Triển vọng sản xuất thuốc điều trị Parkinson từ cà chua

Các nhà khoa học Anh bước đầu đã thành công trong việc điều chỉnh gien cà chua (ảnh) để tạo ra thuốc L-DOPA thiết yếu dùng trị bệnh Parkinson.

 Ảnh: New Atlas

Ảnh: New Atlas

Trong nhiều năm qua, Trung tâm John Innes đã nghiên cứu phát triển những phương pháp biến đổi cà chua thành các nhà máy nhiên liệu sinh học “tí hon”, bởi loại cây này cho năng suất cao và cũng dễ trồng tại nhiều nước trên thế giới. Qua nghiên cứu, Tiến sĩ Dario Breitel và các cộng sự nhận thấy khoảng 1kg cà chua có thể cung cấp 150mg L-DOPA. Họ cũng đặt ra giả thuyết rằng dạng phân tử từ tự nhiên này có thể giúp giảm bớt những tác dụng xấu thường thấy ở bệnh nhân Parkinson như buồn nôn và biến chứng về hành vi do sử dụng thuốc L-DOPA tổng hợp từ hóa chất. Parkinson là vấn đề ngày càng nhức nhối tại nhiều nước đang phát triển, nơi đa phần người dân không có đủ 2USD để mua thuốc L-DOPA uống mỗi ngày.

Phát hiện trên mở ra triển vọng chỉnh sửa gien các cây trồng chẳng hạn như cà chua để tạo ra tất cả các loại phân tử hữu ích có thể giúp các quốc gia đang phát triển tiếp cận công nghệ dược phẩm tốt hơn.

Tái lập trình gien những loại cây dễ trồng với mục đích tạo ra các phân tử dùng làm thuốc không phải ý tưởng mới. Thay vì phụ thuộc vào các công ty dược phẩm để tổng hợp thuốc rồi phân phối trên khắp thế giới, chiến lược này sẽ kết hợp việc trồng trọt tại địa phương với các kỹ thuật chiết xuất đơn giản và chi phí thấp nhằm hỗ trợ cộng đồng khả năng tự sản xuất.

HẠNH NGUYÊN (Theo New Atlas)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/trien-vong-san-xuat-thuoc-dieu-tri-parkinson-tu-ca-chua-a128261.html