Triển vọng cho năng lượng tái tạo toàn cầu

Phát triển ngành năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách của ông Joe Biden. Việc ông Biden trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ sẽ giúp ngành năng lượng tái tạo toàn cầu bứt phá và vượt qua ngành than đá vào năm 2020.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngành năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ "lên ngôi" vào năm 2025

Chính sách phát triển ngành năng lượng là một trong những điểm khác biệt căn bản giữa 2 ứng cử viên Tổng thống thứ 46 của Mỹ: Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden.

Donal Trump ủng hộ nhiên liệu hóa thạch, ông từng coi biến đổi khí hậu là “trò lừa bịp”, gỡ bỏ các quy định về môi trường được ban hành từ thời Tổng thống Obama, đồng thời còn chỉ định một nhà vận động hành lang của ngành than làm lãnh đạo cơ quan bảo vệ môi trường (EPA).

Ở chiều ngược lại, ông Joe Biden đặt niềm tin vào phát triển ngành năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Trong chiến dịch tranh cử, Biden đưa ra cam kết sẽ đầu tư 2.000 tỷ USD vào năng lượng tái tạo, tập trung vào kế hoạch lắp đặt 8 triệu tấm pin năng lượng mặt trời, các turbine điện gió trên khắp nước Mỹ. Ông tin tưởng đến năm 2030, Mỹ sẽ trở thành nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, đầu tư, thương mại hóa, sản xuất và xuất khẩu năng lượng sạch. Trong tuyên bố tranh cử của mình, ông nhấn mạnh “Ngành dầu mỏ mang lại ô nhiễm đáng kể, cần phải dần thay đổi bởi năng lượng tái tạo”.

Biden cam kết cắt giảm các quy định và đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo. Ông Biden dự kiến sẽ đưa ra các dự luật chặt chẽ hơn nữa để hạn chế khai thác nhiên liệu hóa thạch như ban hành lệnh cấm khoan dầu khí trên những khu đất công. Ông cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ mở rộng chương trình Tín dụng thuế đầu tư năng lượng liên bang (ITC) vốn dự kiến bị loại bỏ vào năm 2022. Việc này sẽ tạo sự hỗ trợ đáng kể về tài chính cho các doanh nghiệp, người dân muốn lắp đặt hệ thống điện mặt trời.

Angelo Zino – chuyên gia phân tích cao cấp tại CFRA Research đánh giá cao vai trò của việc mở rộng chương trình này, ông cho rằng: “Chúng tôi coi ITC là mạch máu đối với nhu cầu năng lượng mặt trời tại Mỹ”. Quan trọng hơn, ông Biden cam kết sẽ ngay lập tức đưa nước Mỹ tái gia nhập Hiệp định khí hậu Paris – Hiệp định mà ông Trump đã rút khỏi sau khi lên nắm quyền vào năm 2016.

Việc thực hiện các cam kết xanh của ông Biden sẽ tạo sự phát triển bứt phá cho ngành năng lượng tái tạo toàn cầu. Fatih Birol, Giám đốc điều hành Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) tuyên bố, trong trường hợp ông Biden trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ và thực hiện đúng những gì đã cam kết, công suất điện gió và điện mặt trời của Mỹ có thể tăng gấp đôi trong 5 năm tới. Theo IEA, tính đến cuối năm 2019, Mỹ có 180 GW công suất điện gió và điện mặt trời nhưng con số này dự kiến sẽ tăng lên 380 GW vào năm 2025.

Theo một báo cáo mới đây, IEA dự báo đến năm 2025, năng lượng tái tạo có thể sẽ chấm dứt sự thống trị kéo dài trong suốt năm thập kỷ qua của điện than. Tuy nhiên, dự báo trên chưa tính đến chính sách năng lượng xanh mà ông Biden đã cam kết. Hiện năng lượng tái tạo của Mỹ chiếm đến 11% năng lượng tái tạo toàn cầu, do vậy việc phát triển mạnh tại Mỹ sẽ khiến ngành năng lượng tái tạo toàn cầu có thể vượt ngành than đá trở thành nguồn sản xuất điện lớn nhất thế giới vào năm 2022.

Người đứng đầu IEA nhấn mạnh “Điều này sẽ tạo ra những tác động lớn đối với việc loại bỏ carbon trong hệ thống năng lượng của Mỹ, đồng thời ảnh hưởng đến kể đến sự phát triển của năng lượng tái tạo và lượng khí thải carbon toàn cầu. Đây là món quà tuyệt vời từ nước Mỹ gửi đến phần còn lại của thế giới”.

Một số trở ngại còn phải vượt qua

Tuy nhiên trong trường hợp ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ, nhưng Đảng Dân chủ của ông không kiểm soát được Thượng viện Mỹ, thì những chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo cũng không dễ được thông qua. Hiện Đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện đang dùng các biện pháp để ngăn cản một dự luật mới dành cho ngành nhiên liệu tái tạo và định hướng xanh để được thông qua.

Ông Kevin Book, trưởng nhóm nghiên cứu của ClearView Energy Partners, một công ty tư vấn có trụ sở tại Washington nhận định rằng “Một Thượng viện với phe Cộng hòa chiếm ưu thế có thể hạn chế tham vọng năng lượng xanh của ông Biden”. Trong trường hợp đó, ông Biden có thể sẽ phải tìm kiếm sự thỏa hiệp với các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội, hoặc dựa vào quyền hành pháp và các quy định luật pháp trước đó để thức đẩy chương trình nghị sự sự năng lượng sạch của mình.

Chính sách năng lượng tái tạo của ông Biden còn bị hạn chế bởi quy định áp thuế 30% với tất cả các tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu vào Mỹ, bao gồm cả từ Trung Quốc. Với việc có cùng quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, một đợt thuế mới có thể được áp dụng bởi chính quyền của ông Biden. Điều này sẽ hạn chế khả năng mở rộng quy mô năng lượng tái tạo tại Mỹ, cụ thể là năng lượng mặt trời./.

Hải Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/quoc-te/2020-12-11/trien-vong-cho-nang-luong-tai-tao-toan-cau-96688.aspx