Triển vọng đầu tư nông nghiệp tại Bulgaria

Thuế thấp, chi phí nhân công rẻ, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải phát triển chính là những điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Bulgaria.

 Hiện nay có hơn 200 trang trại cá thể cung cấp hàng hóa trực tiếp đến các chuỗi siêu thị Metro tại Bulgaria.

Hiện nay có hơn 200 trang trại cá thể cung cấp hàng hóa trực tiếp đến các chuỗi siêu thị Metro tại Bulgaria.

Dân số Bulgaria có trên 7 triệu người, diện tích 111.001.9 km2, trong đó đất nông nghiệp chiếm 46,9%.

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Bungaria cho biết, cuối tháng 01/2019, Chính phủ Bulgaria đã quyết định khoản ngân sách gần 1,5 tỷ EUR hỗ trợ nông nghiệp. Trong đó, 1,35 tỷ EUR lấy từ nguồn EU và 150 triệu EUR từ ngân sách nhà nước, 463 triệu EUR dành cho phát triển nông thôn). Ngoài ra, chính phủ cấp hơn 140 triệu EUR cho chương trình phát triển nông thôn trong lĩnh vực “môi trường nông nghiệp”, “khí hậu”, “trồng cây organic”…

Hệ thống siêu thị của doanh nghiệp Bulgaria và Đức khá phát triển, có khoảng 120 siêu thị “Billa” (Germany’s REWE Group); 41 siêu thị “Fantatisco” (Bulgaria); 150 siêu thị “Lidl” và “Kaufland” (tập đoàn German Schwarz-Gruppe); 11 siêu thị “Metro” (Đức)…

Phát triển nông nghiệp trở thành một trong những ưu tiên chính của Chính phủ Bulgaria nói riêng cũng như EU nói chung. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp có thể đăng ký xin cấp vốn theo các chương trình hỗ trợ nông nghiệp từ EU với mức đầu tư lên đến 50% tổng giá trị của dự án và mức trợ cấp tối đa lên đến 2 triệu EUR. Năm 2018, EU chi 164 triệu EUR cho các chương trình hỗ trợ nói trên tại Bulgaria.

Thổ nhưỡng của Bulgaria thích hợp trồng các loại cây như khoai tây, hạt tiêu, nho, lúa mỳ, hướng dương, táo, anh đào, mâm xôi… Thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng rất lớn tại thị trường nội địa, ngoài ra xuất khẩu sang các nước trong khối các nước EU.

Khoảng 90% rau và trái cây bán trên thị trường Bulgaria nhập khẩu từ các quốc gia khác. Trong các cửa hàng chỉ một lượng nhỏ trứng, trái cây, rau, thịt và các sản phẩm từ sữa được bán bởi các nhà sản xuất Bulgaria, phần còn lại hơn 80% đến từ các thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Ba Lan, Serbia và Bắc Macedonia.

Các loại rau, củ, quả xuất khẩu chiếm ưu thế chủ yếu các sản phẩm chế biến, trong khi tỷ lệ sản phẩm tiêu thụ tươi thì chiếm tỷ lệ nhỏ. Đây chính là yếu tố cơ hội tốt cho các nhà đầu tư ở nước ngoài mở đường cho việc xuất khẩu sản phẩm tươi tại thị trường các nước châu Âu và khu vực.

Năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu nông nghiệp và thực phẩm Bulgaria đạt 4,5-5 tỷ EUR. Xuất khẩu rau, củ từ Bulgaria sang thị trường EU năm 2018 tăng hơn 20%, đạt mức 120 triệu EUR (50% rau tươi, 25% rau khô và 25% đông lạnh, đóng hộp.

Trong khi đó, Bulgaria nhập khẩu 282,6 nghìn tấn rau (tăng 15,2%); nhập khẩu trái cây gần 334 nghìn tấn (tăng 13%). Khối lượng nhập lớn nhất là cà chua 12.600 nghìn tấn (tăng 16,7%); dưa chuột 9.000 tấn (tăng 44%); ớt 7.100 tấn (tăng gần 30%). Ngoài ra các sản phẩm nhập khẩu khác như cà rốt; hành tây; bắp cải.. cũng tăng.

Dân số Bulgaria chỉ hơn 7 triệu dân nhưng hệ thống siêu thị của doanh nghiệp Bulgaria và Đức khá phát triển. Như vậy, nếu nông sản đưa vào các chuỗi siêu thị của Đức thì sẽ không chỉ phân phối thị trường nội địa Bulgaria mà còn có thể phân phối trong hệ thống tại các nước khác trong khu vực.

Bên cạnh đó, chính phủ Bulgaria đã thiết lập một hệ thống thuế thuận lợi và giảm chi phí thành lập công ty để thu hút các nhà đầu tư. Trong số các biện pháp hấp dẫn nhất được đưa ra là áp dụng thuế “flat-tax” với thuế suất cố định doanh nghiệp 10%, thuế thu nhập cá nhân 10%.

Mặt khác, nhà đầu tư được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, được hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở sản xuất, mua sắm máy móc, được hoàn lại các khoản bảo hiểm phải trả cho người lao động trong trường hợp đầu tư vào các khu vực chậm phát triển. Ngoài ra, chi phí lao động tại Bulgaria thấp nhất trong các nước EU với mức lương trung bình khoảng 400-600 USD/tháng.

Luật đất đai Bulgaria không cho phép người nước ngoài sở hữu đất nông nghiệp nhưng cho phép các doanh nghiệp nước ngoài liên doanh hoặc thuê đất để đầu tư nông nghiệp. Các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký tại Bulgaria có quyền sở hữu đất nông nghiệp sau 5 năm hoạt động. Hiện đang có một số nhà đầu tư Trung Quốc đang hoạt động trong lĩnh vực trồng nho, rau củ quả để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải khá phát triển đảm bảo nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh, vận chuyển cung cấp hàng hóa thị trường nội địa cũng như vận chuyển sang các nước EU.

Chính vì vậy, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp là một trong những lĩnh vực hấp dẫn tại Bulgaria hiện nay.

NGUYỄN THỦY

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/trien-vong-dau-tu-nong-nghiep-tai-bulgaria-post241753.html