Triển vọng kinh tế GMS và các động lực kinh tế mới

Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS là dịp để Lãnh đạo các nước GMS, Lãnh đạo các tổ chức quốc tế và khu vực, đại diện các đối tác phát triển, giới doanh nghiệp và học giả chia sẻ quan điểm và các vấn đề phát triển then chốt của khu vực GMS, cũng như thảo luận về biện pháp tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan.

Phiên họp mở rộng GMS với chủ đề “Triển vọng kinh tế GMS và các động lực kinh tế mới”

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10), sáng 30/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao, Hội đồng Kinh doanh GMS đã tổ chức Phiên họp mở rộng Hội đồng Kinh doanh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng với chủ đề “Triển vọng kinh tế GMS và các động lực kinh tế mới”.

Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS là dịp để Lãnh đạo các nước GMS, Lãnh đạo các tổ chức quốc tế và khu vực, đại diện các đối tác phát triển, giới doanh nghiệp và học giả chia sẻ quan điểm và các vấn đề phát triển then chốt của khu vực GMS, cũng như thảo luận về biện pháp tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan.

Tham dự Diễn đàn có, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh GMS, Oudet Souvannavong, cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển (đa phương và song phương), đại diện địa phương các nước GMS và lãnh đạo hơn 2.000 doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc tại Phiên họp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết, với nỗ lực của các quốc gia thành viên và sự hợp tác của các tổ chức quốc tế, nhiều chương trình hợp tác GMS đã được hình thành. Chuỗi giá trị GMS đang rộng mở. Một phần tư thế kỷ qua đi kể từ khi chương trình hợp tác kinh tế GMS được khởi động, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á, có những nỗ lực cải cách và kỳ tích phát triển ở khu vực này. Quan trọng nhất là quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ, gắn liền với những thành công trong xóa đói giảm nghèo và sự phát triển bùng nổ của khu vực kinh tế tư nhân GMS 2018.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng GMS vẫn đang là vùng trũng của sự phát triển trong tương quan so sánh với ASEAN, châu Á và thế giới, xét cả trên bình diện GDP trên đầu người, kết cấu hạ tầng, khả năng công nghệ, tài chính và chất lượng nguồn nhân lực... Với vị trí địa kinh tế, địa chính trị quan trọng, với nguồn tài nguyên và nhân lực dồi dào, công cuộc cải cách và hội nhập đang diễn ra sâu rộng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đang tràn tới, GMS có lợi thế phát triển trong các lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, có thể trở thành bếp ăn của thế giới, trở thành công xưởng mới của nền kinh tế thế giới, với lợi thế lao động còn rẻ và cơ cấu dân số trẻ.

Trước yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, cả cơ hội và thách thức đổi mới GMS đều vô cùng lớn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, thách thức lớn nhất của các nền kinh tế GMS về chất lượng thể chế và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là phải vươn tới chuẩn mực quốc tế để có thể kết nối vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Động lực của sự phát triển trong khu vực GMS trong thời gian tới sẽ phải là tinh thần khởi nghiệp, là sự phát triển của khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khu vực doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS là sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ GMS 6. Với tiềm năng lớn mạnh của GMS, khu vực có hơn 340 triệu dân, Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS lần này sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong khối cùng chia sẻ tầm nhìn và cơ hội kết nối trong tương lai.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, qua mỗi kỳ Hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp GMS đã ngày càng lớn mạnh và khẳng định vai trò quan trọng, đóng góp phần trong triển khai, hiện thực hóa các chính sách của Chương trình hợp tác GMS. Để có được kết quả này, Hội đồng kinh doanh GMS (GMS Business Council) đã thể hiện rất tốt vai trò kết nối, điều phối các hoạt động và sáng kiến phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn các quốc gia GMS cùng nhìn nhận lại và đánh giá sâu sắc hơn những cơ hội kết nối, phát triển, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ cùng nhau chia sẻ tầm nhìn và cơ hội kết nối sâu rộng hơn, hướng tới một mục tiêu phát triển chung, tận dụng tốt nguồn vốn lên tới 66 tỷ USD tại hơn 220 dự án trong toàn khu vực.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra các thách thức mà khối GMS đang phải đối mặt như sự hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng của các quốc gia trên thế giới và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Các quốc gia cũng như doanh nghiệp GMS cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và gắn kết để tận dụng các cơ hội hiện có, đồng thời bổ sung kiến thức và kinh nghiệm cho nhau, từng bước tham gia vào thị trường quốc tế.

Về phần mình, ông Oudet Souvannavong, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh GMS nhấn mạnh, ngày nay, cộng đồng doanh nghiệp trong GMS có nhiều cơ hội song cũng phải đối mặt với nhiều thách thức hơn do hội nhập kinh tế sâu và sự xuất hiện của các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới trong bối cảnh CMCN 4.0 diễn ra mạnh mẽ.

Trong bối cảnh như vậy, nhu cầu hợp tác với các chính phủ của cộng đồng doanh nghiệp GMS trở nên quan trọng hơn bao giờ hết nhằm giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ có thể chuyển dịch nhanh hơn trong việc áp dụng các công nghệ mới, các mô hình thị trường mới và đáp ứng các cơ hội thị trường mới để trở nên cạnh tranh hơn và có khả năng tiếp cận với các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS được tổ chức theo mô hình của Diễn đàn kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sỹ) bao gồm phiên họp của Hội đồng kinh doanh GMS, phiên đối thoại chính sách cao cấp; tập trung thảo luận các lĩnh vực hợp tác chủ đạo của cơ chế GMS như mô hình kinh doanh mới, phát triển kinh tế tư nhân, xây dựng cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ cao./.

Tin, ảnh: Mạnh Hùng

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/thoi-su/trien-vong-kinh-te-gms-va-cac-dong-luc-kinh-te-moi-478514.html