Triển vọng mới cho Thỏa thuận hạt nhân Iran

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/9 nói ông tin rằng giới lãnh đạo Iran muốn trở lại vòng đàm phán, làm dấy lên nhiều hy vọng về khả năng ông chủ Nhà Trắng đang nỗ lực dàn xếp một cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Iran ngay trong kỳ họp Đại hội đồng LHQ tổ chức ở New York tới đây.

Quốc kỳ của Iran bay trước Trụ sở Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế ở Vienna, Áo.

Quốc kỳ của Iran bay trước Trụ sở Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế ở Vienna, Áo.

Hy vọng

“Tôi có thể nói với các bạn rằng Iran muốn gặp gỡ”- ông Trump nói trước các phóng viên tại Nhà Trắng. Lãnh đạo Mỹ cũng liên tiếp chỉ ra rằng ông đã sẵn sàng gặp gỡ người đồng cấp Iran Hassan Rouhani, người dự kiến sẽ tham gia vào kỳ họp Đại hội đồng LHQ tại New York trong tháng này. Tuy nhiên, phía Iran đến nay vẫn chưa đưa ra phản ứng tích cực.

Trong hôm thứ Tư vừa qua, ông Rouhani đã chỉ trích chính quyền Trump - bên đã và đang gây sức ép với nền kinh tế Iran, nói rằng “Mỹ cần phải hiểu rằng sự hiếu chiến và giận dữ không hề có lợi cho họ. Cả hai thứ trên cần phải được loại bỏ”.

Quan hệ giữa Washington và Tehran đã trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết kể từ hồi tháng 5 năm ngoái, khi mà ông Trump ra quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Iran. Iran sau đó phản ứng bằng cách thu hẹp dần các cam kết trong thỏa thuận này.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại trông thấy rõ triển vọng hai bên nhượng bộ sau sự việc ông Trump sa thải ông John Bolton - vị Cố vấn an ninh quốc gia có tư tưởng cứng rắn với Iran và từng kêu gọi thay đổi chế độ ở Tehran bằng vũ lực. Sự ra đi của ông Bolton xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Iran tuyên bố bước đi thứ 3 nhằm thu hẹp cam kết trong Thỏa thuận hạt nhân, trong đó khởi động lại các lò ly tâm để tăng cường làm giàu uranium.

Tuy nhiên, Tổng thống Rouhani cũng nói rằng, Tehran sẽ tiếp tục hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), cho phép các thanh sát viên IAEA kiểm soát từ góc độ kỹ thuật và công nghệ hạt nhân, trong một phần hoạt động hòa bình. Ông Rouhani cũng cho hay, Iran cho tất cả các bên tham gia ký kết Thỏa thuận hạt nhân thêm 2 tháng để có thể đạt một thỏa thuận với Tehran.

Sau tuyên bố của ông Rouhani, Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt 16 thực thể, 11 tàu và 10 cá nhân liên quan tới Iran, trong đó có một mạng lưới vận chuyển dầu lớn được cho là do Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vận hành. Đặc phái viên của Mỹ về Iran Brian Hook tuyên bố, Washington sẽ áp đặt thêm nhiều biện pháp trừng phạt đối với Iran và sẽ không đưa ra bất kỳ miễn trừ nào.

Ngoài ra, ông Hook nhấn mạnh Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn đàm phán với Iran một Thỏa thuận hạt nhân mới, tốt hơn so với Thỏa thuận hạt nhân hiện tại. Đặc phái viên tiếp tục khẳng định lập trường của Mỹ rằng, JCPOA là một thỏa thuận tồi tệ và mục tiêu của Tổng thống Trump là đàm phán một thỏa thuận mới đưa toàn bộ các bên tới hòa bình và an ninh tại Trung Đông.

Định hướng chính sách mới?

Ông Hesameddin Ashena - một cố vấn của Tổng thống Iran - mới đây hoan nghênh việc sa thải ông Bolton như “một tín hiệu rõ ràng cho thấy sự thất bại của chiến lược gây sức ép cực đại của Mỹ”. Nhưng dù cho ông Bolton ra đi, giới chức chóp bu trong chính quyền Trump vẫn chưa đánh tín hiệu sẽ ngừng chiến lược trừng phạt nhằm vào Iran.

“Giờ Tổng thống đã nêu rõ rằng ông sẵn sàng tham gia một cuộc gặp mà không cần có điều kiện tiền đề, nhưng chúng tôi vẫn đang duy trì chiến lược sức ép cực đại” - Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nói sau khi ông Bolton bị sa thải.

Ý tưởng tổ chức cuộc gặp giữa ông Trump và ông Rouhani được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra hồi tháng trước. Phản ứng trước đề xuất này, ông Rouhani nói rằng Iran sẵn sàng tuân thủ các cam kết trong Thỏa thuận hạt nhân chỉ khi mà Mỹ cũng làm tương tự.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 11/9 tiết lộ rằng ông đang cân nhắc 5 ứng viên để lựa chọn người thay thế vị trí Cố vấn an ninh quốc gia do John Bolton để lại. Ông Trump không nêu tên các ứng viên, chỉ nói rằng họ đều “có trình độ cao”, làm dấy lên những đồn đoán về các gương mặt sáng giá cho vị trí này. Tuy nhiên, Charlie Kupperman - Phó cố vấn An ninh quốc gia là sáng giá nhất.

Người lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia dự kiến được ông Trump công bố tuần tới có thể là chỉ dấu về định hướng chính sách đối ngoại mà ông sẽ theo đuổi trong năm bầu cử 2020, đồng thời giúp trả lời câu hỏi liệu ông chủ Nhà Trắng có tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận với Iran, Triều Tiên và Taliban ở Afghanistan hay không.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/trien-vong-moi-cho-thoa-thuan-hat-nhan-iran-tintuc447300