Triển vọng kinh tế Anh sau cuộc trưng cầu dân ý

Ngày 23/6 tới, nước Anh sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về quyết định “đi hay ở lại” Liên minh châu Âu (EU).

Trước khả năng nước Anh rời EU, ngày 17/6, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã công bố kết quả đánh giá định kỳ hằng năm về tình hình kinh tế nước này với tựa đề “Bất ổn đang bao trùm triển vọng kinh tế của Vương quốc Anh” nhằm đánh giá thực trạng kinh tế Anh, những điểm mạnh và hạn chế, triển vọng về khu vực tài chính và hệ quả một khi nước Anh rời EU.

Trong những năm gần đây, kinh tế Anh liên tục đạt mức tăng trưởng cao và gần như đứng đầu trong nhóm các nền kinh tế phát triển, tỷ lệ thất nghiệp giảm kỷ lục, thâm hụt tài khóa giảm dần, hàng loạt biện pháp cải cách được tiến hành.

Tuy nhiên, kinh tế “Quốc đảo sương mù” đang đứng trước một số rủi ro, bao gồm nguy cơ đảo chiều của thị trường nhà đất mặc dù đang phát triển tích cực, thâm hụt vãng lai khá cao, tiết kiệm của dân cư đạt thấp. Cuộc trưng cầu dân ý về việc ra đi hay ở lại liên minh EU của nước Anh dự kiến được tiến hành vào ngày 23/6 tới đây, sẽ là nguồn gốc cơ bản của những bất ổn.

Nếu Anh ở lại EU, chính sách kinh tế vĩ mô cần tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm thiểu những tổn thương trên đây. Trong đó, chính sách tiền tệ cần tiếp tục hỗ trợ phục hồi kinh tế cho đến khi áp lực lạm phát có dấu hiệu bền vững hơn. Mặc dù có nhiều tiến triển về cắt giảm thâm hụt tài khóa sau thời kỳ khủng hoảng, tỷ lệ thâm hụt tài khóa vẫn tương đối cao, chính phủ vẫn phải duy trì kế hoạch cắt giảm dần tỷ lệ thâm hụt và tái xây dựng nguồn tài chính dự phòng.

Tuy nhiên, Chính phủ Anh nên tiếp tục tìm kiếm những cơ hội để khuyến khích tăng trưởng kinh tế trong khuôn khổ ngân sách hiện hành. Chẳng hạn, tăng chi tiêu ngân sách cho hạ tầng thông qua cải cách chính sách thuế và hưu trí, góp phần tăng thu ngân sách và giảm chi tiêu.

Nếu các cử tri Anh quyết định phương án rời EU, Chính phủ nước này cần tiến hành thảo luận và thương thuyết cụ thể với các chính phủ còn lại trong EU về thời điểm và lộ trình rút khỏi EU và các mối quan hệ sau này với EU.

Ngoài ra, nước Anh cũng cần thảo luận lại các mối quan hệ thương mại với 60 quốc gia ngoài EU vốn được hình thành theo thỏa thuận giữa EU với những đối tác khác trên thế giới.

Những cuộc thảo luận lại này sẽ kéo dài trong một thời gian và có thể mất nhiều năm, dẫn đến giai đoạn bất ổn cao và những rủi ro không mong muốn, nó có thể kìm hãm chi tiêu và đầu tư, thị trường tài chính rối loạn.

Trong dài hạn, phần lớn đánh giá của các tổ chức kinh tế - tài chính cho rằng, kinh tế Anh sẽ xấu đi nếu rời EU, các rào cản thương mại và tài chính sẽ tăng cao, kìm hãm tăng trưởng kinh tế và thu nhập.

IMF cũng tổng kết các nghiên cứu tác động tiềm tàng của bất ổn kinh tế tại Anh thời kỳ “hậu Brexit” do quốc gia này phải tiến hành chuyển đổi kinh tế. Trong đó, hầu hết các nghiên cứu đều đưa ra hai kịch bản với tác động khác nhau đến tăng trưởng kinh tế của Anh trong tương lai. Trong cả hai kịch bản, tác động tiêu cực đến sản xuất và việc làm tương đối cao do bất ổn cao. Trong dài hạn, bất ổn này vẫn tồn tại, gây bất lợi cho cho nước Anh trong các cuộc đàm phán thương mại.

Trong một báo cáo riêng rẽ, IMF đã đưa ra kết quả đánh giá chi tiết về khu vực tài chính của nước Anh, được tiến hành theo định kỳ 5 năm một lần. Báo cáo cho thấy, các ngân hàng Anh có đầy đủ nguồn vốn và hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, do hàng loạt nỗ lực cải cách đã góp phần củng cố hệ thống tài chính quốc gia sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, có khả năng giảm bớt những nguy cơ và chi phí đổ vỡ trong tương lai.

Nước Anh cũng chấp nhận và áp dụng cách tiếp cận khắt khe nhằm tăng cường giám sát và kiểm soát hệ thống tài chính, được bổ sung thêm các biện pháp cải cách quản trị và điều hành các công ty tài chính. Những cải cách này là chìa khóa để củng cố lòng tin vào khu vực tài chính, sau hàng loạt sai lầm trong quản lý điều hành của các định chế tài chính lớn.

Hoàng Thế Thỏa (nguồn: IMF)

Share on Tumblr

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/trien-vong-kinh-te-anh-sau-cuoc-trung-cau-dan-y/279350.vgp