Triển vọng kinh tế suy yếu, Trung Quốc khó giúp đỡ Nga

Moscow kỳ vọng nhận được sự giúp đỡ của Bắc Kinh sau khi bị phương Tây 'tẩy chay'. Nhưng bản thân nền kinh tế Trung Quốc cũng đang gặp nhiều thách thức.

Theo CNBC, các lệnh trừng phạt, đóng băng tài sản và rút vốn của những doanh nghiệp nước ngoài đã giáng đòn mạnh lên nền kinh tế Nga sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc chiến ở Ukraine.

Giờ, Moscow chỉ còn duy nhất một đối tác đủ mạnh để dựa vào. Đó là Trung Quốc.

"Tôi tin rằng mối quan hệ giữa chúng tôi và Trung Quốc sẽ vẫn cho phép chúng tôi không chỉ duy trì, mà còn thúc đẩy sự hợp tác trong bối cảnh các thị trường phương Tây đóng cửa", Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tuyên bố hôm 13/3.

 Nếu mở đường cho Nga "lách" các lệnh trừng phạt, Bắc Kinh có thể "hứng đạn" từ những đòn kinh tế mà phương Tây nhắm vào Moscow. Ảnh: Reuters.

Nếu mở đường cho Nga "lách" các lệnh trừng phạt, Bắc Kinh có thể "hứng đạn" từ những đòn kinh tế mà phương Tây nhắm vào Moscow. Ảnh: Reuters.

Đối mặt rủi ro

Đáp lại, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết họ đã cảnh báo Bắc Kinh về "những hậu quả khi giúp Nga trốn tránh hoặc đối phó với các biện pháp trừng phạt quy mô lớn" từ phương Tây.

Ông Siluanov đã nhắc đến việc Mỹ đóng băng 300 tỷ USD - tức gần một nửa trong số 640 tỷ USD vàng và ngoại tệ dự trữ của ngân hàng trung ương Nga. Đây là lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crime hồi năm 2014.

Các khoản dự trữ còn lại được nắm giữ bằng vàng và đồng NDT. Điều này giúp đồng tiền của Trung Quốc trở thành nguồn ngoại hối tiềm năng của Nga, nhằm hỗ trợ đồng RUB trong bối cảnh dòng vốn đang chảy khỏi nước Nga.

Hôm 14/3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định “Trung Quốc không đứng về bên nào của xung đột và không muốn các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến Trung Quốc”. Ông nhấn mạnh rằng "Trung Quốc có quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình".

Nếu Trung Quốc chấp nhận thanh toán bằng bằng đồng RUB cho mọi hàng hóa, bao gồm những mặt hàng nhập khẩu quan trọng như linh kiện công nghệ và chất bán dẫn mà Nga bị chặn quyền mua do các lệnh trừng phạt mới nhất, Bắc Kinh có thể "hứng đạn" từ những đòn kinh tế mà phương Tây nhắm vào Moscow.

Đây không phải thời điểm thích hợp để Trung Quốc giúp Nga chống lại các lệnh trừng phạt từ phương Tây

Ông Maximilian Hess tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ Bắc Kinh được lợi như thế nào nếu giúp Nga. “Trung Quốc có thể hỗ trợ Nga rất nhiều”, ông Maximilian Hess tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại nói với CNBC.

“Nhưng Bắc Kinh sẽ phải mạo hiểm với các lệnh trừng phạt thứ cấp lớn nhắm vào chính mình. Cùng với đó là một cuộc chiến thương mại mới với Mỹ và phương Tây", ông cảnh báo.

Thêm vào đó, kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức mới trong tuần qua. Đất nước 1,4 tỷ dân đứng trước rủi ro lạm phát tăng cao và tăng trưởng bị đình trệ vì các đợt bùng phát dịch Covid-19 mới.

Hôm 13/3, các quan chức Trung Quốc đã đặt toàn bộ 17 triệu dân của thành phố Thâm Quyến vào tình trạng phong tỏa trong ít nhất một tuần. Nguyên nhân là số ca nhiễm Covid-19 mới tăng vọt.

Hôm 14/3, 24 triệu dân của tỉnh Cát Lâm cũng được yêu cầu không di chuyển hoặc đi du lịch sang những nơi khác. Tính đến ngày 15/3, ít nhất 13 thành phố trên cả nước đã bị phong tỏa.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho rằng tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới trong năm nay chỉ đạt 4,5%, thấp hơn mục tiêu 5,5% của chính phủ.

Theo ngân hàng đầu tư Phố Wall, nền kinh tế đang gặp nhiều trở ngại, từ giá dầu tăng cao do xung đột Nga - Ukraine, doanh số bất động sản lao dốc đến các đợt bùng phát dịch trong nước.

"Đây không phải thời điểm thích hợp để giúp Nga chống lại các lệnh trừng phạt từ phương Tây", ông Hess nhận định.

Tận dụng lợi thế

Trong những năm qua, Trung Quốc và Nga đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ. Hồi năm 2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là "người bạn tốt và thân thiết nhất".

“Rõ ràng là Trung Quốc và ông Putin đều hưởng lợi khi hợp tác chặt chẽ với nhau”, ông Holger Schmieding - nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Berenberg - nhận định trong một báo cáo hồi đầu tháng 3. "Trung Quốc muốn gây ra các vấn đề cho phương Tây và không ngại biến Nga thành đối tác tốt, phụ thuộc vào mình", ông bình luận.

Nước này cũng có thể tận dụng lợi thế của mình để mua dầu, khí đốt và các hàng hóa khác của Nga với giá rẻ, giống như những gì Bắc Kinh đã làm với Iran.

Sự hỗ trợ của Trung Quốc cũng sẽ đóng vai trò quan trọng cho tương lai của kinh tế Nga. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Nga, chỉ sau Liên minh châu Âu (EU).

Theo cơ quan hải quan Trung Quốc, thương mại giữa Trung Quốc và Nga đạt mức cao kỷ lục 146,9 tỷ USD trong năm 2021, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Nga, chỉ sau Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: Reuters.

Xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc đạt 79,3 tỷ USD vào năm 2021, trong đó dầu và khí đốt chiếm 56%. Năm ngoái, thâm hụt thương mại của Trung Quốc với Nga khoảng 10 tỷ USD.

"Theo thời gian, Trung Quốc có thể trở thành thị trường thay thế lớn đối với xuất khẩu nguyên liệu thô của Nga. Đất nước 1,4 tỷ dân sẽ là kênh dẫn đường giúp Moscow tránh các lệnh trừng phạt từ phương Tây", ông Schmieding nhận định.

Thêm vào đó, G7, bao gồm Mỹ, các đối tác châu Âu và châu Á, có thể áp đặt những biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với những ai ủng hộ Moscow. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc lớn thứ hai thế giới và là mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sức ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu lớn hơn nhiều so với Nga. Theo CNBC, bất cứ động thái nào nhắm vào Bắc Kinh cũng có thể tác động mạnh lên kinh tế thế giới và phương Tây.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trien-vong-kinh-te-suy-yeu-trung-quoc-kho-giup-do-nga-post1302922.html