Triển vọng giống 'ngô nội' chống chịu sâu keo mùa thu

Các kết quả thí nghiệm đánh giá cho thấy kết quả bước đầu một số tổ hợp ngô lai của Viện Nghiên cứu Ngô có khả năng chống chịu tốt, không bị sâu keo mùa thu (SKMT) gây hại.

Lãnh đạo Cục BVTV và Viện KHNN Việt Nam kiểm tra kết quả thí nghiệm trên một số giống ngô tại Viện Nghiên cứu ngô.

Đây là tín hiệu vui để kỳ vọng có thể ra mắt thị trường giống “ngô nội” có khả năng chống chịu với SKMT trong thời gian tới.

Với định hướng của Bộ NN-PTNT từng bước nghiên cứu các giống ngô có khả năng chống chịu với sâu keo mùa thu, đáp ứng các yêu cầu SX ngô trong bối cảnh SKMT đã thâm nhập và gây hại đáng kể cho SX ngô tại nước ta, thời gian qua, Viện Nghiên cứu Ngô (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã triển khai nhiều thí nghiệm đối với một số tổ hợp ngô lai triển vọng của Viện nhằm xác định khả năng chống chịu với SKMT.

Kháng SKMT như giống chuyển gen

Các thí nghiệm đánh giá đã được Viện Nghiên cứu Ngô triển khai trong vụ ngô thu đông và vụ đông năm 2019. Trong đó, đáng chú ý là phương pháp đánh giá các tổ hợp ngô lai về khả năng chống chịu SKMT trong điều kiện lây nhiễm nhân tạo ngoài ruộng.

Cụ thể, Viện Nghiên cứu Ngô chọn ra 8 tổ hợp ngô lai triển vọng do Viện chọn tạo, cùng 3 giống đối chứng là các giống ngô lai đang được SX phổ biến. Thời kỳ ngô 7-8 lá, tiến hành lây nhiễm nhân tạo bằng cách thả sâu non SKMT (sâu non tuổi 1) vào nõn, sau đó tiến hành theo dõi, đánh giá kết quả tình hình gây hại của SKMT sau thời gian 3 ngày, 5 ngày và 7 ngày sau khi lây nhiễm sâu non.

Kết quả cho thấy, sau 7 ngày thả sâu non (tuổi 1), có duy nhất tổ hợp giống ngô lai CN19-12 (do Viện Nghiên cứu Ngô lai tạo) không bị SKMT gây hại.

Bên cạnh đó, một số tổ hợp giống ngô lai khác như CN19-1, TM19-2 cũng chỉ bị nhiễm ở mức độ rất nhẹ (tỉ lệ cây bị hại dưới 4%). Giống ngô chuyển gen kháng sâu cũng chỉ bị nhiễm ở mức độ nhẹ (tỉ lệ cây nhiễm 3,5%).

Trong khi đó, các tổ hợp lai còn lại, đặc biệt là các giống ngô lai thương mại được thí nghiệm đối chứng đều bị SKMT tấn công gây hại với mức độ rất nặng, với tỉ lệ cây bị nhiễm bình quân lên tới 63% đến 75%.

Nhằm tiếp tục kiểm chứng về khả năng chống chịu với SKMT, Viện Nghiên cứu Ngô đã tiến hành thí nghiệm lây nhiễm nhân tạo bằng cách thả SKMT tuổi 3 (sâu già và có khả năng tàn phá mạnh nhất) vào nõn ngô ở thời điểm ngô 10-12 lá. Kết quả kiểm tra đánh giá tại thời điểm 7 ngày sau khi lây nhiễm cho thấy, đa số giống ngô thí nghiệm đều bị SKMT gây hại với mức độ rất nặng (tỉ lệ cây bị hại nặng chiếm từ 55-75%).

Tuy nhiên, có 2 tổ hợp ngô lai là CN19-1 và CN19-12 đều không bị SKMT gây hại (100% số cây hoàn toàn không bị sâu hại). Tổ hợp ngô lai khác là TM19-2 cũng có tỉ lệ bị gây hại thấp (chiếm khoảng 13%). Bên cạnh đó, giống ngô chuyển gen (giống DK9955s) cũng hoàn toàn không bị sâu gây hại tính tới ngày thứ 7 sau khi lây nhiễm nhân tạo.

Cần làm rõ giống có chuyển gen hay không

Điều ngạc nhiên, đó là đối với 2 tổ hợp ngô lai CN19-1 và CN19-12, sau khi lây nhiễm nhân tạo SKMT (sâu tuổi 3) 3 ngày, kết quả cho thấy vẫn có tỉ lệ nhỏ một số cây bị sâu ăn (tỉ lệ khoảng 3%). Tuy nhiên tới ngày thứ 5 sau khi lây nhiễm, cho thấy không còn cây nào bị SKMT tấn công nữa.

Điều này đặt ra giả thiết, hoặc có thể sau khi “ăn thử”, chúng đã “ngán sợ” bỏ đi và không còn dám ăn nữa; hoặc là đã bị chết sau khi ăn phải!? Giả thiết này cũng không phải không có cơ sở, bởi khá tương đồng với diễn biến gây hại đối với ngô chuyển gen trong quá trình đối chứng lây nhiễm.

Cụ thể, kết quả cho thấy sau 3 ngày lây nhiễm SKMT, giống ngô chuyển gen vẫn bị nhiễm SKMT với tỉ lệ nhỏ khoảng 8%, tuy nhiên đến ngày thứ 7 sau lây nhiễm, tỉ lệ này đã giảm còn 0%. Điều này được lí giải là do sau khi ăn phải giống ngô chuyển gen kháng sâu, SKMT đã bị chết.

TS Đặng Ngọc Hạ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô cho biết: 2 tổ hợp giống ngô lai CN19-1 và CN19-12 có nguồn vật liệu lai được chia sẻ trong quá trình hợp tác từ một viện nghiên cứu quốc tế.

Tuy nhiên, nguồn vật liệu này sau đó đã được lai tạo qua nhiều giai đoạn với các giống ngô của Viện Nghiên cứu Ngô nhằm đáp ứng các yêu cầu về năng suất, chất lượng cũng như khả năng phù hợp với điều kiện tại Việt Nam.

Thí nghiệm bước đầu cho thấy số tổ hợp ngô lai triển vọng của Viện Nghiên cứu ngô có khả năng chống chịu SKMT không thua kém giống chuyển gen.

Theo đó, cả hai tổ hợp giống ngô lai CN19-1 và CN19-12 đều là giống ngô lai có triển vọng, sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với SX tại nước ta và cho năng suất tốt (tương đương với các giống ngô lai thương mại phổ biến trên thị trường hiện nay). Vì vậy, những kết quả bước đầu về khả năng chống chịu với SKMT của 2 tổ hợp ngô lai này là rất đáng mừng...

Tại buổi làm việc và kiểm tra về kết quả thí nghiệm khả năng chống chịu của một số giống ngô của Viện Nghiên cứu Ngô vừa qua, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng: Đối với một số tổ hợp giống ngô lai của Viện Nghiên cứu Ngô đã thí nghiệm và đánh giá tốt về khả năng chống chịu/kháng với SKMT thời gian qua, nếu có đầy đủ các cơ sở khẳng định về khả năng chống chịu/kháng này, Cục Trồng trọt sẽ sớm công nhận đặc cách, đồng thời có cơ chế phổ biến và khuyến cáo để các địa phương mở rộng SX.

Tuy nhiên, ông Cường cũng đề nghị Viện Nghiên cứu Ngô cần triển khai các quy trình tiếp theo nhằm khẳng có cơ sở chắc chắn xem các tổ hợp ngô lai này có sự can thiệp của việc chuyển gen kháng sâu hay chưa? Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ KH-CN (Bộ NN-PTNT) cũng băn khoăn: Hiện nay, giống ngô có khả năng kháng được sâu (thuộc bộ cánh vẩy) tự nhiên là rất hiếm gặp. Vì vậy, Viện Nghiên cứu Ngô cần có các bước nhằm xác định các tổ hợp ngô giống ngô lai này có bị can thiệp bởi công nghệ chuyển gen hay không.

Biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực trong việc nghiên cứu và tìm ra giống ngô chống chịu với SKMT thời gian qua của Viện Nghiên cứu ngô, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cũng đề nghị thời gian tới, Viện Nghiên cứu Ngô cần triển khai thêm một số nội dung.

Một là phối hợp ngay với Viện BVTV và các đơn vị khác nhằm tiếp tục triển khai thêm việc đánh giá về khả năng chống chịu SKMT của một số giống ngô lai triển vọng, nhất là thực hiện lây nhiễm nhân tạo tại Viện BVTV. Hai là cần làm rõ nguồn gốc của nguồn vật liệu mà Viện Nghiên cứu Ngô đã nhận được chia sẻ của đơn vị quốc tế nhằm xác định đã có sự can thiệp của công nghệ chuyển gen hay không? Qua đó, cũng cần làm rõ thêm về cơ chế kháng/hoặc khả năng chống chịu nhằm có cơ sở khuyến cáo và công nhận giống

Sâu keo mùa thu cơ bản đã được khống chế

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV đánh giá: Sau khi xâm nhập vào Việt Nam, sâu keo mùa thu (SKMT) đã nhanh chóng lan nhanh ra 58/63 tỉnh thành trên cả nước phát hiện có SKMT gây hại. So với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam đã vào cuộc sớm và quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp và đã khống chế SKMT một cách có hiệu quả cao.

Từ chỗ diện tích gây hại có thời điểm lên tới 23.000 ha, đến nay, SKMT đã cơ bản được khống chế, hiện diện tích gây hại chỉ còn khoảng 1.400 ha trên các diện tích ngô vụ thu đông, tập trung tại các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên. Tại các tỉnh phía Bắc, tình hình gây hại trên ngô vụ thu đông, vụ đông sớm hiện đã giảm, còn không đáng kể...

LÊ BỀN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/trien-vong-giong-ngo-noi-chong-chiu-sau-keo-mua-thu-post253053.html