Triển vọng chính sách châu Phi của Tổng thống Donald Trump

Trang mạng dailymaverick.co.za mới đây có bài phân tích về triển vọng chính sách châu Phi của chính quyền Donald Trump sau khi ông Tibor Nagy được bổ nhiệm làm trợ lý ngoại trưởng phụ trách châu Phi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp nội các tại Washington DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau 18 tháng kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ định ông Tibor Nagy làm Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách chính sách của Mỹ đối với châu Phi. Do sự bổ nhiệm diễn ra "chậm trễ" này, một số chuyên gia tin rằng đã quá muộn để Trợ lý Tibor Nagy có thể thay đổi chính sách châu Phi vốn được cho là "không có phương hướng" của Nhà Trắng.

Nhiều vị trí đại sứ quan trọng của Mỹ ở châu Phi, kể cả ở Pretoria (Nam Phi), vẫn chưa được bổ nhiệm, và Trump đã khiến quan hệ của Mỹ với châu Phi xấu đi với những lời lăng mạ vô cớ, cấm vận thương mại và hạn chế nhập cư.

Ông Nagy, 69 tuổi, có khả năng mang lại sự ổn định và tính chuẩn tắc bởi ông từng là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, dày dạn kinh nghiệm về châu Phi do đã từng là Đại sứ Mỹ tại các nước Ethiopia và Guinea cũng như có quãng thời gian 15 năm tham gia giảng dạy.

Tháng Sáu vừa qua, để được bổ nhiệm vào vị trí hiện tại, trong phiên điều trần trước Ủy ban Thượng viện về Quan hệ đối ngoại, ông Nagy đã thể hiện một phương pháp tiếp cận chính thống vững vàng về chính sách châu Phi.

Điểm mấu chốt là ông Nagy đã thúc giục Mỹ tận dụng ưu thế bùng nổ dân số của châu Phi (như đã được dự báo) thông qua việc cung cấp hỗ trợ phát triển cần thiết để tạo ra một môi trường ổn định và được quản lý tốt với lý do thị trường khổng lồ này sẽ mang lại các cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Mỹ.

Theo dự đoán, đến năm 2050, thanh niên châu Phi sẽ chiếm khoảng 70% trong tổng số 2,5 tỷ dân của châu lục này (gấp đôi hiện nay). Lực lượng này có xu hướng "thân" Mỹ và họ chính là "tương lai của lục địa Đen" chứ không phải là "những kẻ thủ cựu tham nhũng luôn muốn tại vị suốt đời và ít đoái hoài đến tổn thất mà họ gây ra đối với nhân dân".

Ông Nagy thể hiện thái độ cứng rắn đúng mức với những kẻ tham quyền thủ cựu và bè cánh của họ. Ông cam kết sẽ sử dụng mọi biện pháp gây áp lực để trừng phạt các nhà lãnh đạo Nam Sudan do đã gây ra đổ máu và đau khổ tại đất nước non trẻ nhất hành tinh này hồi năm 2013. Kể từ khi được bổ nhiệm vào tháng trước, ông Nagy cũng đã lên tiếng chỉ trích sự đàn áp chính trị tại các nước Uganda, Tanzania và Zimbabwe.

Ông Nagy cũng đảm bảo sẽ vận dụng hiệu quả đạo luật Huy động tốt hơn đầu tư phát triển (BUILD) - vốn đang được quốc hội xem xét - nhằm giúp thúc đẩy sự phát triển của các nước châu Phi, chủ yếu thông qua hỗ trợ đầu tư tư nhân. Cơ chế để BUILD đạt được điều đó là thành lập Công ty tài chính phát triển quốc tế (IDFC).

Trong báo cáo trình bày trước Ủy ban Thượng viện về Quan hệ đối ngoại, Thượng nghị sĩ Chris Coons của đảng Dân chủ thuộc bang Delaware, đồng tài trợ dự luật, cũng không hề giấu giếm ý định chiến lược của BUILD khi khẳng định rằng IDFC, vốn được Nhà Trắng ủng hộ mạnh mẽ, "sẽ hướng các nỗ lực nhằm làm đối trọng với ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc ở lục địa này".

Thượng nghị sĩ Coons lưu ý rằng việc thành lập IDFC là phù hợp với việc chính quyền Trump dành ưu tiên cao "nhằm giải quyết sự cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc ở châu Phi".

Chính quyền Trump đã bị chỉ trích nặng nề vì đã quá tập trung vào việc chống khủng bố ở châu Phi mà quên nhiệm vụ phát triển đất nước và các mối quan tâm khác. Nhưng điều này dường như đang thay đổi, cho dù là không nhiều.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu tân Trợ lý Nagy có thể vận dụng hiệu quả BUILD và các công cụ phát triển khác như Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng châu Phi (AGOA) để định hướng lại cái gọi là "chính sách châu Phi sai lầm" hay không?

Theo Judd Devermont, tân Giám đốc Chương trình châu Phi thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế tại Washington, đó là một nhiệm vụ hết sức khó khăn đối với tân trợ lý ngoại trưởng: "Ông Tibor Nagy là người giàu kinh nghiệm về châu Phi và đã đạt được những bước tiến quan trọng để xoay chuyển đánh giá về một chính sách châu Phi 'không phương hướng' của Mỹ.

Qua phiên điều trần trước quốc hội và sự hiện diện trước truyền thông đã cho thấy ông Nagy có một phong thái tích cực". Tuy nhiên, lời nói là chưa đủ để kiến thiết chính sách phù hợp đối với khu vực Nam Sahara: “Sự bổ nhiệm ông Tibor là chậm trễ - có lẽ đã quá muộn để sửa chữa một phần thiệt hại đã xảy ra trong 18 tháng qua.

Ông Tibor không có nhiều nguồn lực như những người tiền nhiệm và sẽ phải xoay sở với những chính sách về nhập cư và thương mại vốn rất ít được ưa chuộng".

Đánh giá về vấn đề liên quan đến lệnh cấm nhập cư của chính quyền Trump đối với công dân của một số quốc gia Hồi giáo, trong đó có một số nước ở châu Phi, cũng như chính sách thương mại cứng rắn của Mỹ, gồm cả việc áp thuế cao đối với thép và nhôm nhập khẩu vào nước này từ Nam Phi, Giám đốc Chương trình châu Phi nhận định: "Ông (Nagy) có lẽ không đủ sức mạnh để ảnh hưởng đến các bộ trưởng và người đứng đầu các cơ quan khác khiến họ xem xét lại những chính sách hiện có đối với châu Phi... Tuy nhiên, tôi vẫn lạc quan rằng ông Tibor và các đồng nghiệp liên ngành có thể đạt được những tiến bộ, dù là nhỏ nhất.”

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/trien-vong-chinh-sach-chau-phi-cua-tong-thong-donald-trump/94937.html