Triển vọng 'cảnh sát' trí tuệ nhân tạo

Thay vì e ngại và chậm chân thì quản lý nhà nước cần phải đi nhanh hơn trước khi trở nên bất lực trước các thủ đoạn tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi và phức tạp. Xin dẫn lời ông Jack Ma (nguyên Chủ tịch tập đoàn thương mại điện tử Alibaba), rằng 'phải dùng chính công nghệ thông tin để giám sát thông tin'…Muốn áp dụng công nghệ AI đòi hỏi một trình độ chuyển đổi số cao. Trong trường hợp để áp dụng cho giám sát và thực thi pháp luật, nó đòi hỏi một hệ sinh thái số đồng bộ mà trong đó chính quyền số phải đóng vai trò dẫn dắt.

Dùng công nghệ thông tin để giám sát thông tin

2022 là một năm đầy những biến động tiêu cực của thế giới trên mọi bình diện kinh tế, chính trị và xã hội. Trong nước, thời sự nổi lên với tần suất dày đặc những vụ trọng án tham nhũng, thao túng thị trường tài chính, gian lận thương mại, lừa đảo trên mạng xã hội… gây ra một sự “khủng hoảng lòng tin” mà lâu dài sẽ nguy hại hơn cả những bất lợi từ bên ngoài đưa đến.

Nhìn vào bản chất vấn đề của các vụ việc, chúng ta thấy cơ quan chức năng dường như bất lực trong việc giám sát tính chân thực và minh bạch của lượng thông tin khổng lồ trong thời đại công nghệ số.

Các sự việc trên chỉ được phanh phui khi đã gây ra hậu quả nghiêm trọng chứ cơ chế cảnh báo hay đề phòng từ trước không có hoặc tuy có ở mức sơ khai nhưng hoạt động không hiệu quả.

Về vấn đề này, trong khuôn khổ triển lãm công nghệ Viva Tech tại Pháp năm 2019, trả lời phỏng vấn của diễn đàn, Jack Ma (nguyên Chủ tịch tập đoàn thương mại điện tử Alibaba) đã cho rằng “giải pháp tốt nhất để giám sát thông tin là dùng chính công nghệ thông tin”.

Cụ thể hơn, trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) và công nghệ máy học (machine learning) sẽ giúp phát hiện các vi phạm đạo đức tốt hơn con người và điều đó đã và đang dần trở nên sự thật.

Thật vậy, vào năm 2021, hệ thống AI đã nhận dạng ra các bể bơi từ các bức ảnh chụp trên cao rồi đối chứng chúng với cơ sở dữ liệu đăng ký đất đai của Chính phủ Pháp, nhờ đó giúp cơ quan thuế Pháp phát hiện hơn 20.000 bể bơi tư nhân chưa đăng ký và thu về số tiền trốn thuế khoảng 10 triệu euro.

Ở Trung Quốc, thuật toán AI của TikTok có thể dễ dàng phát hiện các buổi livestream có nội dung thiếu lành mạnh, quảng cáo sai sự thật và nhắc nhở người dùng điều chỉnh hành vi trước khi bị khóa tài khoản mà không cần sự “report” (báo cáo) của cộng đồng.

Chưa kể, các giao dịch qua bán hàng trực tuyến còn được đối chiếu với lượng thuế thực đóng để phát hiện ra gian lận thuế. Các “reviews” (đánh giá sản phẩm) trên Amazon của Mỹ sẽ được AI giám định tính “công tâm” trước khi được đăng để tránh các review “chim mồi”.

Trong trường hợp tin nhắn rác ở Việt Nam, các thuật toán áp dụng cho tổng đài số có thể dễ dàng lọc bỏ các tin nhắn SMS lừa đảo. Và còn rất rất nhiều những ví dụ tương tự khác trên mọi lĩnh vực đời sống.

Trí tuệ nhân tạo – công cụ giám sát, thực thi pháp luật đầy hứa hẹn

Do đó nếu AI được áp dụng trong việc giám sát và thực thi pháp luật, nó sẽ vô cùng hiệu quả. Nếu việc thực thi pháp luật truyền thống là bắt giữ tội phạm (tức khi sự việc vào thế đã rồi), thì các ứng dụng AI cho phép các cơ quan thực thi pháp luật giải thích các mối liên hệ bất hợp lý trong các dữ liệu liên đới, chẳng hạn như: báo cáo tài chính, bản cáo bạch trên thị trường, hình ảnh không gian địa lý của các dự án bất động sản, dữ liệu phát ngôn trên mạng xã hội…, từ đó suy ra các mối rủi ro tiềm ẩn và đưa ra thông điệp cảnh báo phát hiện ra hành vi rửa tiền, bán khống hoặc trốn thuế.

Vì hầu như tất cả các cơ quan thực thi pháp luật đều gặp khó khăn do thiếu nhân sự và kinh phí nên một trong những lợi ích khác của AI là tiết kiệm nguồn lực.

Các thuật toán AI đã chứng minh sự hiệu quả trong việc giúp các tổ chức tư pháp hiểu rõ hơn về “ai, cái gì, khi nào, ở đâu, như thế nào và tại sao” trong một vụ phạm tội với chi phí (tài chính lẫn thời gian) thấp.

Các thuật toán này đã giúp các nhà tư pháp lướt qua hàng núi dữ liệu để có được những dữ liệu chính xác trước khi ra phán quyết.

Thách thức của việc áp dụng công nghệ AI tại Việt Nam

Tuy nhiên, muốn áp dụng công nghệ AI đòi hỏi một trình độ chuyển đổi số cao. Trong trường hợp để áp dụng cho giám sát và thực thi pháp luật, nó đòi hỏi một hệ sinh thái số đồng bộ mà trong đó chính quyền số phải đóng vai trò dẫn dắt.

Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đã bắt đầu diễn ra, nhất là trong những ngành như tài chính, giao thông, du lịch… Chính phủ và chính quyền các cấp đang nỗ lực xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số.

Tuy nhiên, những bất cập liên quan việc quản lý thông tin trong đại dịch Covid-19 đã cho thấy, vai trò dẫn dắt hệ sinh thái số quốc gia còn cả một chặng đường dài phía trước, nó đòi hỏi cần phải có sự tăng tốc hơn nữa vì bọn tội phạm cũng đang và sẽ áp dụng AI trong các phi vụ.

Ngoài ra, việc sử dụng AI trong các hệ thống quản lý nhà nước và pháp luật cũng đang đặt ra nhiều vấn đề đạo đức và nhân quyền. Ở châu Âu, chiến lược phát triển về AI được tiếp cận theo hướng “lấy con người làm trung tâm” nhằm thiết lập một khuôn khổ cho sự phát triển dựa trên đạo đức, tính đáng tin cậy của công nghệ AI và các ứng dụng phù hợp với các giá trị của châu Âu.

Ở Việt Nam, song song với việc nghiên cứu phát triển công nghệ AI, chúng ta cũng cần tham khảo, học hỏi các nước đi trước để xây dựng một chiến lược luật dữ liệu và hành lang pháp lý về đạo đức khi ứng dụng AI.

Tuy nhiên, chuyển đổi số toàn diện và áp dụng công nghệ AI là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược. Do đó người viết xin lấy lại phát biểu của ông Jack Ma “phải dùng chính công nghệ thông tin để giám sát thông tin” để kết luận bài viết này.

Thay vì e ngại và chậm chân thì quản lý nhà nước cần phải đi nhanh hơn trước khi trở nên bất lực trước các thủ đoạn tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi và phức tạp.

Lương Hà

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/trien-vong-canh-sat-tri-tue-nhan-tao/