Bắt 'sóng' cổ phiếu ngân hàng

Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá gấp đôi, nên bán ra chốt lời hay tiếp tục găm giữ?

Xét thị giá cổ phiếu ngân hàng trong cả năm 2017 cho thấy giá cổ phiếu ngân hàng mới thực sự tạo sóng từ cuối quý IV/2017, trong khi 03 quý đầu năm lình xình. Tiếp tục trong 2 tháng đầu năm 2018, thị giá nhiều cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tăng cao.

Quán quân tăng giá là MBB

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng hiện có 03 cổ phiếu có thị giá ngang ngửa nhau và ở mức trên 3.0, đó là BID, CTG và MBB.

Tuy nhiên, cổ phiếu MBB của ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) đã tăng giá mạnh nhất tới 146% trong vòng 01 năm qua, từ mức giá 13.900 đồng/cổ phần và lên mức 34.200 đồng/cổ phần.

Cổ phiếu BID của ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng có sự tăng giá mạnh mẽ tới 136%, từ mức giá 16.000 đồng/cổ phần lên mức 37.800 đồng/cổ phần.

Còn cổ phiếu CTG của ngân hàng TMCP Công Thương (Vietinbank) tăng giá 82%, từ mức 17.900 đồng/cổ phần lên mức 32.700 đồng/cổ phần.

Nguồn: HSX, HNX

Nguồn: HSX, HNX

Trong 03 ngân hàng có thị giá gần ngang nhau và trên "3 chấm" thì BIDV và Vietinbank thuộc top “ông lớn” trong hệ thống, có tổng tài sản trên 01 triệu tỷ đồng.

Lãi ròng của BIDV năm 2017 đạt 6.891 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2016. Vietinbank đạt lãi ròng 7.432 tỷ đồng, tăng 8%.

MB chỉ có tổng tài sản trên 313.878 tỷ đồng, bằng 1/3 so với BIDV và Vietinbank, nhưng MB đạt lãi ròng ở mức 3.490 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2016. Tính ra, lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của MB vượt trội so với BIDV và Vietinbank và được phản ánh vào giá cổ phiếu hiện thời.

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng niêm yết, những cổ phiếu đã tăng giá gấp đôi trong vòng 01 năm qua có thêm: SHB, ACB.

Cổ phiếu SHB của ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHBank) cũng là hiện tượng của nhóm ngân hàng. Trong vòng 01 năm qua, thị giá SHB đã tăng được 144%, từ mức dưới mệnh giá là 5.200 đồng/cổ phần lên mức 12.700 đồng/cổ phần phiên ngày 02/3/2018 .

Cổ phiếu ACB của ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã trở lại? Thống kê thị trường cho thấy giá cổ phiếu ACB đã có sự tăng liên tục từ tháng 12/2016 ở mức trên 17.000 đồng/cổ phần lên tới 46.500 đồng/cổ phần phiên ngày 02/3/2018.

Với mức tăng trưởng từ 40% trở lên, gồm: STB tăng 54% và NVB tăng 79%, EIB tăng 38%, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã không làm nhà đầu tư thất vọng trong vòng 01 năm qua.

Thị giá cao nhất thuộc về VCB

Thị trường đang trả giá cho cổ phiếu VCB của ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) vẫn cao nhất.

Mặc dù, có thời điểm năm 2017 thị giá cổ phiếu VPB của ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cao nhất trên thị trường khi lên sàn với giá 39.000 đồng/cổ phần, cao hơn thị giá VCB khi đó chỉ loanh quanh mức 37.000 đồng/cổ phần.

Tuy nhiên, đến nay thị trường đã trả VPB về vị trí của nó khi thị giá VCB lên tới 71.800 đồng/cổ phần (ngày 02/3/2018), tăng 95% trong 01 năm qua.

Vietcombank đã báo lãi ròng cả năm 2017 ở mức 9.087 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2016 và đứng đầu hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, “tân binh” VPB cũng có mức tăng giá ngoạn mục tới 58% từ mức chào sàn 39.000 đồng/cổ phần (tháng 8/2017) lên mức 61.900 đồng/cổ phần hiện nay.

“Tân binh” HDB của ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) mới lên sàn từ đầu tháng 05/01/2018 chỉ tăng nhẹ gần 10% lên mức 43.550 đồng/cổ phần.

STB, CTG thay nhau dẫn đầu thanh khoản trên HSX

"Sóng cổ phiếu" ngân hàng bắt đầu tăng liên tục từ đầu quý IV/2017 với thông tin kết quả lợi nhuận quý cuối cùng của năm 2017 sẽ khởi sắc.

Điều này đã phản ánh ngay vào giá cổ phiếu nhóm này trên thị trường, thanh khoản vọt lên đứng đầu sàn chứng khoán.

Thanh khoản tốt nhất phải kể đến cổ phiếu STB và SHB với hàng chục triệu đơn vị/phiên.

STB có những phiên lên tới gần 50 triệu cổ phần trong tháng 1/2018. SHB cũng tạo khối lượng giao dịch khủng khi có phiên giao dịch gần 60 triệu cổ phần trong tháng 01/2018.

Bắt đầu từ cuối tháng 0/2018, thanh khoản của cổ phiếu CTG cũng tăng vọt khi lên tới hàng chục triệu/phiên. Đặc biệt, phiên 01/3/2018 đạt kỷ lục thanh khoản của cổ phiếu này khi khối lượng giao dịch lên tới 20 triệu cổ phần/phiên.

Cổ phiếu ngân hàng thuộc Top có khối lượng giao dịch nhiều nhất - Nguồn: HSX

Có những phiên trên sàn HSX, Top 10 cổ phiếu có khối lượng giao dịch nhiều nhất sàn thì có tới 06 cổ phiếu của nhóm ngân hàng (ngày 26/01/2018).

STB và CTG đang thay nhau đứng đầu Top cổ phiếu giao dịch nhiều nhất sàn HSX.

VIB dẫn đầu trên UPCoM

Những cổ phiếu ngân hàng lên sàn UPCoM năm 2017, gồm: VIB, BAB, LPB, KLB cũng có những mức tăng giá đáng kể.

Đặc biệt, cổ phiếu VIB của ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) tăng từ mức 17.580 đồng/cổ phần lên 34.000 đồng/cổ phần, tương ứng tăng 93% trong vòng 01 năm qua.

Cổ phiếu KLB của ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongbank) đang ở mức 10.000 đồng/cổ phần, giảm hơn so với mức giá chào sàn là 11.000 đồng/cổ phần.

Cổ phiếu BAB của ngân hàng TMCP Bắc Á (Bacabank) và cổ phiếu LPB của ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostbank) cũng đang giảm giá về mức chào sàn, tương ứng là 23.000 đồng/cổ phần và 14.900 đồng/cổ phần.

Hấp lực từ cổ tức ngân hàng?

Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá gấp đôi, liệu cổ phiếu nhóm này còn tăng giá nữa hay không, đâu là thời điểm mua vào… là những câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư muốn biết.

Xét trên nhiều yếu tố cũng như những dự đoán của các tổ chức kinh tế vẫn cho thấy ngành ngân hàng năm 2018 còn thuận lợi.

Cụ thể, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng tổ chức, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), dự đoán lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng khoảng 40% trong năm 2018.

Trong đó, các ngân hàng cổ phần như: ACB, Techcombank, HDBank, MBB, VCB và VPB sẽ tăng trưởng lợi nhuận từ 40% trở lên. Đặc biệt, ACB sẽ là ngân hàng dẫn đầu khi tăng lợi nhuận trước thuế tới 119%.

Ước tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng cổ phần năm 2018 - Nguồn: SSI

Về các yếu tố vĩ mô, năm 2018 Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7%, lạm phát bình quân khoảng 4%, nợ công 63,9% GDP, bằng với mục tiêu năm 2017.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng ngân hàng năm nay ở mức 17%, thấp hơn con số thực hiện năm 2017 là 18,17%.

Bên cạnh đó, năm 2018 thêm “gánh nặng” cho ngành ngân hàng đó là giảm lãi suất cho vay và Ngân hàng Nhà nước đã chỉ định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Điều này nếu thực hiện mạnh mẽ và giảm đại trà sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng, dù ngân hàng có tăng thu từ dịch vụ hay tăng cường bán chéo sản phẩm ngân hàng – bảo hiểm...

Đối với nhà đầu tư, điều quan tâm sau hưởng lợi chênh lệch giá là cổ tức. Với lợi nhuận dự đoán năm 2018 vẫn khả quan, cổ tức năm 2018 của ngân hàng có thể chia khá hơn cho cổ đông.

Một điều nhìn thấy trước mắt đó là cổ tức ngân hàng năm 2017. Nhiều ngân hàng đã dự kiến chia cổ tức năm 2017 khá tốt. Cụ thể, Vietcombank dự kiến chia cổ tức ở mức 8%. BIDV chia trên 7%, BacABank chia cổ tức 8% bằng tiền mặt, LienVietPostbank dự kiến trả cổ tức năm 2017 là 12%...

Tuy nhiên, năm 2017 nhiều ngân hàng đã có mức lợi nhuận tăng khủng, cổ đông có thể kỳ vọng ngân hàng sẽ “phóng tay” chia thêm phần lợi nhuận. Điều này còn phải chờ vào mùa đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 sắp diễn ra, và cổ đông phải đòi quyền lợi này cho mình.

LAN ANH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/bat-song-co-phieu-ngan-hang-3437927.html