tác với nước Cộng hòa Hồi giáo. Theo ông, một trong những mục tiêu của thỏa thuận hạt nhân là bình thường hóa quan hệ kinh tế và thương mại với các đối tác quốc tế.

Tuy nhiên, mục tiêu này đã phải đối mặt với những thách thức sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận, ngăn cản các nước hợp tác với Iran. Do đó, Tehran đang nghiên cứu một loạt biện pháp nhằm duy trì và thúc đẩy hợp tác với cả EU cũng như hợp tác song phương, song Ngoại trưởng Iran không nêu cụ thể.

Đối với châu Âu, việc bảo toàn các kênh đối thoại và trao đổi thương mại với Iran cần đứng đầu danh sách ưu tiên. Tuy nhiên, để EU có thể bảo vệ JCPOA một cách đáng tin cậy sẽ cần đến 3 yếu tố thiết yếu: sự thống nhất giữa những nước thành viên, một loạt đề xuất cụ thể để giữ Iran ở lại thỏa thuận và sự phản đối một cách có nguyên tắc và có thể biến thành hành động đối với các chính sách của Mỹ.

Châu Âu coi kế hoạch của Tổng thống Donald Trump nhằm gia tăng sức ép chính trị và kinh tế đối với Iran không chỉ là một sự vi phạm rõ ràng bản thân thỏa thuận JCPOA mà còn là mối đe dọa trực tiếp đối với các lợi ích kinh tế và an ninh của châu Âu ở Iran và vùng Trung Đông rộng lớn hơn. Khi Washington bắt đầu tùy ý sử dụng một loạt công cụ ngoại giao, kinh tế, công nghệ và quân sự ngầm nhằm làm suy yếu nền kinh tế Iran và gây mất ổn định cho chế độ này, các đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Âu đang vật lộn để hạn chế thiệt hại đối với lợi ích của họ.

Trong bối cảnh này, JCPOA – thành tự ngoại giao then chốt đối với châu Âu, có tầm quan trọng mang tính quyết định đối với lợi ích và uy tín của EU – đã biến thành một tiểu tiết không đáng kể trong lịch sử rộng lớn hơn của quan hệ thù địch Mỹ - Iran. Lợi ích và các mối quan ngại của châu Âu dường như không thể cạnh tranh được với sự từ chối thẳng thừng từ chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với bất cứ hình thức can dự tích cực nào với Tehran.

Dù phản ứng như thế nào, châu Âu vẫn bị ảnh hưởng trực tiếp hơn là Mỹ. Thiên hướng vá víu trật tự khu vực một cách vụng về của Washington và kỳ vọng rằng một cách tiếp cận mạnh mẽ thay vì tinh tế sẽ kiềm chế thành công tầm ảnh hưởng của Iran khiến cho nhu cầu phải có một phản ứng của châu Âu hiệu quả thậm chí trở nên cấp thiết hơn. Điều này đòi hỏi phải có các bước đi cụ thể trong 3 lĩnh vực riêng biệt nhưng quan trọng như nhau.

Thứ nhất, cần tiếp tục phản đối cách tiếp cận xoa dịu chiến lược đối với Mỹ. Châu Âu rốt cuộc không thể thuyết phục Tổng thống Mỹ ở lại thỏa thuận, vì vậy các nỗ lực giờ đây tập trung vào việc kiểm soát thiệt hại và bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu có liên quan đến Iran.

Thứ hai, việc ủng hộ chính sách Iran của Nhà Trắng cần bao gồm các biện pháp có ý nghĩa để tăng cường việc phân tích phí tổn – lợi ích của Tehran nếu ở lại thỏa thuận. Mặc dù Iran có thể sẽ thấy nhiều lợi ích tài chính của thỏa thuận bị giảm sút do Mỹ rút khỏi, nhưng Tehran cần cân nhắc việc duy trì đối thoại với châu Âu và nền tảng đạo đức ở mức độ cao bằng cách tiếp tục tôn trọng các giá trị quan trọng của JCPOA, đặc biệt là trong bối cảnh thiếu các lựa chọn thay thế.

Và cuối cùng, cho dù áp dụng ở phương diện nào – kỹ thuật, kinh tế hay chính trị - thì một phản ứng hiệu quả của châu Âu vẫn dựa trên nhu cầu phải có sự thống nhất của toàn khối. Sự thống nhất như vậy tất nhiên không có nghĩa là cho phép Iran toàn quyền hành động trên tất cả các mặt trận đối ngoại và an ninh.

Ở khía cạnh này, các báo cáo gần đây về cái được cho là âm mưu của Iran nhằm ám sát các thành viên cấp cao của một nhóm bất đồng ở Đan Mạch, cùng với các cáo buộc trước đó về một âm mưu khác của Iran nhằm tấn công những người ủng hộ phe đối lập Iran đang tụ họp ở Paris, cần phải được điều tra một cách xác đáng và minh bạch. Nhưng Copenhagen, Brussels và các thủ đô châu Âu khác cần phải hành động để phân biệt bất kỳ phản ứng theo hướng trừng phạt nào với chính sách lớn hơn là ủng hộ JCPOA.

Việc đưa ra một chính sách hiệu quả chống lại những hành động bốc đồng của Mỹ phần lớn là để bảo vệ các giá trị và lợi ích của châu Âu. Có lẽ ngoại trừ vấn đề nhập cư, rất khó để tìm được một vấn đề khác ngoài JCPOA đe dọa đáng kể an ninh, tính hợp pháp và sức hút ngoại giao của châu Âu.

Trong bối cảnh này, số phận của thỏa thuận không chỉ là phép thử quan trọng nhất đối với chính sách thực dụng có nguyên tắc mà châu Âu công khai thừa nhận, như đã được vạch ra trong Chiến lược toàn cầu về chính sách ngoại giao và an ninh của EU năm 2016. Đó còn là một cơ hội lý tưởng để bắt đầu việc xây dựng một chính sách dựa trên quyền tự quyết lớn hơn, gắn kết với các giá trị của châu Âu và sự thống nhất về mục đích.

Việc bảo vệ JCPOA nằm trong mối quan tâm về an ninh, chuẩn mực và chiến lược của châu Âu. Khi làm điều đó, một hành động như vậy sẽ trở thành một phép thử quan trọng đối với quyết tâm của châu Âu trong việc tìm cách giành được quyền tự quyết chiến lược lớn hơn từ tay Mỹ.

Minh Bảo (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/trien-vong-sang-cho-jcpoa-va-no-luc-cua-chau-au-521927/